Khát vọng của trẻ tị nạn Syria

GD&TĐ - Mariam Khatib, 15 tuổi, người Syria đang tị nạn tại Liban, cho biết chỉ có một khát khao trong cuộc sống - có thể trở lại trường học. 

Khát vọng của trẻ tị nạn Syria

“Con người sẽ không có gì nếu không có giáo dục” – cô bé chia sẻ. Mariam đã không được đi học kể từ khi gia đình chạy nạn khỏi tỉnh Daraa, phía Nam Syria, 3 năm rưỡi trước. “Cháu mong Chúa sẽ biến điều ước của cháu và các anh em cháu thành sự thực – mở cánh cửa cho chúng cháu tới trường” – Mariam thổ lộ.

Những năm tháng tị nạn gắn liền thất học

Mariam và các anh em ruột nằm trong số hơn 250.000 trẻ tị nạn Syria tại Liban không được tới trường – theo một báo cáo mới đây của Liên Hiệp Quốc. Nhiều em trong đó còn chưa từng bước chân đến trường học.

Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng đối với trẻ nhóm tuổi từ 15 – 18, chỉ 3% trong nhóm tuổi này được vào học trường công lập tại Liban trong năm học 2015 - 2016.

Và khủng hoảng vẫn đang tiếp tục bất chấp nỗ lực của chính phủ Liban và các nhà tài trợ quốc tế nhằm tăng tuyển sinh trong hơn 1 triệu người tị nạn Syria đến Liban từ khi nội chiến Syria bùng phát tháng 3/2011.

Tại Qab Elias, phía Đông Liban, hàng chục trại tị nạn không chính thức, toàn bộ trẻ em không được đi học. “Thật khó tả cảm giác không được tới trường” – Ismael, 18 tuổi, anh trai của Mariam, chia sẻ - “Cháu thực sự nhớ bạn bè và thầy giáo”.

Bố của Mariam và Ismael cho biết, lí do đơn giản không thể cho con tới trường là bởi không có tiền. “Chúng tôi đã tị nạn tại Liban 3 năm rưỡi và không đứa con nào của tôi được tới trường” – ông nói – “Tình trạng tài chính của chúng tôi không cho phép làm điều đó và cho đến nay tôi không nhận được bất cứ sự giúp đỡ nào. Vợ tôi và tôi đều cảm thấy rất khổ sở khi không thể cho con đi học. Tôi quá lo lắng cho tương lai của chúng nếu chúng thất học”.

Chính sách tuyển sinh trên giấy

Chính phủ Liban cho phép người tị nạn đăng kí học mà không cần giấy cư trú dài hạn, miễn học phí tiểu học và mở các lớp học ca hai vào buổi chiều cho trẻ em Syria. Tuy nhiên, người tị nạn cho biết thực tế lãnh đạo các trường học đòi hỏi những giấy tờ và học phí mà họ không thể đáp ứng, hoặc từ chối mở lớp học ca hai.

Nhiều gia đình cũng bị áp lực bởi giấy phép cư trú quá hạn, thường tốn kém để gia hạn. Nếu không có giấy tờ, họ lo ngại sẽ chuyển nơi ở hoặc gửi con tới trường trong nỗi lo lắng bị bắt vì không có giấy tờ tuỳ thân.

Một tổ chức quốc tế thậm chí chỉ trích chính phủ Liban ngăn cấm giáo viên Syria làm việc trong điều kiện thiếu giáo viên Liban.

Abdulkarim al-Salem, quản lí tại trại tị nạn không chính thức Qab Elisa, cho rằng Liban nên mở trường dành cho người nhập cư bên trong các khu tạm cư. “Riêng trong trại này, có 180 trẻ em không tới trường, bởi không có trường nào có thể tiếp nhận thêm học sinh trong mùa hè này” – Salem nói – “Thậm chí dù có được nhận vào trường địa phương, đường tới trường khá xa và không an toàn”.

Tổ chức Human Rights Watch (HRW) kêu gọi chính phủ Liban bảo đảm thực thi tốt hơn chính sách hiện tại, nhưng cũng kêu gọi cần có biện pháp bổ sung, bao gồm việc tận dụng thuê giáo viên Syria và cho phép người Syria gia hạn giấy tờ cư trú miễn phí.

HRW cũng kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế đóng góp tiền mở rộng thêm lớp học, thuê giáo viên và hỗ trợ chi phí đi lại cho học sinh.

Những rào cản tới trường với trẻ tị nạn còn là chi phí vận chuyển học sinh, tệ bắt nạt và quấy rối, thiếu chỗ học và giáo viên cho trẻ tị nạn Syria.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ