Khát khao cống hiến của các nữ sinh Trường Đại học Bách khoa TPHCM

GD&TĐ - 5 sinh viên cùng trường vừa xuất sắc nhận giải thưởng Nữ sinh Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2024.

5 nữ sinh Trường Đại học Bách khoa TPHCM đạt giải thưởng về khoa học công nghệ năm 2024. Ảnh: HCMUT.
5 nữ sinh Trường Đại học Bách khoa TPHCM đạt giải thưởng về khoa học công nghệ năm 2024. Ảnh: HCMUT.

Giải thưởng Nữ sinh Khoa học Công nghệ Việt Nam là giải thưởng thường niên, do Trung ương Đoàn chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hằng năm.

Mục đích nhằm tuyên dương những nữ sinh viên có thành tích học tập, nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực khoa học công nghệ đặc thù, góp phần đào tạo nguồn cán bộ khoa học công nghệ nữ chất lượng cao cho đất nước.

Trong số 20 gương mặt tiêu biểu nhận giải thưởng, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) có 5 sinh viên nữ đoạt giải, góp phần lan tỏa hiệu ứng tích cực về vai trò tham gia của nữ giới trong lĩnh vực STEM, hướng đến đào tạo nguồn cán bộ khoa học công nghệ nữ có chất lượng cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Can đảm bước khỏi vùng an toàn

Đạt giải ở lĩnh vực công nghệ hóa học, vật liệu, luyện kim và môi trường; Nguyễn Trần Hà Phương (sinh viên năm 4, khoa Kỹ thuật hoá học) đã ấp ủ khát khao chinh phục giải thưởng này từ lâu. Kế hoạch hành động của Phương bắt đầu từ năm hai, khi nữ sinh chủ động kết nối với giảng viên để bắt đầu những nghiên cứu chuyên môn đầu tiên tại phòng thí nghiệm.

“Trong nghiên cứu này, em chủ yếu sử dụng những dung môi tự nhiên cùng sự hỗ trợ của công nghệ siêu âm, vi sóng để tối ưu hóa quá trình trích ly những hợp chất quan trọng có từ phụ phẩm. Đây là cách để em tận dụng tối đa nguồn phụ phẩm và mở rộng tiềm năng ứng dụng chúng nhằm giải quyết bài toán kinh tế liên quan đến nông nghiệp thực phẩm”, Hà Phương tâm đắc.

ha-phuong.jpg
Thành tích của nữ sinh khoa Kỹ thuật hóa học. Ảnh: HCMUT.

Càng làm, Hà Phương càng có nhiều nhận thức mới về năng lực của bản thân. Vốn từng khá tự ti, nữ sinh đã can đảm bước ra khỏi vùng an toàn bởi Phương quan niệm rằng, cơ hội tốt nhất đến từ những trải nghiệm không quen thuộc.

Chia sẻ về dự định sắp tới, Phương cho hay, em mong muốn tiếp tục theo đuổi chương trình học cao học ở nước ngoài, sau đó mang kiến thức về công nghệ và các phương pháp mới áp dụng vào thực tiễn sản xuất tại Việt Nam.

Niềm vui nhỏ là động lực để kiên trì

Tạ Ngọc Minh Châu (sinh viên năm 4, khoa Khoa học Ứng dụng) đạt giải ở lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông chia sẻ, nghiên cứu "Thiết kế hệ thống chụp ảnh đa quang phổ, sử dụng ánh sáng khả kiến và hồng ngoại để đánh giá tình trạng thực phẩm" của Châu là dự án tâm đắc, mở đường cho giải thưởng và hành trình nghiên cứu dài hơi của nữ sinh.

minh-chau.jpg
Thành tích của nữ sinh khoa Khoa học ứng dụng. Ảnh: HCMUT.

Minh Châu cho biết thêm, quá trình nghiên cứu đã gặp nhiều khó khăn, nhiều lần em muốn từ bỏ. Tuy nhiên, niềm vui nhỏ từ việc hoàn thành từng công đoạn nghiên cứu, cũng như sự đồng hành của các đồng môn đã củng cố niềm tin và tiếp thêm sức mạnh cho Minh Châu đến hôm nay.

“Em hy vọng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt các dự án công nghệ mới, thúc đẩy sự đổi mới và tích cực tham gia vào các hoạt động đào tạo, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ theo đuổi con đường khoa học và công nghệ”, nữ sinh năm 4 nói.

Tiến xa trong lĩnh vực quang học y sinh

Cùng đạt giải ở lĩnh vực giống Minh Châu, Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (sinh viên năm 4, khoa Khoa học ứng dụng) cho hay, từ lâu em đã có niềm đam mê đối với việc ứng dụng quang học trong lĩnh vực y sinh. Ngọc tích cực tham gia các dự án sử dụng quang học để kiểm tra chất lượng thực phẩm và đo đường huyết không xâm lấn.

Trong số hàng chục nghiên cứu có sự góp mặt của mình, Mỹ Ngọc tâm đắc hai dự án OpBre-AI (sử dụng ánh sáng phân cực để chẩn đoán ung thư) và AeroCon (chế tạo siêu tụ điện từ vỏ sầu riêng).

my-ngoc.jpg
Thành tích của nữ sinh Nguyễn Thị Mỹ Ngọc. Ảnh: HCMUT.

Ngọc khẳng định, tham gia nghiên cứu là cơ hội đáng quý, không những góp phần mang lại giá trị thực tiễn mà còn giúp nữ sinh trau dồi kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực quang học y sinh. Đây cũng là bước đệm để nữ sinh tiếp tục theo đuổi bậc cao học và tham gia nghiên cứu tại nước ngoài. “Em mong muốn sẽ trở về cống hiến cho khoa học nước nhà khi có đủ kinh nghiệm và nguồn lực”, Mỹ Ngọc quyết tâm với mục tiêu đặt ra trong 05 năm tới.

Bứt phá với các nghiên cứu về kỹ thuật xây dựng

Nữ sinh đạt giải ở lĩnh vực công nghệ kỹ thuật kiến trúc và công trình xây dựng là Trần Nhật Linh (sinh viên năm 4, khoa Kỹ thuật Xây dựng).

Đăng ký tham gia nghiên cứu khoa học với tâm thế thử sức những điều mới lạ, Nhật Linh chưa từng nghĩ, từng bước đi nhỏ trên hành trình lại đưa em đến với một giải thưởng danh giá, giúp nữ sinh phát triển bản thân và tự tin đóng góp cho cộng đồng khoa học công nghệ.

Đề tài đưa Nhật Linh đến với con đường nghiên cứu là dự án "Phân tích ổn định mái dốc gia cố một hàng cọc đứng bằng phương pháp phần tử hữu hạn và trí tuệ nhân tạo".

Linh và nhóm nghiên cứu đã tập trung khảo sát để tìm ra vị trí đặt hàng cọc tối ưu nhất, xem xét ảnh hưởng của lượng mưa lớn đến hiệu quả của hàng cọc trong việc gia cố mái dốc và áp dụng công nghệ mạng nơ-ron nhân tạo (ANN).

nhat-linh.jpg
Thành tích của nữ sinh khoa Kỹ thuật xây dựng. Ảnh: HCMUT.

Linh nhận định, giải pháp này không chỉ giúp ngăn ngừa sạt lở mà còn góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản ở các khu vực miền núi, đồng thời có tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong các dự án phát triển hạ tầng tại Việt Nam.

Liên tục tập luyện là bí quyết học tập hiệu quả

Đạt giải ở lĩnh vực Công nghệ, kỹ thuật cơ khí, Nguyễn Thị Thanh Nguyên (sinh viên năm thứ 5, khoa Cơ khí) đã chinh phục các giải Olympic cơ học toàn quốc, đặc biệt là giải thưởng Nữ sinh Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2024.

thanh-nguyen.jpg
Thành tích của nữ sinh Nguyễn Thị Thanh Nguyên. Ảnh: HCMUT.

Khá nhạy bén với kiến thức lý thuyết tính toán của bulông - chương quan trọng và khó nhất trong môn chi tiết máy, Thanh Nguyên đã tìm ra lời giải cho bài toán tổng quát chọn bulông phù hợp giữa hộp giảm tốc và khung máy.

anh-chan-dung.jpg
Thanh Nguyên (thứ hai từ trái qua) trong lễ tổng kết và trao giải Olympic cơ học toàn quốc lần thứ 34. Ảnh: HCMUT.

Với Nguyên, không chỉ riêng khối ngành kỹ thuật mà bất kỳ ngành nghề nào cũng có những cái khó riêng, Nguyên khuyên các bạn trẻ nên mạnh dạn theo đuổi con đường đã chọn.

Nữ sinh bật mí bí quyết đơn giản đó là chăm chỉ luyện tập hàng ngày. "Bài tập nào cũng được, chỉ cần liên tục rèn luyện sẽ trở nên thành thạo ở lĩnh vực chuyên môn của mình", Nguyên nói.

Theo thông tin của Trường Đại học Bách khoa, những năm gần đây, số lượng sinh viên nữ theo học tại Trường có sự gia tăng và duy trì ở mức trung bình khoảng 1.000 bạn/năm, cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của nữ sinh đối với các ngành học trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Liệu có lợi hại hơn?

GD&TĐ - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã biến nghi thức nhậm chức thành một lễ hội lớn thực sự nhằm tôn vinh sự trở lại của mình.