Thông tin từ Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ GD&ĐT) cho biết, Trung tâm đã có buổi làm việc với một số đơn vị đối tác công nghệ thông tin về giải pháp quản lý trường học thông minh và xây dựng giải pháp tổng đài tự động trong việc khảo sát tình hình việc làm sinh viên sau tốt nghiệp, tư vấn hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, tư vấn tâm lý cho học sinh, sinh viên trên toàn quốc.
Cụ thể, tại buổi làm việc, lãnh đạo Trung tâm đã nghe ông Phạm Xuân Sang - Giám đốc Công ty Thadosoft giới thiệu về EyeFire School - giải pháp tổng thể dành cho trường học, tập trung vào việc nâng cao chất lượng quản lý học sinh thông qua nhận diện, điểm danh, giám sát dựa trên công nghệ nhận diện khuôn mặt, đồng thời đảm bảo sự thông suốt và tức thời về thông tin giữa nhà trường và phụ huynh.
Đánh giá cao giải pháp EyeFire School, ông Bùi Văn Linh- Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực đề nghị Thadosoft hỗ trợ giải pháp xây dựng tổng đài tự động Callbot thay thế hệ thống tổng đài truyền thống trong việc khảo sát tình hình việc làm sinh viên sau tốt nghiệp, tư vấn hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, tư vấn tâm lý cho học sinh, sinh viên trên toàn quốc.
Theo đó, hệ thống tổng đài tự động Callbot dựa trên kịch bản được các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục soạn thảo các kịch bản mẫu, kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo để có thể nhận, trả lời các câu hỏi của học sinh, sinh viên, phụ huynh một cách tự động (với những câu hỏi ngoài kịch bản, tổng đài sẽ tự động chuyển đến tư vấn viên).
Giải pháp cung cấp trải nghiệm hoàn toàn khác biệt, chính xác, không phụ thuộc vào cảm xúc của tư vấn viên, đặc biệt không phải chờ máy của tổng đài viên khi đội ngũ tư vấn bị quá tải. Giải pháp tổng đài tự động Callbot cho phép gọi với nhiều đầu số Hotline, nhiều khung giờ, hay ngày trong tuần; gọi lại nếu học sinh, sinh viên bận hoặc bật Voice mail; cho phép lựa chọn ngôn ngữ theo vùng miền.
Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi, thống nhất về việc tiếp nhận sinh viên thực tập, đào tạo, tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường; tham gia ngày hội tư vấn việc làm do Trung tâm tổ chức, cùng truyền thông trên các nên tảng số nhằm giúp học sinh, sinh viên định hướng nghề nghiệp.
Còn ông Nguyễn Trí Hiển- CEO Công ty Cổ phần Công nghệ giáo dục Thiên Hà Xanh- thông tin về các giải pháp giáo dục thông minh đang được triển khai tại các trường học trong cả nước như: Content (bài học ghi hình trước dưới dạng video hoặc ngân hàng đề thi); live-class (lớp học trực tuyến với giáo viên, có thể theo hình thức một - một hoặc theo nhóm); OMO (mô hình online kết hợp offline); B2B (giải pháp quản lý quy trình cho các trường học hoặc cơ sở giáo dục).
Nhận thấy tiềm năng trong lĩnh vực phát triển công nghệ giáo dục, lãnh đạo hai bên đã thống nhất chuẩn bị cho việc ký chương trình hợp tác phối hợp với các nội dung: Hợp tác thúc đẩy quảng bá thương hiệu, cung cấp những sản phẩm chất lượng, đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu của ngành giáo dục; hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phối hợp triển khai nội dung trong các khóa đào tạo, huấn luyện, cung cấp nền tảng lớp học.
Hiện nay, xã hội, các nhà quản lý, doanh nghiệp luôn đặt ra câu hỏi: Liệu ngành học này học xong 4-5 năm thì có việc làm không, cơ hội phát triển thế nào, nhu cầu của xã hội ra sao? Doanh nghiệp thì đặt câu hỏi là chất lượng đào tạo của từng trường ra sao? Cơ quan quản lý cũng cần biết nhu cầu của từng lĩnh vực, ngành chất lượng đào tạo, khả năng đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp thế nào?
Do đó, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã giao cho Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực - đơn vị trực thuộc Bộ - xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về việc làm của sinh viên tốt nghiệp, thống kê được tỷ lệ sinh viên có việc làm của từng lĩnh vực, ngành, trường cũng như đánh giá của doanh nghiệp đối với nhu cầu tuyển dụng và khả năng đáp ứng nhu cầu công việc của sinh viên tốt nghiệp.