Sẵn sàng nếu khảo sát trên máy tính
Năm nay, Bắc Ninh sẽ có 3 trường tham gia khảo sát PISA, gồm: THPT Hàm Long (TP Bắc Ninh), THCS Song Giang (huyện Gia Bình), THPT Thuận Thành số 3 (huyện Thuận Thành).
Chia sẻ của thầy Nguyễn Bá Khương, Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Long, đây là lần đầu tiên nhà trường tham gia vào “sân chơi” này; tuy nhiên, với hướng dẫn cụ thể của Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT, việc chuẩn bị cho kỳ khảo sát không có gì khó khăn, lúng túng.
Nhận định được tham gia vào khảo sát PISA là cơ hội, thầy Khương cho biết: Nhà trường đã lập danh sách 251 học sinh sinh năm 2006 báo cáo sở GD&ĐT; đồng thời thành lập Tổ khảo sát (thuộc Hội đồng khảo sát cấp tỉnh) gồm một tổ trưởng, hai tổ viên (tổ trưởng là Hiệu trưởng nhà trường). Cán bộ, giáo viên của trường được cử đi tập huấn về khảo sát PISA chu kỳ 2022 đã sẵn sàng cho việc học nghiệp vụ tại Hải Phòng trong các ngày 4, 5, 6/4.
Thời gian vừa qua, nhà trường đã chuẩn bị các điều kiện để tổ chức dạy học trong dịch Covid-19, trong đó có máy tính, đường truyền Internet. Bởi vậy, dù chưa có thông tin cụ thể về hình thức tổ chức khảo sát trên giấy hay trên máy tính, nhưng thầy Nguyễn Bá Khương cho biết, trường hợp tổ chức thi trên máy, nhà trường cũng luôn sẵn sàng.
Tương tự Bắc Ninh, Phú Thọ cũng có 3 trường tham gia khảo sát PISA chu kỳ này, gồm: THCS Ca Đình (huyện Đoan Hùng), THPT Mỹ Văn (huyện Tam Nông) và THPT Lương Sơn (huyện Yên Lập). Tại Trường THPT Mỹ Văn, trong số 7 lớp 10 (280 học sinh), nhà trường sẽ chọn ngẫu nhiên từ 5 - 7 học sinh mỗi lớp. Dù là lần đầu tiên, nhưng công tác chuẩn bị tại trường cũng tương đối thuận lợi.
Thầy Tạ Duy Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Văn, cho biết: Nhà trường đã cử 1 cán bộ quản lý và 3 giáo viên thuộc các lĩnh vực PISA khảo sát để tham gia tập huấn tiếp thu kiến thức và cách triển khai tại trường. Với 2 phòng Tin học có trên 40 máy tính kết nối mạng, nhà trường cũng sẽ rà soát lại phòng máy và đường truyền để sẵn sàng nếu thực hiện khảo sát trên máy tính.
“Khảo sát này sẽ giúp nhà trường có thêm kênh thông tin tin cậy để nắm bắt được chất lượng học sinh; từ đó góp phần đổi mới phương pháp đánh giá, đưa ra cách tiếp cận mới về dạy - học, thi và đánh giá theo hướng phát triển năng lực. Đây là điều vô cùng cần thiết khi triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông” - thầy Tạ Duy Kiên chia sẻ.
Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Chương, Trưởng phòng Quản lý chất lượng - Công nghệ thông tin, Sở GD&ĐT Đắk Lắk, cho hay: Quan điểm của sở là luôn chủ động. Nếu tổ chức khảo sát trên máy tính, các đơn vi trường học sẽ chuẩn bị cơ bản; vì thời gian qua, khi triển khai dạy học trực tuyến, các trường đều có máy tính, bảo đảm kết nối Internet.
Mong có hướng dẫn tổ chức trong điều kiện dịch bệnh
Năm 2022, Nghệ An có 5 trường tham gia khảo sát PISA; trong đó 2 trường THCS (THCS Quang Tiến, THCS Nam Sơn) và 3 trường THPT gồm: THPT Kim Liên, THPT Phan Thúc Trực, THPT Quỳnh Lưu 4. Thông tin từ ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Nghệ An, ngay sau khi tiếp nhận công văn hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Nghệ An đã đối soát lại thông tin 5 cơ sở giáo dục nói trên; đồng thời ban hành công văn chỉ đạo các trường rà soát, chuẩn bị điều kiện cho đợt khảo sát chính thức.
Hiện, toàn bộ trường tại Nghệ An tham gia khảo sát đều đã thành lập Tổ khảo sát theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Sau đó, sở GD&ĐT thành lập Hội đồng khảo sát cấp tỉnh; Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo sở, Phó Chủ tịch là lãnh đạo phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. Sở GD&ĐT đồng thời giao Thanh tra sở thành lập Tổ giám sát, bảo đảm 1 cán bộ giám sát tại 1 cơ sở trong thời gian diễn ra khảo sát.
“5 trường tham gia khảo sát được sở GD&ĐT hướng dẫn chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất; chuẩn bị thành viên để tham gia tập huấn tại Đà Nẵng. Sở cũng cử cán bộ khảo sát từ 5 trường lân cận với các trường tham gia khảo sát. Bởi vì theo quy định, cán bộ khảo sát phải là giáo viên thuộc cơ sở giáo dục cùng cấp học, khu vực lân cận, không tham gia khảo sát chính thức PISA chu kỳ 2022 và không dạy 3 lĩnh vực Toán học, Khoa học, Đọc hiểu” - ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.
Tuy nhiên, hiện trong số 5 trường của Nghệ An tham gia khảo sát, có 1 trường chỉ có 1 học sinh đủ điều kiện. Ông Nguyễn Hoài Nam băn khoăn, trường hợp này liệu có tiến hành khảo sát hay không? Nếu tổ chức, nhà trường vẫn phải triển khai mọi công việc theo quy định, cả về nhân lực và cơ sở vật chất, trong đó có việc cử các thầy cô đi tập huấn ở Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai cần lường trước khó khăn liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Đơn cử, có thể xảy ra tình huống cán bộ được cử đi tập huấn, nhưng đến ngày đó lại bị mắc Covid-19 phải thay người; hoặc cũng có thể học sinh được chọn ngẫu nhiên để tham gia khảo sát trở thành F0 trong thời gian khảo sát. “Liên quan đến các tình huống trên, mong Bộ GD&ĐT có hướng dẫn để thuận lợi hơn trong triển khai thực hiện” - ông Nguyễn Hoài Nam đề nghị.
Ngoài những vấn đề trên, mọi công tác chuẩn bị cho khảo sát PISA của Nghệ An đều thuận lợi, vì địa phương này đã quen với việc triển khai khảo sát trên diện rộng. Kết quả khảo sát không dùng để đánh giá thi đua, xếp hạng, địa phương tin tưởng việc khảo sát sẽ diễn ra nghiêm túc, chất lượng, đem lại kết quả khách quan bởi sự chuẩn bị trách nhiệm của địa phương, nhà trường.
Tại Đắk Lắk, kỳ khảo sát PISA 2022 có 7 trường tham gia, gồm 3 trường THCS, 3 trường THPT, 1 trường phổ thông có nhiều cấp học. Ông Nguyễn Hoàng Chương trao đổi: 7 trường đã gửi dữ liệu về sở để tập hợp gửi Bộ GD&ĐT. Các cơ sở giáo dục tham gia khảo sát triển khai xong việc thành lập Tổ khảo sát với tổ trưởng là 1 thành viên trong ban giám hiệu nhà trường.
Giám đốc sở GD&ĐT đã ban hành quyết định thành lập Hội đồng khảo sát PISA cấp tỉnh, Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo sở GD&ĐT… Về thời gian khảo sát, theo ông Nguyễn Hoàng Chương, các trường sẽ cố gắng tổ chức trong một khoảng thời gian tập trung (có thể hoàn thành trong thời gian 3 ngày) để thuận tiện cho công tác tổ chức, bảo mật đề thi…