Viện Công nghệ sinh học thuộc Trường ĐH Trà Vinh gồm các hạng mục chính: Tòa nhà Viện Công nghệ sinh học, tổng diện tích 2.768m2; Trại nghiên cứu ứng dụng công nghệ rau sinh học ăn lá với diện tích khoảng 500m2; Trại nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học rau ăn củ với diện tích khoảng 500m2; Trại nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trồng cây ăn trái với diện tích khoảng 1000m2; Trại nghiên cứu cây dược liệu với diện tích khoảng 1.000m2; Khu vườn ươm cây nuôi cấy mô với diện tích khoảng 1.000m2; cùng các công trình phụ trợ khác với tổng diện tích trên 6.000m2. Tổng kinh phí đầu tư khoảng 188 tỉ đồng.
GS.TS Phạm Tiết Khánh - Chủ tịch Hội đồng trường trao Quyết định Viện trưởng Viện công nghệ sinh học cho PGS.TS Diệp Thanh Tùng - Phó Hiệu trưởng. |
Viện Công nghệ sinh học trực thuộc Trường ĐH Trà Vinh được thành lập vào ngày 1/8/2023 theo Quyết định số 23 của Hội đồng trường. Đây là một trong những công trình được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 9/2020. Nguồn vốn đầu tư được huy động từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và vốn đối ứng của Trường ĐH Trà Vinh.
Trang thiết bị Viện Công nghệ sinh học thuộc Trường ĐH Trà Vinh. |
Viện được thành lập nhằm đạt được mục tiêu khai thác triệt để, hiệu quả tiềm năng nguồn tài nguyên thiên nhiên địa phương nói riêng, ĐBSCL và cả nước nói chung.
Với những thiết bị máy móc hiện đại được đầu tư, nguồn nhân lực của Viện Công nghệ sinh học sẽ thực hiện một số nghiên cứu từ cơ bản đến chuyên sâu các lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp, thực phẩm và y dược, làm chủ quy trình, công nghệ; nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vào thực tiễn sản xuất…
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh phát biểu tại buổi lễ. |
Phát biểu tại lễ khánh thành, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh cho biết: Viện Công nghệ sinh học được kỳ vọng sẽ giải quyết những vấn đề trăn trở trong nâng cao năng suất sản xuất, chăm sóc sức khỏe của người dân ở địa phương và vùng ĐBSCL. Sự kỳ vọng này đặt trên vai của đội ngũ tập thể lao động, viên chức của Viện. Sắp tới tập thể Viện Công nghệ Sinh học sẽ làm rất nhiều việc để vận hành và phát triển.
Ban lãnh đạo trường rất mong Tập thể Viện hãy luôn ghi nhớ và trân trọng công lao của các thế hệ lãnh đạo đi trước; sự kỳ vọng lớn lao của lãnh đạo và những người nông dân mong muốn được sử dụng sản phẩm nghiên cứu để nâng cao năng suất, cải thiện đời sống...
Cùng ngày, Trường ĐH Trà Vinh tổ chức Tọa đàm với chuyên đề “Tiềm năng hợp tác, phát triển các ứng dụng công nghệ sinh học”. Tọa đàm thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, sinh viên lĩnh vực Công nghệ sinh học. Các chuyên gia, nhà khoa học đã trình bày các tham luận: Thành tựu và định hướng phát triển Công nghệ sinh học ở Trà Vinh; Tế bào gốc và tiềm năng ứng dụng trong điều trị bệnh (TS Nguyễn Trường Sinh - Viện Tế bào gốc Trường ĐH KHTN, ĐH Quốc gia TPHCM); Xét nghiệm giải trình tự Gene thế hệ mới trên hệ thống MISEQ (Ths Phạm Thị Tường Oanh - Chuyên viên Ứng dụng - Biomedic); Xu hướng sử dụng công nghệ giải trình tự đoạn dài Oxford Nanopore Technologies (ONT) trong nâng cao năng suất và cải thiện giống cây trồng, vật nuôi…
Viện Công nghệ sinh học Trường ĐH Trà Vinh ký kết ghi nhớ cùng các đối tác: Công ty TNHH Kỹ Thuật Công Nghệ DKSH; Công Ty TNHH Thiết Bị Khoa Học LABone; Công ty TNHH Khoa học TSL.