Khan hiếm RON A95 chỉ xảy ra cục bộ, Bộ Công Thương khẳng định không thiếu xăng

Mấy ngày qua, có tình trạng một số cây xăng ở Hà Nội thông báo đã hết xăng A95. Theo lý giải của doanh nghiệp, chiết khấu cho đại lý thấp, nguồn cung cấp từ nhà máy Nghi Sơn bị gián đoạn là nguyên nhân dẫn đến khan hiếm cục bộ xăng A95.

Khan hiếm RON A95 chỉ xảy ra cục bộ, Bộ Công Thương khẳng định không thiếu xăng

Mấy ngày qua, có tình trạng một số cây xăng ở Hà Nội thông báo đã hết xăng A95. Theo lý giải của doanh nghiệp, chiết khấu cho đại lý thấp, nguồn cung cấp từ nhà máy Nghi Sơn bị gián đoạn là nguyên nhân dẫn đến khan hiếm cục bộ xăng A95.

Có tình trạng cây xăng không còn RON A95

Trưa 27/3, dắt xe máy vào cây xăng của Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội trên đường Nguyễn Tri Phương (Ba Đình, Hà Nội), người đàn ông trung tuổi đi xe Dream phải đổ xăng E5 RON92, do xăng RON A95 đã hết. Nhiều khách mua xăng khác cũng hỏi xăng A95, nhưng đều được trả lời là đã hết.

Tại cây xăng trên đường Nguyễn Tri Phương, xăng A95 đã hết, khách hàng chỉ có thể đổ xăng E5.

Nhân viên bán xăng Đỗ Thị Thảo cho biết: "Hiện xăng A95 vẫn hết. Chiều nay hoặc ngày mai mới có, khách cần mua có thể quay lại".

Tình hình tương tự cũng diễn ra tại cây xăng Quân đội trên đường Kim Giang (Thanh Trì, Hà Nội). Một nhân viên bán xăng tại đây cho hay, từ ngày 20/3 đã không có xăng A95 để nhập, cửa hàng phải bán cầm cự. Và từ 25/3 thì không còn xăng A95 để bán. Tình hình có thể kéo dài đến hết tháng này hoặc đến khi có hàng mới về.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu xăng A95 chỉ xảy ra tại một số cây xăng chứ không phải trên diện rộng.

Theo khảo sát của phóng viên báo Tin tức sáng 27/3 tại nhiều cây xăng ở Hà Nội, đa phần việc mua bán xăng vẫn diễn ra bình thường. Tại các cây xăng của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex hay Tổng Công ty Dầu Việt Nam PV Oil, không có tình trạng hết xăng A95.

Trong khi đó, cây xăng trên phố Nguyễn Công Trứ (Hà Nội), khách vẫn đổ xăng A95 bình thường với giá 18.540 đồng/lít.

Bộ Công Thương: Không thiếu xăng!

Theo khẳng định của Bộ Công Thương, nguồn cung xăng dầu trong nước hiện vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và đời sống của người dân. Bộ đã yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, cung ứng đủ, liên tục nguồn hàng xăng dầu cho các đơn vị tiêu thụ trong hệ thống.

Bộ cũng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát việc bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, xử lý nghiêm các thương nhân có hành vi vi phạm các quy định về kinh doanh xăng dầu.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức sáng 27/3, đại diện doanh nghiệp đầu mối chiếm thị phần lớn trên thị trường là Petrolimex cho biết, hiện nay hoạt động kinh doanh của Petrolimex vẫn diễn ra bình thường.

Tuy nhiên đại diện Petrolimex thừa nhận, đang phải rất nỗ lực để đảm bảo đủ nguồn cung xăng RON95 trong bối cảnh nguồn cung từ nhà máy Nghi Sơn bị dừng đột ngột.

Lãnh đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác cũng cho biết, từ vài ngày qua, nguồn cung mặt hàng xăng RON95 trong nước đang gặp vấn đề do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang tạm ngưng cấp hàng. Các đơn vị cung cấp xăng dầu buộc phải nhập thêm hàng từ nước ngoài, lượng bán ra nhỏ giọt.

Bên cạnh nguyên nhân nguồn cung khan hiếm, một doanh nghiệp đầu mối chia sẻ mức chiết khấu thấp cũng khiến các đại lý, cửa hàng không muốn bán xăng RON95. Hiện nay mỗi lít xăng RON95, các cửa hàng chỉ nhận được khoảng 300 - 400 đồng từ các thương nhân phân phối. Mức chiết khấu này đã giảm mạnh so với trước đây, khiến các cửa hàng không mặn mà do bán không đủ bù chi phí.

Vê vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho biết, không thể phủ nhận doanh nghiệp xăng dầu đang gặp nhiều khó khăn do nguồn cung trong nước bị gián đoạn. Song không thể lấy đó làm nguyên nhân lý giải cho việc dừng bán xăng A95.

Các cây xăng của Petrolimex không bị thiếu xăng A95.

"Hiện có 2 nguồn cung xăng dầu là trong nước và nhập khẩu. Trong nước, xăng dầu lấy từ nhà máy Nghi Sơn và Dung Quất. Khi nguồn cung trong nước bị gián đoạn thì có thể nhập khẩu, nhà nước đã cấp quota rồi. Thường các doanh nghiệp nhập xăng dầu từ Hàn Quốc vì được hưởng thuế thấp nhất. Do đó nếu nói do nhà máy Dung Quất bị trục trặc khiến hết xăng A95 thì không thỏa đáng, không loại trừ doanh nghiệp ghim hàng chờ giá xăng tăng", PGS.TS Ngô Trí Long cho hay.

Thực tế, từ đầu năm đến nay, giá xăng đã được giữ nguyên 4 lần và tăng giá 1 lần. Trong lần gần đây nhất, tại kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 18/3, mặc dù giá thế giới tăng khá mạnh song liên Bộ Công Thương - Tài chính vẫn tăng chi quỹ bình ổn giá xăng dầu với mức 2.801 đồng/lít xăng E5 RON92 và 2.061 đồng/lít xăng A95 nhằm giữ ổn định giá xăng dầu trong nước.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, đây có thể là nguyên nhân sâu xa khiến một số doanh nghiệp dừng bán xăng A95. Bởi lẽ, dù giá xăng dầu thế giới liên tục tăng nhưng cơ quan quản lý vẫn xả Quỹ Bình ổn để giữ giá xăng dầu khiến quỹ này tại một số doanh nghiệp đã cạn kiệt.

Với một doanh nghiệp lớn là Petrolimex, trước thời điểm ngày 18/3 vừa qua cũng chỉ còn 655 tỷ đồng. Tính đến hôm nay, quỹ này chắc chắn còn giảm hơn nữa do chi để bình ổn giá.

PGS.TS Ngô Trí Long phân tích, khi quỹ cạn kiệt, thậm chí âm, còn giá thế giới ở mức cao, các doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận bán lỗ, phải ứng trước tiền, hoặc đi vay. Nếu vay ngân hàng thì sẽ phải trả lãi.

"Tất nhiên về sau Nhà nước sẽ có cơ chế bù tiền cho doanh nghiệp nhưng nói chung không mấy ai mặn mà bỏ tiền của mình ra trước. Nếu mức giá bán thấp kéo dài thì doanh nghiệp có thể rơi vào cảnh càng nhập về, càng bán nhiều càng lỗ", chuyên gia phân tích.

Người dân đổ xăng A95 bình thường trên phố Nguyễn Đình Chiểu.

Quyết định giữ nguyên giá xăng dầu ngày 18/3 vừa qua được đưa ra trong bối cảnh giá điện bán lẻ tăng từ ngày 20/3. Để tránh tác động cộng hưởng từ việc giá xăng và giá điện cùng tăng, cơ quan quản lý đã dùng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để xử lý, tránh CPI tăng quá cao.

Tuy nhiên, dưới góc độ các chuyên gia kinh tế, việc liên tục xả quỹ để kìm giá xăng dầu trong nước, trong bối cảnh giá thế giới tăng cao sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

"Cần phải hài hòa lợi ích giữa nhà nước - doanh nghiệp và người dân. Tốt nhất là vừa xả quỹ vừa tăng giá xăng ở mức phù hợp. Như vậy vừa đảm bảo kinh tế vĩ mô, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu mối", PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Đại diện Tổng Công ty Dầu Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn Nhà nước sẽ điều hành giá xăng dầu theo thị trường, có tăng có giảm hợp lý để giảm áp lực cho doanh nghiệp.

Theo TTXVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ