Khám phá xe tăng 843 huyền thoại

GD&TĐ - Trong số các bảo vật quốc gia, xe tăng T54B – số hiệu 843 chiếm vị trí đặc biệt, là biểu tượng của tinh thần chiến đấu kiên cường, thần tốc, trở thành một huyền thoại vang danh.

Xe tăng số hiệu 843 được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2012.
Xe tăng số hiệu 843 được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2012.

843 chính là chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng phụ Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, đánh dấu sự kết thúc của chế độ ngụy quyền Sài Gòn

Hiện, xe tăng 843 được bảo dưỡng và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ở Thủ đô Hà Nội, là vật chứng xác thực ghi dấu chiến công to lớn của quân và dân ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

1.000 cây số bất bại

Cứ mỗi dịp gần thời điểm đất nước kỷ niệm những ngày lễ lớn như Giải phóng miền Nam, Quốc khánh, thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam… Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đông hơn thường lệ.

Du khách đến đây dừng chân lâu hơn ở khu trưng bày hình ảnh, hiện vật về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đặc biệt là nơi trưng bày chiếc xe tăng mang số hiệu 843.

Trong hồ sơ Bảo vật Quốc gia lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, lịch sử, chiến công của chiếc xe tăng T54B – số hiệu 843 dài tới gần 10 trang giấy. Theo đó, chiếc xe 843 thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203 thuộc Quân đoàn 2.

Theo thông tin, thời điểm đó xe được điều khiển bởi kíp lái “thép” là Trung úy Bùi Quang Thận, hạ sĩ Lữ Văn Hỏa, pháo thủ số 1 Thái Bá Minh, pháo thủ số 2 Nguyễn Văn Kỷ.

Tháng 3/1975, kíp tăng T54B – số hiệu 843 được lệnh tiên phong đánh vào Huế từ ngày 5/3 – 29/3. Sau khi giải phóng Huế, xe tiếp tục tiến công các lực lượng địch quân tại Đà Nẵng và giải phóng thành phố này.

Đà Nẵng giải phóng, Tiểu đoàn 1 tiếp tục nhận lệnh truy quét quân địch, giải phóng các quận, huyện ven biển Nam Trung Bộ. Lúc này, chiến dịch giải phóng Tây Nguyên cũng đang đến hồi kết, các đơn vị của địch co cụm về Sài Gòn cố thủ.

Ngày 24/4/1975, Lữ đoàn 203 gồm 75 xe thiết giáp trong đó có xe tăng T54B – số hiệu 843 nhận lệnh tập kết tại một đồn điền cách Sài Gòn 100km chuẩn bị tấn công Sài Gòn từ hướng Đông.

Tại mặt trận phía Đông, xe tăng 843 nằm trong đội hình tiên phong, thần tốc, đánh thọc sâu vào sào huyệt địch cùng với Lữ đoàn 203, Sư đoàn 304, Tiểu đoàn pháo 85 thuộc Trung đoàn pháo binh số 68, 1 tiểu đoàn pháo cao xạ thuộc Trung đoàn 68 và Lữ đoàn bộ binh 219. Mục tiêu của lực lượng tiên phong là nhanh chóng đánh chiếm Dinh Độc Lập và các địa điểm quan trọng trên đường tấn công.

Mở đường quyết tử


Hình ảnh tư liệu rất hiếm hoi về chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng chính và xe tăng 843 mắc kẹt ở cổng phụ. Hình ảnh tư liệu rất hiếm hoi về chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng chính và xe tăng 843 mắc kẹt ở cổng phụ.

9 giờ 30 phút ngày 30/4, lực lượng thọc sâu tiến đến cầu Sài Gòn. Giao tranh diễn ra ác liệt. Lực lượng của ta phải đối đầu với hỏa lực mạnh mẽ của địch từ xe tăng, pháo từ tàu dưới sông bắn tới. Tiểu đoàn 1 dàn trận đánh chặn hỏa lực địch và bắn vào các tàu pháo trên sông Sài Gòn.

Các đơn vị của ta bị tổn thất nặng phải dạt ra hai bên đường. Lúc này, xe tăng 843 cùng với Đại đội tăng số 4 được lệnh phá vỡ thế phòng ngự địch, mở đường quyết tử vượt cầu Sài Gòn và nhanh chóng chiếm cầu Thị Nghè.

Tại cầu Thị Nghè, xe tăng 843 bắn cháy 2 xe thiết giáp M41 và M113 của địch, tăng hết tốc lực vượt qua cầu Thị Nghè dẫn đầu đội hình tấn công địch tại Hàng Xanh. Đến đây, lực lượng địch đã tháo chạy khỏi các vị trí trọng yếu, xe 843 tiến thẳng đến sào huyệt cuối cùng của địch.

Đến Dinh Độc Lập, xe 843 húc không đổ cổng chính. Trung úy Bùi Quang Thận cho xe dừng lại rồi nhanh chóng lên nóc Dinh Độc Lập cắm cờ chiến thắng của quân ta. Tại cổng vào, khi xe 843 bị kẹt lại thì chiếc xe thứ 2 số hiệu 390 đã húc đổ hoàn toàn cổng chính đưa quân ta bắt sống toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn.

Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài, đã xảy ra tranh cãi rằng đâu mới là chiếc xe tăng đầu tiên có được vinh dự húc tung cánh cổng chính của Dinh Độc Lập, và tiến vào tới giữa sân, tạo nên một trong những khoảnh khắc truyền cảm hứng bậc nhất trong lịch sử Việt Nam.

Xe tăng mang số hiệu 390 là một trong những mẫu xe tăng T-59 được Trung Quốc viện trợ cho nước ta trong giai đoạn cuối của Cuộc kháng chiến chống Mỹ, và hoạt động bên cạnh những chiếc xe tăng T-54/55 do Liên Xô chế tạo. Đây cũng là bộ đôi xe tăng chủ lực của quân đội ta khi đó.

Theo các tài liệu quân sự, xe tăng T-59 thực chất là một biến thể nội địa hóa của dòng xe tăng T-54A của Liên Xô trước đây, được Trung Quốc chế tạo và thử nghiệm trong năm 1958 trước khi nó được đưa vào trang bị chính thức trong năm 1959.

Theo thống kê, có khoảng 9.500 chiếc T-59 được chế tạo trong giai đoạn từ 1958 - 1980. Đến nay, các mẫu T-54/55 và T-59 vẫn là lực lượng nòng cốt trong lực lượng tăng thiết giáp của quân đội ta, bên cạnh một số dòng xe tăng khác.

Xứng đáng là ngôi sao đầu

Theo cán bộ Phòng Kiểm kê - Bảo quản, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam: Hiện vật đã được công nhận Bảo vật Quốc gia thì luôn luôn được kiểm tra, bảo quản, phần nào có hiện tượng xuống cấp là phải tiến hành bảo quản ngay. Thời gian tiến hành kiểm tra theo định kỳ 6 tháng và 1 năm, nếu xuống cấp sẽ bảo quản kịp thời. Qua quá trình theo dõi, bảo quản Bảo vật Quốc gia xe tăng 843, hiện xe tăng vẫn còn tương đối tốt cả bên trong và bên ngoài, bảo đảm mỹ quan và trưng bày lâu dài.

Đại diện Phòng Kiểm kê, Bảo quản – Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam bày tỏ: Thời khắc xe tăng 843 tiến vào Dinh Độc Lập như một dấu chấm đầy ấn tượng cho sự kết thúc của chế độ Ngụy quyền Sài Gòn, chấm dứt chia cắt, non sông thu về một mối theo ước nguyện của Bác Hồ và toàn Đảng, toàn dân tộc.

Năm 1979, xe được đưa về Bảo tàng Lịch sử Quân sự để trưng bày và được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào năm 2012. Trải qua thời gian dài sử dụng, xe tăng 843 đã bị hoen gỉ, xuống cấp. Cách đây khoảng 6 năm, bảo tàng đã mời chuyên gia về kỹ thuật quân sự của Việt Nam từ Nga trở về để tiến hành bảo dưỡng.

Sau khi bảo dưỡng, một số linh kiện được thay thế, màu sơn nguyên bản như gốc. Hiện, nhìn xe tăng 843 mới tinh như lúc vừa nhập về để trưng bày cho du khách chiêm ngắm một huyền thoại của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong tư liệu hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Quân Sự Việt Nam có lưu nhiều ý kiến của các tướng lĩnh quân sự đánh giá về chiếc xe tăng 843. Trong đó, đồng chí Nguyễn Hữu An, Tư lệnh Quân đoàn 2 hồi đó đề nghị lấy xe tăng 843 làm lá cờ đầu.

Lý do là xe 843 dẫn đầu từ cầu Sài Gòn vào Dinh Độc Lập. Nếu địch trong Dinh chống cự thì xe 843 phải chiến đấu đầu tiên. Nếu chúng có súng chống tăng thì Đại đội trưởng Thận là người chịu trận đầu tiên. Nói đúng ra thì xe vào đầu tiên là chiếc có số hiệu 390, còn xe 843 dẫn đầu đội hình húc vào cổng đầu tiên.

Khi húc cổng không đổ thì đồng chí Bùi Quang Thận đã ra khỏi xe, tiến lên nóc Dinh hạ cờ địch treo cờ chiến thắng của ta. Không nên coi xe vào trước là có công lớn nhất. Ý kiến này của đồng chí Tư lệnh Quân đoàn đã được tất cả đại biểu tán thành.

Ý kiến lưu niệm khác cũng khẳng định, xe tăng 843 luôn dẫn đầu đội hình thọc sâu của Quân đoàn 2. Chiến đấu dũng cảm, mãnh liệt, liên tục phá vỡ các tuyến phòng ngự của địch, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc.

Đồng chí Bùi Quang Thận – Đại đội trưởng, trưởng xe 843 là người đã vinh dự cắm lá cờ giải phóng lên nóc Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 báo hiệu thời điểm kết thúc thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh, đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn.

“Xe 843 là vật chứng xác thực ghi dấu chiến công to lớn của quân và dân ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh – chiến dịch có ý nghĩa quyết định, kết thúc Cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài 21 năm của dân tộc ta.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước độc lập, thống nhất, nhân dân ta bước vào thời kỳ phát triển dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh”, trích Hồ sơ xe tăng T54B – số hiệu 834 của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Đến năm 2012, cả hai chiếc xe tăng huyền thoại “390” và “843” được Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia, nhằm xác thực chính xác về chiến công của hai chiếc xe tăng đặc biệt này. Và chúng sẽ mãi mãi là minh chứng cho một thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ