Khám phá vẻ đẹp của lăng đá xóm Gạo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau gần 300 năm xây dựng, lăng đá xóm Gạo (Hiển linh từ) ở thôn Lại Yên, vẫn nguyên vẹn từng khối đá cho đến bức tượng, phù điêu hay chữ khắc.

Cổng vào lăng mộ đá Quận công Phạm Đôn Nghị.
Cổng vào lăng mộ đá Quận công Phạm Đôn Nghị.

Sau gần 300 năm xây dựng, lăng đá xóm Gạo (Hiển linh từ) ở thôn Lại Yên (Lại Yên, Hoài Đức, Hà Nội) vẫn nguyên vẹn từng khối đá cho đến bức tượng, phù điêu hay chữ khắc.

Phạm Đôn Nghị là ai?

Là một trong 2 di tích lăng mộ đá còn nguyên vẹn nhất ở Hà Nội, cùng với lăng Quận Vân ở thôn Nỏ Bạn, xã Vân Tảo (Thường Tín), lăng mộ đá Quận công Phạm Đôn Nghị ở xóm Gạo, xã Lại Yên đã trở thành điểm đến độc đáo của giới nghiên cứu cũng như những người yêu vẻ đẹp cổ xưa.

Xã Lại Yên có tên nôm là Đồng Ốc, là vùng đất cổ với hệ thống di tích mang nhiều dấu ấn lịch sử. Ở đó có Kính Thiên đài – ngôi quán thờ Thiên thần. Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính – Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), vào năm Bính Thìn (1016) vua Lý Thái Tổ trên đường đi du ngoạn, thấy nơi đây phong cảnh huyền bí và thiêng liêng nên ghé lại thăm và phong sắc thần với danh hiệu là “Chí Minh đại vương”.

Các đời vua Lý tiếp theo cũng phong sắc cho thần. Thời nhà Trần, vua Trần từng về quán Kính Thiên đài để cầu tự. Tương truyền, vào năm Hưng Long đời vua Trần Anh Tông, ở Đồng Ốc có một người con gái tài ba, nhan sắc được tuyển vào cung.

Bà được vua Trần yêu mến lấy làm phi thứ sáu (Áp Nha công chúa). Ở trong cung một thời gian mà vẫn chưa có con nên Áp Nha công chúa cùng vua tới chùa Thầy cầu tự, trên đường đi dừng lại làm lễ ở quán Kính Thiên đài tại quê nhà. Sau lần đó, phi thụ thai, sinh được một người con gái đặt tên là công chúa Thắng Đức.

Năm Nhâm Thân (1312), nhân nhà Trần đánh thằng Chiêm Thành, đã sai Trần Quốc Chẩn ban sắc cho thần và sai Nguyễn Trung Ngạn soạn văn bia ca ngợi thần. Trong quán hiện còn tấm bia Gia Long thứ 13 (Giáp Tuất, 1814) ghi lại sự kiện trên và bia ghi việc các triều vua phong sắc cho thần.

Là vùng đất lành nên Đồng Ốc sản sinh ra nhiều anh kiệt, có công lao lớn với triều đình và đất nước. Trong đó có Phạm Mẫn Trực và Phạm Đôn Nghị. Phạm Mẫn Trực là quan võ thời Hậu Lê (thế kỷ 17 - 18), từng làm trong đội tượng binh và Tổng thái giám của triều đình nhà Lê, sau khi mất được chôn cất ở quê nhà. Phạm Đôn Nghị là cháu gọi Phạm Mẫn Trực bằng cậu. Tổ tiên vốn mang họ Nguyễn. Phạm Đôn Nghị có sáu anh chị em, năm Giáp Tuất (1694) đổi theo họ mẹ.

Phạm Đôn Nghị được vương thượng ân sủng, lúc 33 tuổi vâng mệnh theo hầu Thái phi. Năm ông 37 tuổi, được thăng chức Hữu đề điểm lại cho được làm tùy sai, cai quản đội Thị hậu nội lực sĩ. Năm 38 tuổi, ông được thăng chức Tả thiếu giám. Chưa đầy một năm, ông được giữ chức Tri lệnh sử nhất phiên, thăng chức Thị nội giám, tước hầu.

Năm 41 tuổi, ông được giữ chức Thị hầu hậu nhất cai quản các đội thuyền kiêm chức Tri lệnh sử, rồi Thiêm thái giám, Đô thái giám, Tổng thái giám rồi chức Thiêm tri thị nội Thư tả hình phiên. Năm 47 tuổi, vâng mệnh vương thượng trở về phò tá và đã có công lớn nên được ban Tuyên lực công thần, tước Quận công, thăng chức Đốc lĩnh các đạo Hải Dương, Kinh Bắc, Chưởng đốc xứ Sơn Tây.

Năm 49 tuổi, vì bàn bạc việc nước và cung tiến tiền bạc, ông được thăng chức Đô đốc thiêm sự. Năm 50 tuổi, ông được thăng chức Đô hiệu điểm rồi thăng đến chức Thiếu bảo.

Năm 51 tuổi, được làm chức Tri thị nội Thư tả Hình phiên, quản hữu tượng cơ, tạm quyền chức Phó đề lĩnh tứ thành quân vụ sự quản các cơ tả tượng, tiền hùng làm Đốc lĩnh đạo Đông Bắc, lại vâng lệnh làm Thống đốc đạo An Sơn. Năm 52 tuổi được thăng chức Thiếu phó, vâng lệnh làm trấn thủ xứ Sơn Tây.

Hệ thống thờ tự tại lăng mộ Quận công Phạm Đôn Nghị.

Hệ thống thờ tự tại lăng mộ Quận công Phạm Đôn Nghị.

Hệ thống bia đá với các nét chữ khắc còn nguyên vẹn và rõ ràng.

Hệ thống bia đá với các nét chữ khắc còn nguyên vẹn và rõ ràng.

Kiệt tác chạm khắc đá thời Hậu Lê

Là một vị quan lớn nên lăng mộ Quận công Phạm Đôn Nghị cũng rất đặc biệt. Theo các tư liệu còn lưu giữ, lăng Phạm Đôn Nghị được xây năm 1734, tu sửa năm 1754, quay hướng Tây Nam, rộng khoảng 850m2. Sau gần 300 năm, lăng mộ đá vẫn nguyên vẹn và được đánh giá là di tích mộ đá hoàn hảo nhất. Đến nay, lăng mộ vẫn được con cháu trông coi, nhang khói.

Theo lời kể của dân làng Lại Yên, trước đây toàn bộ tường bao được xây bằng đá ong cao tới 2m. Tuy nhiên ngày nay, tường đá ong không còn, dấu vết đá ong cũ còn hiện diện ở phần cổng bên trái, cổng bên phải được tôn tạo bằng đá ong mới. Vào năm 1999, dòng họ Phạm xây thêm một tòa nhà 5 gian làm nơi thờ tự.

Toàn bộ khu lăng tẩm được bao bọc bằng một bức tường đá ong. Đặc biệt, khu mộ được xây dựng vô cùng kiên cố và đến nay vẫn giữ được nét kiến trúc nguyên vẹn từ thời tạo lập.

Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Quách Ngọc An (Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật T.Ư): Lăng mộ đá Quận công Phạm Đôn Nghị mang nhiều nét uy nghi diễm lệ và mang đậm những dấu tích, ý nghĩa lịch sử cũng như giá trị văn hóa nghệ thuật.

Cổng vào lăng được làm bằng đá, phía trên cổng được lợp ngói đá ong, hai bên trụ có chạm khắc câu đối. Đôi chó đá được tạc hai bên cổng như một quy cách chung nhằm bảo vệ trật tự trị an. Đôi chó được tạc mập mạp ngồi phủ phục trên bệ, cổ đeo chuông nhạc với vòng nhạc tròn thể hiện kỹ thuật chạm nổi trình độ cao.

Từ cổng, chạy thẳng vào trong sân là trục “linh đạo” dài 23,5m; rộng 1,96m, hai bên là vườn rộng trồng cau và cây ăn quả. Hai bên có hai cổng phụ, dùng làm lối đi. Cổng bên phải cột làm bằng đá xanh, mái bằng đá ong. Trên trán cổng có dòng chữ “Hiển linh môn”.

Bên trong là sân của nhà Tiền tế rộng 4,91m; chiều ngang 11,4m, được lát gạch Bát Tràng. Xung quanh sân là hàng gạch xây cao có tính chất bó vỉa, bổ các trụ nhỏ ở góc.

Cuối sân là một nếp nhà ba gian hai chái được làm lại trên nền cũ của nhà Tiền tế năm gian trước đây. Toàn bộ tòa Tiền tế được xây dựng với bốn hàng chân cột cùng bộ vì đỡ mái. Từ nhà Tiền tế vào cửa lăng là khoảng sân hẹp lát đá xanh. Hai bên đăng đối bởi hai bể nước làm từ phiến đá liền khối hình chữ nhật biến thể, vát ô van hai đầu.

Một trong hai tượng võ quan giám mã.

Một trong hai tượng võ quan giám mã.

Cổng lăng có mái dạng mái đình, chùa với bờ nóc, bờ dải được làm từ những viên đá ong gọt đẽo tỉ mỉ. Trên trán cổng là một tấm đá lớn được tạo ô mang chức năng như một bức đại tự với dòng chữ “Hiển linh từ” cùng các hoa văn trang trí mềm mại.

Trong hệ thống tẩm thờ, ngoài những bệ, sập, ngai còn có hệ thống tượng người và thú. Các tượng này được làm bằng đá xanh, to bằng kích thước người thật, tạo không khí trang nghiêm.

Theo giới chuyên gia, tượng ở lăng Phạm Đôn Nghị là trường hợp đặc biệt khi được bố trí thành nhóm đặt cạnh nhau. Ngựa được tạc theo lối nghệ thuật “đá đặc” vững chãi nhưng lại khá thanh thoát ở bốn chân và tinh xảo ở phần yên cương.

Tượng võ quan hầu lăng được đặt sát với ngựa. Vị võ quan thân mặc áo giáp, một tay úp lên ngực thể hiện sự trung thành, một tay nắm cây chùy dài. Khuôn mặt võ quan được đặc tả với khối cằm bạnh, mũi và má gồ cao.

Theo nhà nghiên cứu Quách Ngọc An, so với các lăng quan lại khác trong thế kỷ 18 như lăng Dinh Hương, lăng Bầu, lăng Cẩm Bào, lăng Nội Tròn (đều thuộc Hiệp Hòa, Bắc Giang), lăng họ Đỗ, lăng Nguyễn Diễn (Tiên Sơn, Bắc Ninh), lăng Đoàn Văn Khôi (Ứng Hòa, Hà Nội)... thì cặp tượng quan hầu và ngựa ở lăng Phạm Đôn Nghị và lăng Dinh Hương được xem là những kiệt tác của nghệ thuật chạm khắc đá.

Người được dân tôn hậu Thần - Phật

Trong khu thờ lăng mộ Quận công Phạm Đôn Nghị, ở trục ngang có hai án được làm từ khối đá nguyên tấm, xung quanh có trang trí ô trám lồng. Chân của án được làm theo dạng chân quỳ dạ cá. Ở hai bên là hai nhà bia được làm theo kiểu long đình có mái. Ở đốc mái phía trước có khắc chữ vạn – biểu tượng nhà Phật.

Nhà bia có bốn cửa hướng ra bốn phía. Các cửa đều trang trí dạng cửa võng với nét chạm khỏe khoắn, chắc chắn. Trên hai cột chính của hai nhà bia có đôi câu đối và hai bức phù điêu mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 18.

Nhà bia bên trái có tấm bia khối hộp chữ nhật, có niên đại Long Đức năm thứ 3 (1734), ghi lại công lao của Quận công Phạm Đôn Nghị và được nhân dân bầu làm hậu Thần, hậu Phật cũng như quy định việc cúng giỗ. Tấm bia bên phải ghi lại gia phả dòng họ Phạm và tiểu sử của Quận công Phạm Đôn Nghị.

Bia bên phải có tên “Phạm công gia phả bi ký” kể lại sự tích các đời của dòng họ Phạm. Bia bên trái có tên là “Hiển linh từ hậu thần bi ký” (mặt trước), “Nhất xã thôn hậu phật sự lệ” (mặt sau). Mặt bia phía trên chạm đôi rồng chầu được cách điệu kiểu rồng hóa mây, các diềm bia còn lại chạm trang trí hoa văn mây xoắn, hoa dây uốn lượn.

Mộ Quận công Phạm Đôn Nghị được đặt ở sau cùng, toàn bộ bằng đá tảng hình chữ nhật nằm giữa những bức tường đá ong kiên cố, tạo cảm giác vô cùng chắc chắn và ấm cúng. Đến nay, tuy đã trải qua gần 300 năm nhưng nhờ vật liệu xây dựng tốt, chất đá già tuổi nên các chi tiết lẫn nét chữ khắc đều rất rõ ràng nguyên vẹn.

Chính tính nguyên vẹn của một lăng mộ đá thời phong kiến đã khiến cho toàn bộ khu di tích lăng mộ Quận công Phạm Đôn Nghị trở thành điểm đến, không chỉ đối với giới nghiên cứu lịch sử, khảo cổ, kiến trúc, mà còn là điểm tham quan độc đáo đối với những người hoài cổ và yêu mến nét đẹp cổ xưa.

Phạm Đôn Nghị là một võ quan từng đi kinh lý giữ yên bờ cõi và bình định những cuộc nổi dậy. Ông cũng là người rất thế lực, giàu có và đã có công cung tiến tiền của để xây dựng quê hương, giúp đỡ dân làng. Đồng thời, ông cũng dành một phần của cải công sức cho dòng họ và xây dựng nơi yên nghỉ cho mình. Phạm Đôn Nghị là người đã ghi công lớn đối với triều đình vua Lê – chúa Trịnh, làm Đốc lĩnh các đạo Hải Dương, Kinh Bắc, làm Chưởng đốc xứ Sơn Tây nên được phong tước Quận công, do vậy lăng của ông cũng được dân làng gọi là lăng ông Quận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ