Khám phá 'siêu năng lực' nuôi dạy con của cha mẹ Hàn Quốc

GD&TĐ - Nunchi là nghệ thuật cảm nhận những gì người khác nghĩ, từ đó đưa ra phản ứng thích hợp. Đó cũng là bí quyết nuôi dạy con của cha mẹ Hàn Quốc.

Một trong những từ đầu tiên mà người Hàn Quốc được học khi còn nhỏ là “nunchi”. (Ảnh: ITN).
Một trong những từ đầu tiên mà người Hàn Quốc được học khi còn nhỏ là “nunchi”. (Ảnh: ITN).

Một trong những từ đầu tiên mà người Hàn Quốc được học khi còn nhỏ là “nunchi” (dịch theo nghĩa đen là “đo mắt”). Nói cách khác, đó là khả năng quan sát một không gian nào đó với trọng tâm là tập thể chứ không phải cá nhân cụ thể.

Tốc độ là tối quan trọng đối với nunchi. Những người có nunchi “nhanh” liên tục điều chỉnh lại các giả định của họ dựa trên bất kỳ lời nói, cử chỉ hoặc nét mặt nào, để họ luôn hiện diện và nhận thức được.

Quan sát trong tĩnh lặng

Ở Hàn Quốc, nunchi là một siêu năng lực. Một số người thậm chí còn nói rằng nunchi cho phép họ đọc được suy nghĩ của người khác.

Nunchi được mài giũa kỹ càng và nhanh nhạy có thể giúp bạn chọn được đối tác phù hợp trong cuộc sống hoặc công việc kinh doanh, tỏa sáng trong công việc, bảo vệ bạn trước những kẻ có ý làm hại bạn và thậm chí giảm bớt lo lắng xã hội.

Một số người rất dễ nhầm lẫn nunchi với sự đồng cảm, nhưng có quá nhiều sự đồng cảm cũng là điều không tốt. Trong khi đó, nunchi đặt việc quan sát yên tĩnh lên hàng đầu; nó cho phép bạn giữ vững lập trường trong khi vẫn lắng nghe người khác.

Để khai thác sức mạnh của nunchi, tất cả những gì bạn cần là đôi mắt và đôi tai của mình. Và phần khó nhất: Một tâm trí tĩnh lặng.

Trong cách nuôi dạy trẻ truyền thống của Hàn Quốc, nunchi được đặt ngang hàng với nguyên tắc “Hãy nhìn trước và sau khi băng qua đường” và “Không được đánh anh chị em của mình”.

Cha mẹ Hàn dạy con cái của họ về nunchi bắt đầu từ khi ba tuổi. Euny Hong - một nhà báo và tác giả của cuốn sách “Sức mạnh của Nunchi: Bí quyết hạnh phúc và thành công của người Hàn Quốc” (Penguin Books) – chia sẻ:

“Khi còn nhỏ, tôi nhớ mình đã vô tình xúc phạm một người bạn của gia đình và đã tự bào chữa bằng cách nói: “Con không cố ý”. Cha tôi trả lời: “Con biết không? Vấn đề không cố ý không làm cho tình hình khá hơn, mà còn tồi tệ hơn".

Một số người phương Tây có thể thấy lời phê bình của cha tôi khó hiểu. Nhưng đây là một cách khác để nghĩ về điều này: Một đứa trẻ không nhận thức được hậu quả mà hành động hoặc lời nói của mình gây ra cho người khác là đứa trẻ không có nunchi.

Và cho dù đứa trẻ đó có ngọt ngào và tốt bụng đến đâu, nó vẫn có khả năng trở thành người xấu - trừ khi sự hiểu biết không ngừng được trau dồi".

Nuôi dạy con với nunchi trong tâm trí

Cha mẹ Hàn dạy con quan sát trong tĩnh lặng. (Ảnh: ITN).
Cha mẹ Hàn dạy con quan sát trong tĩnh lặng. (Ảnh: ITN).

Các bậc cha mẹ Hàn Quốc thấm nhuần nunchi bằng cách dạy cho con cái họ bài học quan trọng này trước tiên: “Không phải tất cả đều dành cho con".

Euny Hong nói: “Tôi chưa từng làm mẹ, nhưng tôi có thể chứng thực giá trị to lớn của việc lớn lên nhờ sự khôn ngoan này. Giả sử một người mẹ và đứa con trai bốn tuổi của cô ấy đã đợi khá lâu ở quầy ăn tự chọn và cậu con trai bắt đầu mất kiên nhẫn.

Bà mẹ Hàn Quốc sẽ nói: “Hãy nhìn những người khác đang xếp hàng chờ đợi, giống như con. Bây giờ con có nghĩ rằng con là người duy nhất đang đói ở đây không?”. Kiểu giáo dục này nhằm dạy trẻ em rằng thế giới không xoay quanh chúng và mọi thứ không được trao cho chúng một cách dễ dàng.

Một ví dụ khác: Một số trường học ở Hàn Quốc không thuê lao công. Học sinh phải thay phiên nhau dọn dẹp - quét, lau nhà, đổ rác và thậm chí dọn nhà vệ sinh. Chúng được chia thành các nhóm và trách nhiệm được luân chuyển".

Công việc này dạy học sinh một số nguyên tắc trong cuộc sống. Thứ nhất, bạn càng ngăn nắp thì càng mất ít thời gian để dọn dẹp. Thứ hai, học sinh phải tôn trọng môi trường của mình với tư cách là một tập thể, bởi vì chúng là những người chịu trách nhiệm bảo tồn môi trường này".

Ai cũng cần nunchi

Ở Hàn Quốc, một số đứa trẻ được sinh ra với năng lực nunchi đã có sẵn bên trong và một số có được nunchi nhờ giáo dục.

Euny Hong là trường hợp thứ hai. Khi cô 12 tuổi, gia đình cô chuyển từ Mỹ trở về quê hương Hàn Quốc. Mặc dù chỉ nói được tiếng Anh nhưng Euny Hong đã được ghi danh vào một trường công lập của Hàn Quốc.

Đây là khóa học cơ bản về nunchi tốt nhất mà Euny Hong cần. Để thành công ở Hàn Quốc, cô phải hết sức phụ thuộc vào năng lực nunchi - thứ cô coi như giác quan thứ sáu của mình.

Vào thời của Euny Hong, học sinh không được phép đặt câu hỏi trong giờ học. Các giáo viên cung cấp thông tin mơ hồ về mọi thứ, từ nơi diễn ra kỳ thi cho đến đồ dùng hoặc sách cần mang theo. Euny Hong phải tự mình giải quyết những bí ẩn này bằng cách sử dụng nunchi. Đây là một phần trong quá trình giáo dục tại Hàn Quốc.

Euny Hong kể: “Nếu bạn có thể kiên nhẫn quan sát, thì những băn khoăn của bạn - phải làm gì, hành động như thế nào, phản ứng thế nào - sẽ được trả lời mà bạn không cần phải nói một lời nào".

Chỉ hơn một năm sau khi đến Hàn Quốc, Euny Hong đã đứng đầu lớp và là học sinh đoạt giải toán và vật lý. Trong vòng 18 tháng, cô được bầu làm lớp phó. Đáng nói, Euny Hong đã đạt được tất cả những điều này mặc dù thực tế là tiếng Hàn của cô khi ấy vẫn còn khá tệ.

“Gửi tới những ai còn hoài nghi về sức mạnh của nunchi: Tôi là bằng chứng sống cho thấy bạn không cần phải là người thông minh nhất, giàu có nhất hay có đặc quyền nhất để tìm thấy thành công và hạnh phúc trong cuộc sống, bạn chỉ cần có nunchi”, Euny Hong nói.

Các tác phẩm của Euny Hong đã xuất bản trên The New York Times, The Financial Times, The Washington Post, The Wall Street Journal và The Boston Globe. Euny Hong tốt nghiệp Đại học Yale với bằng B.A. về triết học và là cựu học giả tại Đại học Fulbright (Hoa Kỳ).

Theo cnbc.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.