Cần chuẩn bị kỹ
Cô giáo Nguyễn Thị Loan (Trường Tiểu học Ngọc Khánh, Hà Nội) cho rằng, nghỉ hè, nhiều cha mẹ băn khoăn có nên để con ở nhà một mình hay không? Tất nhiên, trẻ phải trên 8 tuổi, có các kỹ năng cơ bản chăm sóc bản thân, …
Để bảo đảm an toàn, cha mẹ cũng cần dán tất cả những số điện thoại quan trọng ở những nơi dễ thấy trong nhà, bao gồm số điện thoại bàn, số di động, số cơ quan của những người thân trong gia đình, họ hàng, bạn bè và hàng xóm đáng tin cậy. Luôn luôn bao gồm những số 113, 114 và 115 ở ngay đầu danh sách.
Luôn để sẵn trong nhà bộ sơ cứu và một chiếc đèn pin ở nơi dễ lấy, phòng khi có việc khẩn cấp như mất điện, bé đứt tay,… và dạy con cách sử dụng những đồ vật đó.
Bên cạnh đó, cần dự trữ một số thực phẩm ăn liền được đóng gói sẵn thay vì cho phép trẻ nấu ăn khi không có sự giám sát của người lớn trong nhà.
Khóa kĩ những đồ đạc nguy hiểm như hóa chất, thuốc độc hại, dao,… ở trong tủ và xa tầm với của bé. Đảm bảo điện thoại luôn hoạt động và cha mẹ cần thường xuyên gọi cho trẻ để nắm tình hình. Lập ra một danh sách những việc trẻ cần làm và yêu cầu con hoàn thành để trẻ không thấy nhàm chán mà tò mò, nghịch ngợm phát sinh nhiều tình huống nguy hiểm.
Dạy trẻ sử dụng những vật dụng sinh hoạt hàng ngày không chỉ giúp trẻ rèn luyện được tính tự lập mà còn giúp bảo vệ sự an toàn cho bé, đặc biệt là khi ở nhà một mình.
Để dạy cho bé cách sử dụng những vật dụng này, hàng ngày trong quá trình sinh hoạt bố mẹ nên dạy con cách sử dụng một số đồ dùng thiết bị trong nhà như cách lấy nước ở bình, bật quạt, mở tivi, tắt đèn khi không dùng đến…
Khi con phải ở nhà một mình, nên nhớ nhắc con phải khóa cửa cẩn thận và tránh mở cửa cho người lạ khi không có bố mẹ ở đó xác nhận. Cha mẹ cũng nên chỉ cho con biết chỗ để một số vật dụng phòng khi cần tới như chỗ để đèn pin để sử dụng khi bị cúp điện…
Ngoài sự chuẩn bị của cha mẹ, cô Nguyễn Thị Loan cho rằng cần thiết phải dạy kỹ năng sống cho các con. Khi để con ở nhà, cha mẹ cũng cần đề ra một số quy định nghiêm ngặt và yêu cầu trẻ thực hiện để đảm bảo an toàn khi ở nhà một mình.
Hiểu các mối nguy hiểm dễ xảy ra
Trẻ em rất ngây thơ và hay tò mò nên vô tình chúng đã tự đặt mình vào các mối nguy hiểm trong nhà. Chính vì vậy mà cha mẹ cần phải dạy cho trẻ biết về những vật dụng, việc làm có thể gây nguy hiểm cho trẻ.
Cha mẹ cần dạy trẻ tránh xa bếp gas, ổ điện, bật lửa hay diêm…. và chỉ rõ cho trẻ thấy mức độ nguy hiểm của các vật dụng đó để trẻ hiểu và không cố gắng thử khám phá chúng.
Bạn cũng nên dạy trẻ tránh xa những nơi nguy hiểm như ban công, hành lang, những chỗ cao…. Đồng thời bạn cũng nên dạy cho trẻ biết những kỹ năng cần thiết như kỹ năng phòng tránh và xử lý khi xảy ra hỏa hoạn, cháy nổ…
Khi bắt buộc phải để bé ở nhà một mình, nên giao cho bé những nhiệm vụ như chơi trò chơi hay làm việc nhà để tránh bé cảm thấy nhàm chán và bắt đầu đi tìm tòi và khám phá mọi thứ trong nhà.
Ảnh minh họa. |
Cảnh giác với người lạ
Trẻ em thường rất dễ trở thành đối tượng của những kẻ xấu và bị chúng lợi dụng do các bé rất dễ bị dụ dỗ. Do vậy cha mẹ cần phải chú ý dạy trẻ luôn luôn cảnh giác với người lạ để đảm bảo sự an toàn và tránh xa những đối tượng có ý đồ xấu với bé.
Khi trẻ ở nhà một mình, nên kiểm tra và khóa tất cả các cửa lại thật kỹ và yêu cầu bé nên khóa cửa chính ngay khi bạn ra khỏi nhà. Dặn trẻ tuyệt đối không được mở cửa cho bất kỳ người lạ nào khi không có bố mẹ ở đó. Nếu có người lạ yêu cầu vào nhà chơi, bé nên giả vờ gọi thật to tên của bố mẹ để kẻ xấu tưởng là bố mẹ bé vẫn còn ở nhà và bỏ đi.
Dạy trẻ dù có bất kỳ lời mời gọi nào cũng tuyệt đối không được đồng ý đi ra khỏi nhà cùng với người lạ hay nhận đồ từ họ. Khi để trẻ ở nhà một mình bạn cũng có thể mở tivi để âm thanh lớn một chút để kẻ xấu tưởng rằng đang có người ở nhà và không dám gọi cửa.
Bạn cũng cần dạy trẻ khi bị đối tượng lạ tấn công hoặc cảm thấy nguy hiểm nếu không kịp gọi điện cho người thân thì cần phải hét thật to để yêu cầu sự giúp đỡ từ hàng xóm và những người lớn gần đó.
Lưu ý khi sử dụng thiết bị điện
Để đảm bảo trẻ không bị nguy hiểm khi sử dụng các thiết bị điện, cha mẹ cũng cần giáo dục cho con học cách đảm bảo an toàn điện để tránh nguy cơ bị điện giật.
Trẻ nhỏ không ý thức được các hành vi của mình và sự nguy hiểm từ xung quanh. Những điều cha mẹ nên dạy bé để đảm bảo an toàn, cha mẹ cần dạy con không nghịch ổ điện, dây điện; không chạm vào dây điện hở; không cho tay vào trong các thiết bị điện khi đang hoạt động; ngắt các thiết bị điện khi không sử dụng; không đổ nước, sử dụng các vật dụng kim loại vào ổ điện; tránh sử dụng các thiết bị điện khi gần bể bơi, khu vực chứa nước;…
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần hướng dẫn con cách sử dụng các vật dụng thiết yếu như lò vi sóng, nồi cơm điện, bật điều hòa, lấy đồ ăn trong tủ lạnh,...