Thế nên, học viên tốt nghiệp đều có khả năng thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong điều kiện gian khổ.
1. Học viện Quân sự Mỹ
Được thành lập vào năm 1802, Học viện Quân sự Mỹ hay Trường Sĩ quan Lục quân Mỹ (gọi tắt là Trường West Point) là trường quân sự đầu tiên tại Mỹ. Mỗi năm, trường tuyển khoảng 1.300 học viên nhưng chỉ có 1.000 người tốt nghiệp.
Để ứng tuyển vào trường, ngoài hồ sơ thông thường, thí sinh phải có thư đề cử từ một dân biểu. Trường miễn học phí nhưng sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ phải tham gia nghĩa vụ quân sự. Mục tiêu của West Point là giúp sinh viên phát triển kỹ năng toàn diện.
Để thực hiện mục tiêu này, các quy định đào tạo tại West Point rất nghiêm ngặt. Mỗi năm, nhà trường đào thải khoảng 10% học viên. Những học viên tốt nghiệp đều là người đảm nhiệm nhiệm vụ quan trọng trong điều kiện gian khổ. Sau khi tốt nghiệp, học viên sẽ được phong quân hàm thiếu úy.
Trường West Point có một châm ngôn nổi tiếng: “Hãy cho tôi bất kỳ một người nào, chỉ cần không phải bệnh nhân tâm thần, tôi đều có thể đào tạo anh ta thành một người ưu tú”. Vì ngôi trường này sẽ đào tạo học viên theo ba khía cạnh với số điểm cần đạt là: 55% cho học thuật, 30% cho quân sự và 15% cho thể chất.
Trường bắt đầu tuyển học viên nữ từ năm 1976. Đến nay có khoảng 15% học viên sĩ quan là nữ.
2. Cao đẳng Không quân Hoàng gia Cranwell Anh
Trường Cao đẳng Không quân Hoàng gia Cranwell (gọi tắt là Cao đẳng RAF), ban đầu được thành lập với mục đích đào tạo lực lượng sĩ quan không quân, hải quân trong Chiến tranh Thế giới thứ Nhất. Năm 1919, trường chính thức trở thành học viện hàng không đầu tiên trên thế giới.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Cao đẳng RAF ngừng đào tạo sĩ quan độc quyền và bắt đầu mở rộng đào tạo ngày càng nhiều tân binh cho Lực lượng Không quân Anh. Kết thúc chiến tranh, trường quay lại với mục tiêu ban đầu là đào tạo sĩ quan không quân, hải quân.
Một số nhân vật tiêu biểu từng theo học Cao đẳng RAF có thể kể đến như Hoàng tử William, Hoàng tử Charles, Frank Whittle, cha đẻ của động cơ phản lực hay phi công huyền thoại Douglas Bader.
Phương châm của Cao đẳng RAF là “nuôi dưỡng những điều tốt đẹp nhất”. Học viên nhà trường phải hoàn thành khóa học kéo dài 32 tuần về chuyển đổi khả năng lãnh đạo, nghiên cứu sức mạnh không quân và đạo đức, kỷ luật trong quân đội.
Cao đẳng RAF đồng thời là trụ sở của Trường huấn luyện bay số 3, nơi cung cấp các khóa đào tạo bay sơ cấp cho học viên ngành phi công và Trường huấn luyện bay số 6, đào tạo kỹ năng giám sát tất cả phi đội không quân của trường học trên khắp cả nước.
3. Học viện Quân sự Saint-Cyr Pháp
Được thành lập từ năm 1803 bởi Hoàng đế Napoléon Bonaparte tại Fontainebleau, Pháp, Học viện Quân sự Saint-Cyr là học viện quân sự quan trọng hàng đầu tại Pháp. Năm năm sau khi thành lập, Hoàng đế Napoléon chuyển trường về Saint-Cyr-l’Ecole. Tuy nhiên, các tòa nhà đã bị phá hủy trong Thế chiến thứ II nên sau chiến tranh, trường được chuyển đến vùng Brittany.
Học viện Saint-Cyr là học viện quân sự quan trọng hàng đầu tại Pháp. Ban đầu, trường được thành lập để đào tạo sĩ quan kỵ binh nhưng hiện đã mở rộng đào tạo kỹ sư, sĩ quan kỹ thuật, lính pháo binh. Tại Saint-Cyr, học viên được đào tạo về nhiều lĩnh vực như nghệ thuật tự do, khoa học, kỹ thuật cũng như kinh tế học, ngôn ngữ học.
Trường bắt đầu tuyển học viên nữ từ cuối năm 1983. Mỗi năm, trường tuyển sinh khoảng 160 - 179 chỉ tiêu. Trong gần 2 thế kỷ, Học viện Saint-Cyr đã đào tạo gần 60.000 sĩ quan đến những tướng lĩnh cấp cao trong quân đội Pháp. Tổng thống Pháp Charles De Gaulle cũng từng tốt nghiệp từ ngôi trường này.
4. Đại học Quốc phòng Trung Quốc
Trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh, Đại học Quốc phòng Trung Quốc được thành lập vào năm 1985 thông qua việc hợp nhất một số trường quân sự và chính trị. Trường đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp cao và các nhà nghiên cứu phục vụ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Chương trình đào tạo tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc trải dài với nhiều nội dung như an ninh tự nhiên hoạch định chính sách cho các vấn đề chiến lược và quốc phòng, hợp tác giữa PLA và các lực lượng vũ trang khác…
Kể từ khi thành lập, trường đã đào tạo hơn 10.000 sĩ quan cao cấp. Tất cả chỉ huy trưởng tại PLA đều là học viên tốt nghiệp từ Đại học Quốc phòng Trung Quốc. Trường cũng đào tạo thạc sĩ hoặc tiến sĩ cho các sĩ quan chỉ huy cấp cao và nghiên cứu sinh.
5. Học viện Tổng Tham mưu Nga
Được thành lập vào năm 1936, Học viện Tổng Tham mưu Nga là cái nôi nuôi dưỡng những sĩ quan giỏi nhất, sáng giá nhất của Lực lượng Vũ trang Liên Xô. Tiền thân của trường là Học viện Quân sự Hoàng gia, thành lập năm 1832 tại St.Petersburg.
Ban đầu, trường chuyên đào tạo sĩ quan cho Sa hoàng rồi dần mở rộng sang đào tạo sĩ quan quân đội cho cả nước. Đội ngũ giảng viên nhà trường là những nhà lý thuyết, chiến thuật quân sự hàng đầu cả nước như Alexei Bajov, Heinrich Leer, Nikolai Medem và Alexander Myshlayevsky. Học viện Tổng Tham mưu từng đóng góp nhiều nghiên cứu giá trị vào lý thuyết quân sự Nga.
Ngày nay, trường được đổi tên thành Học viện Quân sự thuộc Bộ Tổng Tham mưu các lực lượng vũ trang của Nga (gọi tắt là Học viện Tổng Tham mưu Nga). Thí sinh ứng tuyển vào trường không yêu cầu kinh nghiệm quân sự và được rèn luyện nghiêm khắc về lý thuyết, chiến đấu và thể lực. Nhiều cựu học viên nhà trường giữ cấp bậc đại tá, đại tướng và làm việc trong Lực lượng Vũ trang Nga.