Khám phá “khoảng trống” ngôn từ trong văn bản “Đàn ghita của Lorca”

GD&TĐ - Là một cây bút luôn nỗ lực cách tân thơ Việt, khước từ lối biểu đạt dễ dãi, Thanh Thảo đã viết nên những tác phẩm lấp lánh vẻ đẹp của những biểu tượng mang tính sáng tạo cá nhân. Bài thơ Đàn ghi ta của Lorca của ông là một sự vận dụng thủ pháp chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực một cách tinh tế, tài hoa, đắc địa. 

Khám phá “khoảng trống” ngôn từ trong văn bản “Đàn ghita của Lorca”

Chính vì thế, thi phẩm này được dệt nên từ hệ thống biểu tượng - những “khoảng trống” ngôn từ, khơi gợi sự khám phá, đồng sáng tạo của độc giả.

Đến với bài thơ, không thể dễ dàng lí giải nó một cách thấu đáo nếu như chưa lấp đầy những “khoảng trống” ngôn từThanh Thảo đã kiến tạo. Mở đầu bài thơ là hình ảnh mang đậm tính siêu thực, lẫn tượng trưng: những tiếng đàn bọt nước. Một kết hợp từ đặc biệt. Tiếng đàn là âm thanh, là không hình khối, không màu sắc được phối hợp với bọt nước – tròn trịa, mong manh, dễ vỡ. Những tiếng đàn tượng trưng cho tài hoa và sinh mệnh của Lorca. Dòng thơ mở đầu vừa gợi tả tiếng đàn kì lạ của Lorca, với một sức sáng tạo mãnh liệt đang độ sinh sôi nảy nở như những bọt nước, vừa ngầm dự cảm về số phận bất trắc của ông.

Dòng thơ thứ hai: Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt là một sự đối lập với câu thơ đầu. Hai dòng thơ đầu đặt cạnh nhau đã cùng gợi đến hai nét bản sắc văn hoá của Tây ban Nha: đàn ghi ta (Tây Ban Cầm) và đấu bò tót. Áo choàng đỏ gắt là hình ảnh gợi liên tưởng cho người dũng sĩ đấu bò tót Tây ban Nha với sắc đỏ gắt- màu của máu, màu của một cuộc chiến khốc liệt. Trong tương quan ấy, Lorca hiện lên như một chiến sĩ đang đấu tranh hết mình trong một cuộc chiến đầy căng thẳng: cuộc chiến của người nghệ sĩ cách tân với nền nghệ thuật già nua và cuộc chiến của một chiến sĩ đấu tranh cho tự do, dân chủ với nền chính trị bạo tàn.

Những dòng thơ tiếp theo không có chủ ngữ, đó là hình ảnh người nghệ sĩ du ca Lorca trên hành trình sáng tạo vinh quang mà đơn độc: “đi lang thang về miền đơn độc/ với vầng trăng chếnh choáng/ trên yên ngựa mỏi mòn”. Đó chính là bi kịch của người nghệ sĩ cách tân, chưa tìm được bạn đồng hành. Trong hành trình ấy, khó tránh khỏi có lúc cô đơn, mệt mỏi. Nhưng vượt lên tất cả, người nghệ sĩ du ca không bao giờ dừng lại trên đường đã chọn.

Tây Ban Nha/ hát nghêu ngao chính là hình ảnh Lorca yêu đời, đang say sưa trong sáng tạo nghệ thuật của mình. Và tại họa bất ngờ đã ập đến. Hình ảnh áo choàng bê bết đỏ là hoán dụ gợi tả cái chết đẫm máu của Lorca. Ta chú ý đến tư thế được gợi tả của Lorca: chàng đi như người mộng du. Hình ảnh ấy diễn tả sự bàng hoàng Lorca, dù đã nhiều lần dự cảm về cái chết nhưng không ngờ nó lại đến đột ngột và nhanh như vậy. Và khi đó, Lorca dường như không biết đến thực tại nữa, chàng vẫn đắm chìm trong thế giới nghệ thuật của riêng mình.

Âm thanh ám ảnh của tiếng đàn đã nói hộ nỗi lòng của Lorca và của cả Thanh Thảo: tiếng ghi ta nâu/ bầu trời cô gái ấy/tiếng ghi ta lá xanh biết mấy/ tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan/ tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy. Đây là đoạn thơ giàu sức gợi nhất trong thi phẩm. Tiếng đàn – một biểu tượng âm thanh không còn vẹn nguyên mà vỡ ra thành màu sắc (nâu, xanh), thành hình khối (tròn bọt nước), và thành dòng máu chảy. Cấu trúc đoạn thơ chứa đầy khoảng trống.

Tiếng ghita nâu – màu nâu của đất, của quê hương- chứa đựng tình yêu tha thiết gắn bó của người nghệ sĩ Lorca với xứ sở; đồng thời cũng là nỗi niềm tiếc thương người tình thuỷ chung (“Bầu trời cô gái ấy). Màu xanh của bầu trời, màu xanh của tiếng ghi ta lá xanh…màu xanh của hi vọng, màu của tương lai bỗng chuyển sắc bi thương: tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan với sự xót xa, tiếc nuối cho hành trình cách tân dang dở. Kết lại đoạn thơ là tiếng ghita tức tưởi, quằn quại như dòng máu chảy, như nỗi đau tột cùng của tác giả, của chúng ta trước cái chết của Lorca.

Sinh mệnh của người nghệ sĩ Lorca đã hóa thân vào tiếng đàn bất tử. Tiếng đàn như cỏ mọc hoang, tiếng đàn không bị hủy diệt mà còn sinh sôi mãnh liệt. Hình ảnh này, trong sự gắn kết với câu đề từ còn thể hiện nỗi niềm day dứt của Lorca về cách tân nghệ thuật dang dở, nghệ thuật thiếu người dẫn đường, trở thành “cỏ mọc hoang”.

Ta gặp lại hình ảnh vầng trăng - người bạn đồng hành của Lorca ở khổ thơ đầu- trong một cú pháp thơ bình đẳng không cần đến liên kết từ, gợi ra nhiều khoảng trống liên tưởng: giọt nước mắt vầng trăng/ long lanh trong đáy giếng. Người đọc có thể lí giải theo nhiều cách sau: nước mắt của vầng trăng, nước mắt và vầng trăng, nước mắt như vầng trăng, nước mắt từ vầng trăng…Sâu thẳm đằng sau lớp ngôn từ ấy là nỗi buồn trong sáng, đẹp đẽ của người nghệ sĩ chân chính luôn day dứt, khắc khoải về khát vọng sáng tạo nghệ thuật.

Và Lorca đã “trở về” trong tư thế của kẻ giải thoát:Lorca bơi sang ngang/ trên chiếc ghi ta màu bạc. Lorca bơi sang sông cùng chiếc đàn ghi ta là một hình ảnh đậm chất tượng trưng, siêu thực. Dòng sông chính là dòng đời. Lorca ra đi nhẹ nhàng, thanh thản như một sự giã từ, siêu thoát vượt khỏi mọi định mệnh trên chiếc ghita màu bạc- một biểu trượng thanh khiết, trong sáng như chính con người của ông. Và dòng thơ cuối li-la li-la li-la như một bài ca bất tử về Lorca vang mãi trong thơ Thanh Thảo, vang mãi trong cõi đời này.

Mỗi tác phẩm hay đều chông chênh giữa ranh giới của cái khả giải và bất khả giải. “Đàn ghi ta của Lorca” ( Thanh Thảo) cũng là một bài thơ như thế. Vì vậy, những kiến giải của bài viết này chỉ là một trong những nỗ lực tìm tòi trong hành trình khám phá vẻ đẹp độc đáo của bài thơ. Những “khoảng trống” của thi phẩm vẫn lấp lánh, vẫy gọi mọi thế hệ độc giả hôm nay và mai sau như sức sống từ hành trình không mệt mỏi của chàng nghệ sĩ du ca Lorca trên khắp đất nước Tây Ban Nha vậy.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ