Sách do Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (SocialLife )xuất bản vào tháng 7 và tháng 8 vừa qua.
Sự kiện thu hút sự quan tâm của gần 100 độc giả là các nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên trong và ngoài trường. Đại diện các Thư viện trường khác trên địa bàn TP, cũng như ThS. Bùi Thu Hằng - Giám đốc thư viện Trường ĐH KHXH&NV TPHCM.
Điểm khác biệt tại sự kiện này so với những lần giới thiệu sách trước là ra mắt 2 quyển sách của cùng một đơn vị xuất bản. Trong đó, hai bản sách tuy là khác nhau nhưng lại có mối liên quan với nhau, một cuốn mang tính lý thuyết, một cuốn mang tính thực hành – với hai góc nhìn chung về một vấn đề của thời đại, sẽ đem đến cho người đọc những hiểu biết sâu sắc về phương pháp tiểu sử học trong nghiên cứu định tính.
Tại lễ ra mắt và giới thiệu sách, TS. Phạm Văn Quang và TS. Dương Ngọc Dũng đã có sự chia sẻ và trao đổi về góc nhìn của bản thân xung quanh mối liên hệ giữa “phương pháp tiểu sử học” và nội dung trong hai quyển sách.
Các tác giả sách đang trao đổi, giới thiệu đến độc giả, khách mời những điểm đặc biệt trong hai quyển sách |
Theo TS. Phạm Văn Quang, phương pháp dòng chảy cuộc đời (câu chuyện cuộc đời hay tiểu sử học” là nhấn mạnh đến việc nghiên cứu các những cá nhân hay nhóm xã hội cộng đồng trong tương quan với khía cạnh thời gian, cho phép chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của các hiện tượng con người xuyên qua đặc tính thời gian của nó, và đặc biệt hơn là qua sự trải nghiệm của cá nhân hay của những nhóm xã hội, qua những biểu hiện, cảm thức và suy nghĩ của họ…
Và theo tác giả quyển sách “Tiểu sử học – Những nguyên tắc thực hành” có thể xem như là một cẩm nang dành cho những ai muốn tự thực hành phương pháp viết lịch sử cá nhân, hồi ký cuộc đời.
“Dòng chảy cuộc đời được ví như một cuộc đời con người cá nhân, nó chứa đựng cả một quá trình căn tính cá nhân và cộng đồng… nó tạo ra một chân trời chờ đợi nơi công chúng.” – TS. Phạm Văn Quang chia sẻ.
Là người kể lại câu chuyện về cuộc đời của chính mình, TS. Dương Ngọc Dũng đã chia sẻ những góc nhìn mới, độc đáo, hóm hỉnh.
“Câu chuyện tôi kể cho các bạn không phải là tiểu sử, nó đúng nghĩa là một câu chuyện, tức là có yếu tố hư cấu. Hư cấu không phải là nói dối. Hư cấu là cách người kể chuyện lựa chọn một góc độ khi kể về quá khứ của mình”- tác giả nói.
Quyển “Trò chuyện cùng Dương Ngọc Dũng” cho mọi người thấy về những khía cạnh khác đối với “Tình yêu – Tôn giáo – Triết học”, nó không thực sự màu hồng hoặc hạnh phúc như chúng ta mong đợi mà nó là cội rễ của tình yêu là khổ đau, là mất mát. Còn những điều tưởng ấm êm, hạnh phúc thì thật ra đến từ sự “giả vờ yêu”, “giả vờ hạnh phúc…”; “…Triết học không phải là tri thức. Nó là phương tiện giúp chúng ta chất vấn đời sống, đặt lại mọi vấn đề từ nền tảng, không chấp nhận những ý kiến, phán đoán có sẵn, những chân lý đóng hộp…”