Hà Nội tổ chức thi trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể 2023

GD&TĐ - Theo ban tổ chức, cuộc thi trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể 2023 được tổ chức làm 2 vòng thi: Vòng sơ khảo, gửi video clip dự thi.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Nhân kỉ niệm 69 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023) và hướng tới ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội phát động cuộc thi trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể 2023 với chủ đề “Người giữ màu dân tộc”.

Theo Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội, cuộc thi trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể 2023 được tổ chức với mục đích tiếp tục khơi dậy niềm tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc; tôn vinh các tổ chức, cá nhân đã và đang có nhiều cống hiến trong công tác bảo tồn, kế thừa, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển; thúc đẩy quảng bá di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Đồng thời, cuộc thi cũng là dịp để động viên, khích lệ phong trào quần chúng, đặc biệt để thu hút thế hệ trẻ tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Với chủ đề “Người giữ màu dân tộc”, nội dung của cuộc thi là trình diễn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc và nghệ thuật truyền thống của Thủ đô như: Hát Chầu văn, Ca trù, hát Xẩm, Chèo, Tuồng, Múa cổ, Múa dân gian…

Đồng thời trình diễn các loại hình văn hóa phi vật thể mang đậm nét văn hóa của Thủ đô: Hò Cửa đình, múa Bài bông (Phú Xuyên), múa Bồng (Triều Khúc, Thanh Trì), hát Dô (Quốc Oai), Chèo tàu (Đan Phượng) và các loại hình diễn xướng dân gian của các dân tộc miền núi…

Đối tượng tham gia cuộc thi là các câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật cơ sở, đội văn nghệ, các nghệ nhân, cộng tác viên tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội.

Theo ban tổ chức, cuộc thi được tổ chức làm 2 vòng thi: Vòng sơ khảo, gửi video clip dự thi. Mỗi đơn vị dự thi xây dựng 1 video clip về loại hình Di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc và nghệ thuật truyền thống của Thủ đô tham gia cuộc thi.

Với yêu cầu đảm bảo chất lượng độ phân giải cao (Full HD), âm thanh, hình ảnh rõ nét, thời lượng đối đa 7 phút/tiết mục, đảm bảo không vi phạm bản quyền. Các tiết mục tham gia cuộc thi có nội dung, chủ đề trong sáng, lành mạnh và mang tính giáo dục cao. Khuyến khích các tiết mục có thêm phần dàn dựng công phu, sáng tạo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Vòng chung khảo sẽ được tổ chức theo hình thức thi trực tiếp dự kiến trong tháng 11/2023 tại sân khấu ngoài trời không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận hoặc Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội.

Tại đây, các đơn vị trình diễn loại hình Di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc và nghệ thuật truyền thống của Thủ đô tự chọn theo yêu cầu về nội dung và hình thức của ban tổ chức.

Bên cạnh đó, các đơn vị tham gia dự thi sẽ tự chuẩn bị phần nhạc, sử dụng các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc, trang phục, đạo cụ phù hợp với loại hình nghệ thuật đã tham dự từ vòng sơ khảo.

Thời hạn nhận đăng ký dự thi đến hết ngày 30/9/2023.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.