Chiêm ngưỡng những bức tranh Hàng Trống đi vào cuộc sống hiện đại

GD&TĐ - Tranh dân gian Hàng Trống là một trong những dòng tranh độc đáo, kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng của người Kinh kỳ xưa. Tuy nhiên, sản phẩm mang hồn bản sắc dân tộc ấy lại đang dần bị lãng quên.

Bộ Tố Nữ - Tranh Tết – Tranh Hàng Trống
Bộ Tố Nữ - Tranh Tết – Tranh Hàng Trống

Hiểu và yêu dòng tranh độc đáo này, cô giáo Trịnh Thu Trang – giảng viên Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đã mang tranh dân gian Hàng Trống đến gần “thế hệ trẻ”.

Đường đến với tranh Hàng Trống

Tâm huyết với dòng tranh Hàng Trống, thiết tha với những nét đẹp dân gian và mong muốn lưu lại giá trị truyền thống, cô Trang cùng nhóm bạn trẻ đã dành nhiều năm nghiên cứu cho dự án “Họa Sắc Việt” để mang tranh Hàng Trống gần gũi hơn với người trẻ và gợi mở ra những tiềm năng ứng dụng của dòng tranh dân gian độc đáo này vào cuộc sống hiện đại.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cô Trang yêu mến và thấy gần gũi với những giá trị văn hóa truyền thống của một Hà Nội xưa cũ đã bị mai một rất nhiều, thậm chí mất hẳn. Trong đó có tranh Hàng Trống, dòng tranh đặc trưng của thị dân Hà thành xưa song đang có nguy cơ thất truyền rất cao do nhu cầu hưởng thụ văn hóa, đời sống tâm linh đã thay đổi quá nhiều.

Giảng viên Trịnh Thu Trang bên dòng tranh Hàng Trống mà cô đam mê, theo đuổi.
Giảng viên Trịnh Thu Trang  bên dòng tranh Hàng Trống mà cô đam mê, theo đuổi.

Quá trình tìm hiểu về tranh Hàng Trống để tìm cách lưu giữ những giá trị tốt đẹp xưa, cô Trang vô tình cờ gặp gỡ nghệ nhân tranh Hàng Trống Lê Đình Nghiên. Ông đã giúp cô về kiến thức cũng như truyền nhiệt huyết theo đuổi niềm đam mê của mình.

 “Lần đầu tiên được nhìn thấy những bức tranh thờ, tranh Tết Hàng Trống thật ở khổ lớn, có bức lên tới 1,5m với màu sắc nổi bật, tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp rực rỡ ấy. Nghệ nhân xưa tạo hình rất táo bạo, sử dụng các màu tương phản rất mạnh, xanh, vàng, đỏ kết hợp với nhau tạo nên tính thẩm mỹ, màu sắc hấp dẫn”, cô giáo Trang nhớ lại.

Màu sắc trong tranh Hàng Trống có những nét riêng rất đặc thù so với các dòng tranh dân gian khác. Có lẽ do được vẽ tay nên màu sắc trong tranh Hàng Trống cũng rực rỡ, phóng khoáng hơn dù chỉ có sáu màu cơ bản. Ngoài những màu làm từ tự nhiên, nghệ nhân còn sáng tạo màu mới bằng phẩm màu.

Nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê trong triển lãm về tranh Hàng Trống.
Nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê trong triển lãm về tranh Hàng Trống.

Hai màu đặc trưng của tranh Hàng Trống là xanh da trời và hồng điều. Màu phẩm đó đã làm nên một thần thái riêng. Các màu tươi khác như đỏ, cam, vàng thư, xanh lá cây… cũng được vận dụng, kết hợp tài tình với hệ thống nét đen của màu tự nhiên lấy từ than lá tre ủ kỹ, khiến cho các tác phẩm tranh Hàng Trống vô cùng rực rỡ cuốn hút nhưng cũng không kém phần tao nhã, tinh tế.

Ban đầu, cô Trang dành dụm tiền để đặt bộ tranh Tố Nữ. Đây chính là tranh Tết đầu tiên cô được tiếp cận và cảm thấy quý trọng trước ý nghĩa sâu xa mà gần gũi. Không chỉ đơn giản là bốn cô gái với nhạc cụ trên tay, bộ tranh còn gửi tới người thưởng thức những thông điệp đặc biệt khác.

Theo nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê, bộ Tố Nữ xuất phát từ tục thờ cúng của người Việt như hát chèo, hát cửa đình để dâng những âm thanh đẹp đẽ lên thần thánh.

Còn nghệ nhân Lê Đình Nghiên lại nói về bộ Tố Nữ một cách giản dị mà vô cùng ấm áp, những âm thanh không chỉ là tiếng đàn, tiếng phách mà còn là những âm thanh vui vẻ trong mỗi gia đình: Tiếng cười con trẻ, tiếng lanh canh dọn mâm cơm, tiếng vợ chồng trò chuyện… Ẩn trong bộ tranh là lời chúc Tết: Năm mới hạnh phúc tràn đầy “tiếng vui”…

Khi đã đặt mua một số lượng tranh nhất định, Thu Trang xin tài trợ địa điểm để tổ chức 2 triển lãm nhỏ, kết hợp dạy trẻ em vẽ tranh Hàng Trống. Cô mời nghệ nhân Lê Đình Nghiên và nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê tới thuyết giảng cho khách tham quan cái hay, cái đẹp, cái khác biệt của tranh dân gian Hàng Trống; phân tích ý nghĩa một số tranh thờ, tranh Tết tiêu biểu, giới thiệu các công đoạn vẽ tranh cơ bản…

Thật bất ngờ, đại đa số khách tham quan là người trẻ khoảng từ 18 đến 24 tuổi. Một số khách trẻ sau khi đã hiểu biết về tranh Hàng Trống đã tới nhà nghệ nhân đặt mua tranh để lưu giữ một “hồn cốt” của dòng tranh gian dân này.

Hành trình đưa dòng tranh Hàng Trồng đến với cuộc sống hiện đại

Dần dần dưới con mắt của người thiết kế, Trịnh Thu Trang nhận ra tiềm năng ứng dụng rất lớn vào thiết kế đồ họa của tranh Hàng Trống nói riêng và mỹ thuật dân gian Việt Nam nói chung.

Sản phẩm Hộp Mứt Tết
Sản phẩm Hộp Mứt Tết

Trong bối cảnh ngành thiết kế của nước ta đang thiếu những nguyên liệu truyền thống mang bản sắc Việt Nam. Vì thế, cô Trang quyết định đúc kết các ý tưởng trên thành một cuốn sách, với mục đích tạo một kho nguyên liệu cung cấp mẫu hoạ tiết ứng dụng cho mỹ thuật và thiết kế hiện đại, vơi hy vọng lan tỏa đến người đọc – nhất là các bạn trẻ.

Năm 2017, cô Trang quyết định thành lập nhóm S River quy tụ các thành viên trẻ (nhiều bạn mới ngoài 20 tuổi) có cùng cảm hứng để cùng biên soạn quyển Họa Sắc Việt với hy vọng dần dần xây dựng bộ sách chuyên về nghiên cứu và ứng dụng các họa tiết và màu sắc dân gian Việt Nam vào mỹ thuật ứng dụng đương đại. Tranh Hàng Trống là dòng tranh đầu tiên mà cô Trang và cộng sự nghiên cứu.

Trịnh Thu Trang cho biết:Dự án lấy cảm hứng từ những họa tiết, bảng màu tiêu biểu của dòng tranh Hàng Trống để sáng tạo thành thiết kế đồ họa đương đại mang yếu tố văn hóa truyền thống Việt Nam”.

Sản phẩm Hộp Mứt Tết
Sản phẩm Hộp Mứt Tết

Trước tết Nguyên đán, cô Trang đã mở triển lãm “Những điều xưa cũ mới mẻ”  thu hút được nhiều khán giả yêu thích dòng tranh Hàng Trống đến ‘chiêm ngưỡng”. Trong triển lãm, những sản phẩm sử dụng họa tiết nụ hoa trong bức Con nai (tranh Tết) kết hợp với hai họa tiết mây trong tranh Ngũ hổ và búp lá non trong bức Hương chủ (hai tranh thờ) của tranh Hàng Trống. Những họa tiết được lấy cảm hứng từ mùa xuân với hoa lá đâm chồi nảy lộc để tạo nên một màu sắc, diện mạo mới mẻ cho hộp mứt Tết truyền thống.

Để những sản phẩm đồ họa lấy cảm hứng từ dòng tranh Hàng Trống tiếp cận đông đảo công chúng, các dữ liệu sẽ được số hóa thành bảng mã màu, file vector họa tiết cùng hướng dẫn kết hợp màu sắc và cách ứng dụng trên thiết kế đồ họa, thời trang, nội thất và thủ công mỹ nghệ.

Đôi Giày Vàng lấy hoạ tiết từ tranh Hàng Trống “Trê Cóc”
Đôi Giày Vàng lấy hoạ tiết từ tranh Hàng Trống “Trê Cóc”

Tôi mong muốn giá trị thẩm mỹ, yếu tố tinh thần của tranh Hàng Trống sẽ đi vào đời sống và có sức sống, tính cuốn hút riêng. Và trong thời đại của công nghiệp và công nghệ số tranh dân gian cần được biến đổi sang dạng thức phù hợp để có thể phát triển, thích nghi với cuộc sống hiện tại. Từ đó, tôi mong muốn sản phẩm đồ họa đó góp phần quảng bá trở lại cho dòng tranh Hàng Trống của thị dân Hà thành xưa và Hà Nội ngày nay”, cô Trang nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...