Khám, chữa bệnh BHYT: Tắc thanh toán từ tầm quản lý vĩ mô

Bài 1: Nước mắt áo Blu 

Khám, chữa bệnh BHYT: Tắc thanh toán từ tầm quản lý vĩ mô

Mới vào đầu hè nhưng cái nóng đã hầm hập, làm nhiều người khó chịu. Giám đốc bệnh viện hạng 3 đỏ mặt tía tai, đập 2 bàn tay xuống bàn, ngửa mặt lên trời, rồi lại chỉ tay xuống phòng khám, than:

"Mỗi ngày bệnh viện tôi khám cho hàng trăm người bệnh hưởng bảo hiểm y tế, bây giờ bảo hiểm xã hội chỉ cho thanh toán 35 người bệnh/8 giờ hành chính/bác sĩ. Nếu đến lượt bệnh nhân thứ 36, chúng tôi liệu có dám đuổi họ về, không khám bệnh?".

Chưa nói dứt câu, một bà khoảng hơn 70 tuổi nét mặt tỏ rõ vẻ bực tức, tập tễnh vào phòng hỏi trống không: "Này. Tôi nghe nói chỉ khám đến người thứ 35, giờ vé xếp hàng của tôi thứ 37 thì không khám nữa à? Không khám, tôi kiện các ông, tiền của tôi đóng bảo hiểm là tiền mồ hôi nước mắt đấy".

Như lửa đổ thêm dầu, ông giám đốc tua lại một tràng: Làm gì có cái kiểu chỉ thanh toán BHYT cho 35 bệnh nhân/8 giờ làm việc/bác sĩ. Vậy đến lượt bệnh nhân số sau 35 sẽ đuổi họ về à? Hết giờ làm 8 tiếng, còn bệnh nhân thì không khám, đứng dậy bỏ về à?

Cũng như vậy, với bệnh viện hạng 1 cũng chỉ được khám 45 bệnh nhân/8 giờ làm việc hành chính/bác sĩ, nếu có bệnh nhân thứ 46, liệu đồng nghiệp tôi có dám không khám cho họ không?

Chung cảnh ngộ, bệnh viện hạng 4 chỉ được khám 34 ca, từ người thứ 35 sẽ không được bảo hiểm thanh toán. Họ bỏ tiền ra mua bảo hiểm, khi có bệnh họ đến bệnh viện khám, điều trị, giờ "treo lên", bảo hiểm nói xuất toán hoặc không thanh toán cho bệnh nhân vượt định mức, chúng tôi lấy tiền đâu để bù, giờ định... quỵt à?

Chưa hết, lãnh đạo một bệnh viện tại Hải Phòng chia sẻ: Việc tiết kiệm chi phí vật tư tiêu hao như: găng tay, hóa chất… là việc làm cần được khuyến khích (giống như tiết kiệm trong sản xuất - NV).

Nhiều trường hợp, bác sỹ không nhất thiết phải dùng găng tay mới khám được bệnh mà có thể sử dụng dung dịch khác thay thế găng tay khi khám bệnh, nhiều năm nay vẫn làm như vậy.

Giờ BHXH thẩm định lại số găng tay bệnh viện sử dụng dựa trên hóa đơn nhập để từ đó tính ra số vật tư tiêu hao và yêu cầu xuất toán là không hợp lý bởi tất cả đã được tính trọn gói trong giá KCB.

Không quan trọng ở đôi găng tay mà quan trọng là người thực-việc thực, có bệnh nhân đến KCB thật sự (được thể hiện bằng các hồ sơ, bệnh án lưu giữ).

Chưa hết, một bác sĩ cho biết: Thời gian để bác sỹ đọc kết quả 1 phim X quang là khác nhau, có bệnh nhân chỉ đọc vài phút đã xong, có ngườí lâu hơn nữa, đối với trường hợp phức tạp phải có cả hội chuẩn mất hàng giờ.

Nay, phía BHXH nói tính trung bình thời gian đọc 1 phim X-quang cho 1 bệnh nhân là 10 phút để thanh toán. Vậy chả hiểu các cơ quan quản lý họ căn cứ vào đâu để đưa ra cái "ba rem" một ngày làm việc 8 giờ của bác sỹ sẽ được tối đa tổng số bao nhiêu kết quả X-quang.

Lãnh đạo một BV tuyến quận, huyện buồn rầu cho biết: Đề án 1816 của Bộ Y tế về việc cử cán bộ chuyên môn luận phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng KCB, chuyển giao khoa học kỹ thuật từ BV tuyến trên cho BV tuyến dưới.

Mục đích thực hiện đề án này nhằm giảm quá tải tại các BV tuyến trên, tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí cho người bệnh khi KCB không phải di chuyển lên tuyến trên.

Nhiều BV tuyến quận, huyện tại Hải Phòng đã được chuyển giao thành công các kỹ thuật y khoa từ BV tuyến trên. Tuy nhiên, BHYT cũng yêu cầu xuất toán những trường hợp KCB mà kỹ thuật đó, theo bảo hiểm là không phải công việc của bệnh viện tuyến dưới. Lý do: chưa đủ thủ tục về hành chính để được công nhận những kỹ thuật đã được chuyển giao xuống tuyến dưới (?!)

Mặt khác, chúng tôi là bệnh viện đa khoa, nhưng cứ khám bệnh về răng-hàm-mặt hay tai-mũi-họng (chưa đến mức độ phải khám, điều trị chuyên khoa), bảo hiểm yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề.

Như vậy có hợp lý với thực tiễn đang thiếu bác sĩ chuyên khoa ở rất nhiều bệnh viện, nhất là bệnh viện vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo? Và liệu có bảo đảm quyền lợi của người bệnh tham gia BHXH, BHYT?…

Bệnh viện tư nhân còn đắng cay hơn. Đại diện Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam nói trong hội nghị thường niên của Hiệp hội được tổ chức tại Hải Phòng ngày 22/4 với sự có mặt của hơn 160 đại biểu toàn quốc về dự.

Hầu hết các ý kiến phát biểu đều cho rằng: Hiện nay, bệnh viện tư nhân đang tạo đối trọng để bệnh viện công lập nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng dịch vụ y tế. Bệnh viện tư nhân cũng thu hút thêm người bệnh, giảm áp lực cho các cơ sở y tế công lập.

Tuy nhiên, tình trạng bệnh viện chuyên khoa hay đa khoa tư nhân không được ký hoặc bị dừng ký hợp đồng KCB BHYT với cơ quan BHXH bất cứ lúc nào nếu chỉ làm phật ý... cán bộ BHXH.

Bệnh viện tư nhân không được tổ chức KCB BHYT vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Lý do được nêu ra là cơ quan BHXH chưa quản lý được vào... ngày nghỉ.

Một phó giáo sư thuộc ngành ung bướu than thở khôi hài: cán bộ bảo hiểm bây giờ có lẽ họ còn muốn dạy cả chúng tôi nghiệp vụ khám, chữa bệnh.

Rồi ông kể: Sau khi thăm khám, xét nghiệm, bệnh được phát hiện, việc chỉ định dùng thuốc gì là quyền của chúng tôi. Nhưng cán bộ bảo hiểm không đồng ý thanh toán, bởi không có trong danh mục thanh toán bảo hiểm.

Họ không biết rằng, khi đấu giá thuốc để đưa vào thanh toán BHYT, nhà thầu chỉ đưa ra vài ba tác dụng, còn thực tế có loại thuốc chữa rất nhiều bệnh.

Nên phải căn cứ thực trạng bệnh nhân để tôi đưa ra loại thuốc phù hợp, hiệu quả cao nhất, tránh cho bệnh nhân bị phản ứng phụ hoặc "cái xảy nảy cái ung".

Nhưng nếu cho bệnh nhân loại thuốc khác không có trong danh mục BH là không được thanh toán, hoặc lỡ thanh toán rồi sẽ bị xuất toán.

Nói xong phó giáo sư vừa cười vừa lắc đầu tỏ ý chán chường, hai mắt ông ngân ngấn nước. Tôi không hiểu nước mắt của sự khôi hài, hay nước mắt đắng cay của người trí thức đang hàng ngày đi giành lại sự sống cho bệnh nhân?

Chúng tôi được biết những ngày qua, BHXH nhiều tỉnh nói chung và BHXH thành phố Hải Phòng nói riêng đang lập biên bản bóc tách, thẩm định, xác định nguyên nhân vượt quỹ, vượt trần năm 2016 tại các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT).

Theo đó, nhiều bệnh viện, có nguy cơ phải xuất toán hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng hoặc từ chối thanh toán - một đại diện của ngành y tế Hải Phòng cười méo xệch khi kết thúc câu chuyện.

Ngành y Hải Phòng lên tiếng

Trước tình hình trên, ngày 14/4/2017, Sở Y tế tiếp tục có công văn khẩn số 646 gửi BHXH thành phố đề nghị tháo gỡ khó khăn trong KCB BHYT.

Theo đó, Sở Y tế Hải Phòng có quan điểm rõ ràng như sau: Hải Phòng đã triển khai thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT của Bộ Y tế, Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc (chưa bao gồm tiền lương) từ ngày 01/03/2016.

Kể từ thời điểm triển khai đến nay, Sở Y tế Hải Phòng và các cơ sở KCB không nhận được công văn chỉ đạo nào của BHXH Việt Nam, BHXH thành phố và Bộ Y tế về việc phải thực hiện theo định mức nêu trên.

Hàng quý BHXH thành phố vẫn thực hiện việc giám định và thanh quyết toán bình thường cho các đơn vị và chưa có ý kiến chỉ đạo gì về việc này.

Ngày 17/03/2017 Bộ Y tế đã có công văn số 1294 về việc thực hiện định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xây dựng và ban hành giá dịch vụ KCB trong đó có chỉ rõ:

“Việc cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố sử dụng định mức tại các quyết định nêu trên để kiểm soát chi phí và thanh toán chi phí KCB BHYT cho các cơ sở KCB là chưa đúng quy định về thanh toán chi phí KCB theo giá dịch vụ quy định tại luật BHYT và thông tư liên tịch số 37.

Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thanh toán chi phí KCB cho các đơn vị theo định mức giá quy định tại thông tư liên tịch số 37 hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Sở Y tế Hải Phòng cũng đề nghị BHXH TP sớm thanh toán cho các đơn vị để kịp thời có kinh phí triển khai khám, cấp cứu, điều trị, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT.

Sau khi thẩm định xác định nguyên nhân vượt quỹ, vượt trần năm 2016 tại các cơ sở KCB BHYT, Sở Y tế sẽ phối hợp với BHXH TP tổng hợp những vướng mắc, bất cập để báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam.

(Còn tiếp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ