Khám chữa bệnh bằng bảo hiểm: Y tế tư nhân vẫn “lép vế”

GD&TĐ - Y tế tư nhân là một phần không thể thiếu trong hệ thống y tế quốc gia. Tuy nhiên, so với hệ thống y tế công lập, y tế tư nhân vẫn “lép vế” về số lượng cơ sở y tế, nhân lực cũng như việc thực hiện chính sách chăm sóc sức khỏe người dân.

Khám chữa bệnh bằng bảo hiểm: Y tế tư nhân vẫn “lép vế”

Theo phản ánh của đại diện các bệnh viện tư, có nhiều rào cản cần xóa bỏ để hệ thống y tế tư nhân tự tin thực hiện chức năng của mình, đặc biệt là khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm.

Vẫn loay hoay tìm hướng đi

Y tế tư nhân trở thành cơ sở khám chữa bệnh ban đầu cho người dân không còn là chuyện lạ. Tuy nhiên, so với hệ thống y tế công lập, số lượng cơ sở y tế tư nhân tham gia khám chữa bệnh cho người dân bằng bảo hiểm y tế chưa nhiều. Tại các bệnh viện như Trí Đức, An Việt…, ngoài loại hình bảo hiểm bảo lãnh, người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cấp chỉ được thanh toán khi điều trị nội trú hoặc cấp cứu. Mức thanh toán so với bệnh viện cùng hạng của hệ thống công lập không nhiều. Như vậy, với hoạt động khám sức khỏe ban đầu, người dân không được thanh toán. Đây là một trong những lý do khiến người dân chưa mặn mà với hệ thống cơ sở y tế tư nhân.

Thống kê của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có 200 bệnh viện và 4.000 phòng khám tư nhân. Tại các bệnh viện ký kết trở thành cơ sở khám chữa bệnh ban đầu vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Điển hình như mâu thuẫn về quyền lợi giữa cơ sở y tế tư nhân và quy định của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trong một số điều khoản, nội dung thỏa thuận.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân cũng không đồng ý với việc cơ quan Bảo hiểm Xã hội tạm dừng ký hợp đồng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế với một số cơ sở y tế tư nhân do không bổ sung đầy đủ thông tin về năng lực của cơ sở để tiếp tục giao kết hợp đồng.

Bất cập tiếp theo được chỉ ra là Bảo hiểm Xã hội ở nhiều tỉnh, thành tạm ứng, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân chưa kịp thời. Việc thanh toán các trang thiết bị, vật tư y tế cũng… rắc rối.

Đi tìm tiếng nói chung

Trước những bức xúc của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thực hiện đúng, đủ các quy định của Nhà nước về lĩnh vực này.

Theo ông Sơn, hợp đồng ký kết giữa hai bên theo hướng dẫn của thông tư và dựa trên đặc điểm của từng địa phương, đặc thù của cơ sở y tế. Với những cơ sở không ký hợp đồng phần lớn do không thống nhất được các điều khoản. Còn về thời gian thanh toán, dù bệnh viện công hay tư đều theo quy định, tức sau khi nhận báo cáo quyết toán đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh của cơ sở y tế, cơ quan bảo hiểm thực hiện việc giám định trong 30 ngày. 5 ngày sau khi có kết quả giám định, cơ quan bảo hiểm sẽ quyết toán.

Trường hợp có vướng mắc sẽ được giải quyết trong quá trình giám định hoặc sau đó. Với cơ sở không thực hiện đúng cam kết hoặc lạm dụng quỹ, không đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, Bảo hiểm Xã hội sẽ chấm dứt hợp đồng và báo cáo cấp có thẩm quyền.

Trưởng Ban Dược và Vật tư Y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) Nguyễn Tá Tỉnh lý giải việc không đáp ứng yêu cầu của các cơ sở y tế tư nhân về mức thanh toán theo kết quả đấu thầu tập trung ở một số địa phương do cùng một vật tư có cùng tên thương mại, nước sản xuất nhưng giá thành lại chênh lệch so với nơi khác rất nhiều (stent chữa bệnh mạch vành cùng tên do Đức sản xuất có giá thầu tại Thanh Hóa là 58 triệu, trong khi trúng thầu tại TP Hồ Chí Minh là 36,9 triệu còn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang với giá 29 triệu đồng...).

Còn với quy định ràng buộc về điều kiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong trong các ngày nghỉ lễ, thứ 7 và Chủ nhật; định mức kinh tế kỹ thuật của dịch vụ y tế (số lượng giường bệnh, số bệnh nhân/bàn khám...) đang gây nhiều khó khăn cho cơ sở y tế, không tăng năng suất lao động nhiều ý kiến cho rằng liên Bộ Y tế - Bảo hiểm Xã hội cần rà soát sửa đổi để tạo điều kiện cho cơ sở y tế tư nhân bố trí nhân lực nhưng cũng có ràng buộc để tránh tình trạng tăng số lượng, giảm chất lượng.

Với chủ trương tiếp tục phát triển y tế tư nhân,cuộc đối thoại giữa đại diện hệ thống y tế tư nhân và cơ quan quản lý là dịp để hai bên xóa bỏ rào cản, tìm tiếng nói chung. Hiệp hội Bệnh viện tư nhân cần nhìn thẳng vào bất cập của mình để chấn chỉnh, xử lý sai phạm. Cơ quan chức năng cũng cần có cái nhìn thông thoáng, tạo điều kiện và hỗ trợ các cơ sở y tế hoạt động nhưng không vì thế mà bao che cho sai phạm là mong muốn của các đơn vị làm ăn chân chính, của người dân hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ