Hiện có những bệnh viện được phép áp mức phí kịch trần và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm 2018. Viện phí tăng là cơ hội cũng là gánh nặng với người bệnh không có bảo hiểm y tế. Do vậy, tăng viện phí phải đi đôi với việc thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân.
Tăng thêm 5 - 8%
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, giá dịch vụ y tế hiện nay được liên Bộ Y tế - Tài chính xây dựng từ năm 2015, quy định mức giá khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế thống nhất giữa các bệnh viện. Với việc đưa chi phí trực tiếp, tiền lương của nhân viên y tế vào viện phí góp phần làm tăng số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giảm ngân sách Nhà nước cấp cho các bệnh viện. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Tại TPHCM, ngân sách Nhà nước giảm được 1.200 tỷ đồng, gần 170 tỷ ở Thái Nguyên và Nghệ An là 33 tỷ đồng. Số tiền trên thay vì cấp cho các bệnh viện để chi trả lương cho nhân viên, sửa sang cơ sở vật chất nay được đầu tư cho người dân thông qua việc hỗ trợ mua bảo hiểm y tế.
Điều tra năm 2017 của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho thấy: Tỷ lệ người dân có bảo hiểm y tế tăng từ 74% năm 2016 lên 81% năm 2017. Kết quả phân tích dữ liệu cũng cho thấy, tỷ lệ người dân ở nông thôn tham gia bảo hiểm y tế nhiều hơn thành thị. Điểm đáng lưu ý là người dân tộc thiểu số có bảo hiểm y tế nhiều nhất. Điều này chứng tỏ sự hỗ trợ của Nhà nước đã đến với người dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Nhờ đó, việc tiếp cận với dịch vụ y tế không còn là khoảng cách quá lớn giữa người dân vùng thuận lợi và khó khăn.
Người dân vừa thích nghi với giá dịch vụ mới thì Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội tiếp tục sửa đổi quy định về giá dịch vụ. Lý do được đưa ra là mức phí cũ chưa tính chi phí quản lý, khấu hao tài sản. Hơn nữa, từ năm 2015 đến nay, lương tối thiểu, giá điện, nước… liên tục tăng tác động không nhỏ đến chi phí thực tế tại bệnh viện trong khi giá đóng bảo hiểm y tế lại chưa tăng nên ảnh hưởng không nhỏ đến quỹ bảo hiểm.
Theo lộ trình, từ nay đến tháng 5/2018, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội sẽ khảo sát số lượng dịch vụ, cơ cấu giá một số dịch vụ có mức giá chưa phù hợp để điều chỉnh. Trước mắt là giá khám bệnh, ngày giường và khoảng 40 dịch vụ khác (X quang, chụp CT, MRI, siêu âm, nội soi tai mũi họng, y học cổ truyền, xét nghiệm…). Sau đó, sẽ khảo sát tổng thể, nghiên cứu kinh nghiệm từ các nước để sắp xếp lại một số dịch vụ hiện nay, từ đó xây dựng định mức và giá của 2.000 - 3.000 dịch vụ. Giá dịch vụ y tế sẽ được xây dựng dựa trên chi phí trực tiếp, tiền lương và chi phí quản lý. Như vậy, giá dịch vụ y tế sẽ tăng từ 5 - 8% so với hiện nay.
Kiểm soát chặt giá vật tư, trang thiết bị trong bệnh viện cùng hạng
Theo tính toán của Bộ Y tế, việc tăng giá dịch vụ y tế sẽ không ảnh hưởng nhiều tới người bệnh có bảo hiểm. Với quỹ sẽ tăng chi khoảng 4.000 tỷ đồng/năm.
Theo đại diện Bảo hiểm xã hội, đây không phải vấn đề lớn bởi kết dư quỹ bảo hiểm y tế hết năm 2018 còn khoảng 35.000 tỷ, đảm bảo khả năng cân đối đến năm 2020. Vấn đề quan trọng, bức thiết hiện nay là làm rõ việc chênh lệch giá giữa các bệnh viện cùng hạng về một trang thiết bị, vật tư y tế.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết: Cũng như giá thuốc trước kia, vật tư y tế hiện nay đang trong tình cảnh mỗi nơi một kiểu. Cùng là stent dùng để điều trị bệnh mạch vành, xuất xứ ở một nước nhưng có bệnh viện tính 58 triệu đồng, có nơi chỉ tính chưa đầy 40 triệu. Hay khớp gối nhân tạo, bệnh viện ở Phú Thọ tính 58 triệu đồng nhưng cũng loại này, bệnh viện ở Thanh Hóa tính 38 triệu đồng. Thủy tinh thể cũng vậy, có loại vài triệu, có loại hàng chục triệu đồng.
Lý giải tình trạng có nhiều giá cho một loại vật tư, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương Nguyễn Xuân Hiệp khẳng định đó là điều bình thường bởi trong một đất nước nhưng mỗi hãng sản xuất có tiêu chí chất lượng riêng nên giá thành cũng khác nhau. Do vậy, chỉ có thể so sánh sản phẩm cùng một hãng, cùng lô chứ không thể lấy giá chung cho các sản phẩm trong một nước.
Đồng tình với quan điểm trên, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị y tế và công trình y tế (Bộ Y tế) Phạm Minh Tuấn cho rằng vật tư y tế, vật tư tiêu hao là thứ để cấy vào người bệnh nhân. Do vậy, phía người bệnh và bác sĩ muốn loại tốt, an toàn. Do vậy, không thể vì giá cả mà chọn loại vừa tiền, chất lượng phải chăng. Điều này vô cùng nguy hiểm với sức khỏe bệnh nhân, với uy tín bác sĩ và bệnh viện.
Bảo hiểm xã hội đang xây dựng phương án tổ chức đấu thầu tập trung trong toàn quốc với các nhóm vật tư, trang thiết bị y tế được sử dụng nhiều, có giá trị thanh toán lớn trong bệnh viện như thủy tinh thể, stent, đinh nẹp, ốc vít…
Việc đấu thầu tập trung được kỳ vọng sẽ chọn sản phẩm tốt, giá cả hợp lý, sử dụng đồng đều tại các cơ sở y tế.