Khám bệnh theo yêu cầu: Đừng quá kỳ vọng

GD&TĐ - Khám bệnh theo yêu cầu, nôm na là “khám giáo sư” với mức phí thường cao hơn 3 – 5 lần so với phí khám chữa bệnh thông thường, song nhiều bệnh nhân vẫn chấp nhận bỏ tiền để được khám. 

Khám bệnh theo yêu cầu: Đừng quá kỳ vọng

Một số ít sau khi khám cảm thấy hài lòng, còn phần đông đều cho rằng không có gì khác dịch vụ khám bệnh thông thường, ngoài cái khác là… mức giá.

Nghèo vẫn cố

Thực tế hiện không chỉ có người giàu, người có điều kiện kinh tế chọn giáo sư để khám bởi chưa tin tưởng vào đội ngũ nhân viên y tế nói chung mà ngay cả những người nghèo, người dân ở các vùng nông thôn, miền núi điều kiện kinh tế khó khăn cũng lặn lội xuống Hà Nội để tìm khám cho bằng được vị giáo sư A, B, C nào đó mà mình được giới thiệu.

Anh Đào Mạnh Hùng ở Việt Yên (Bắc Giang) mắc bệnh tim, chữa trị ở bệnh viện tỉnh không có dấu hiệu phục hồi, nghe người quen mách nước ra Hà Nội khám giáo sư ở bệnh viện Tim Hà Nội. Anh bỏ hết công việc lặn lội xuống chờ bằng được để được vị giáo sư ở bệnh viện thăm khám với chi phí khoảng 600.000 đồng một lần (mức khám thông thường chỉ khoảng vài chục ngàn đồng). Tuy nhiên sau khi được diện kiến vị giáo sư nọ, anh Hùng không khỏi cảm giác hụt hẫng vì cũng chỉ là thái độ thăm khám qua loa, hỏi han vài điều rồi sau đó kê một số loại thuốc nhưng dùng mãi cũng chưa thấy đỡ.

Không chỉ có anh Đào Mạnh Hùng mà theo tìm hiểu phóng viên được biết, tại các cơ sở y tế hiện nay số lượng bệnh nhân chọn khám giáo sư luôn đông. Thông thường bệnh nhân muốn được các giáo sư thăm khám phải đặt lịch trước đó nhiều ngày để nhân viên y tế sắp xếp. Cụ thể tại Viện Da liễu Trung ương nếu muốn được khám giáo sư, bệnh nhân phải gọi đến số điện thoại của bệnh viện để đặt lịch. Nếu đến bất chợt thì việc không có phiếu khám phải về tay không khá phổ biến. Được biết chi phí khám giáo sư trong giờ hành chính là 350.000 đồng, với khám ngoài giờ hành chính, chi phí khám là 500.000 đồng. Bệnh viện Bạch Mai cũng xây dựng một khu phòng khám bệnh gồm những giáo sư với chi phí cao hơn nhiều lần so với khám bác sỹ thông thường.

Khi được hỏi vì sao lại lựa chọn khám giáo sư, phần đông người đến khám đều trả lời vì được người quen giới thiệu hoặc vì tin tưởng vào học hàm của người khám, nghĩ giáo sư sẽ giỏi hơn bác sỹ thông thường. Tuy nhiên theo lời nhiều bệnh nhân, dù được giáo sư thăm khám song bản thân bệnh nhân đôi lúc cũng chưa thực sự hài lòng với thái độ của chính những người có thâm niên trong ngành, được xã hội có phần tin tưởng, trọng vọng này.

Đang thiếu sự quản lý?

Từ thực tế cũng cho thấy, không phải có mang danh giáo sư thì trình độ, khả năng chẩn đoán, điều trị bệnh tốt hơn những bác sỹ thông thường. Đôi khi chính những bác sỹ lăn lộn với bệnh nhân nhiều, tiếp xúc với thực tế lại trang bị cho mình nhiều kiến thức, kinh nghiệm, khả năng ứng phó, xử trí với nhiều tình huống bệnh phức tạp.

Bác sỹ Trần Văn Phúc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Xanh Pôn cho rằng không nên có sự phân biệt giữa khám giáo sư và khám thường mà nên phân biệt giữa khám chuyên gia và khám chung. Khám chuyên gia có thể thu tiền cao hơn khám chung, song khám chuyên gia không nhất thiết là giáo sư, tiến sỹ, cứ bác sỹ nào giỏi thì được gọi là chuyên gia. Giáo sư, tiến sỹ nếu có trình độ nên phục vụ cho mục đích nghiên cứu giảng dạy.

Về vấn đề giá khám giáo sư tại một số bệnh viện cao hơn nhiều lần so với giá khám dịch vụ thông thường, theo tìm hiểu phóng viên được biết, hiện Bộ Y tế không có quy định nào về giá khám bệnh của giáo sư mà giá này được đặt ra trên cơ sở bệnh viện tự bàn bạc trên nhu cầu của bệnh nhân. Bộ Y tế chỉ phân giá dịch vụ khám bệnh theo các hạng bệnh viện, không phân biệt giá khám giáo sư hay bác sỹ.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng, khám giáo sư là nguyện vọng chính đáng của bệnh nhân nhưng người dân cũng không nên quá “chạy theo trào lưu” này. Nên đi khám tại các bệnh viện gần nhất, nếu có chỉ định bệnh nặng và nghiêm trọng mới đi khám tại tuyến trên để vừa đỡ mất thời gian, tiền bạc lại tạo cơ hội cho những người bệnh nặng hơn được cứu chữa kịp thời.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết, hiện nay giá khám chữa bệnh tự nguyện có những nơi thu tiền khám giáo sư có thể từ 300 - 400 nghìn/lượt, thậm chí giá giường bệnh nhiều nơi cao ngang khách sạn 5 sao nhưng điều này thực chất không sai bởi tiêu chí xây dựng giá của phòng khám tự nguyện và khám dịch vụ tại bệnh viện công do cơ sở y tế nơi đó xây dựng. Họ có thể căn cứ vào tiêu chuẩn, hướng dẫn chuyên môn, điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng khám chữa bệnh để đưa ra mức giá với bệnh nhân cho phù hợp với thị trường.

Trước thắc mắc về mức giá quá cao cho mỗi lần khám giáo sư, đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, Bộ Y tế đang soạn Thông tư quy định mức giá trần cho loại hình khám dịch vụ cho mỗi bệnh viện. “Tuy nhiên hiện Bộ Y tế mới đang soạn thảo quy định còn cụ thể cũng chưa biết khi nào ban hành”, vị đại diện này nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà ngoại giao Anh bị trục xuất.

Nga trục xuất nhà ngoại giao Anh

GD&TĐ - Một nhân viên Đại sứ quán Anh tại Moscow đã bị coi là mối đe dọa an ninh sau khi bị phát hiện có sự không thống nhất trong giấy tờ của ông.