'Khai tử' sổ hộ khẩu đang 'đổ' khó lên đầu dân

GD&TĐ - Mới đây, Thủ tướng có văn bản yêu cầu kiểm tra thông tin báo chí phản ánh việc bỏ sổ hộ khẩu, đẩy cái khó về phía dân.

Công an hỗ trợ người dân thực hiện cập nhật dữ liệu CCCD sau khi bỏ sổ hộ khẩu giấy.
Công an hỗ trợ người dân thực hiện cập nhật dữ liệu CCCD sau khi bỏ sổ hộ khẩu giấy.

Sau gần 3 tháng sổ hộ khẩu giấy hết “sứ mệnh”, phụ huynh học sinh lại lo giấy xác nhận nơi cư trú (nếu bị yêu cầu), còn trường học cũng đang chờ hướng dẫn trước thềm tuyển sinh năm học 2023 - 2024.

Mua nhà để lo cho con đi học

Anh Nguyễn Văn M trú ở phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, gia đình anh có hộ khẩu tại phường Hoàng Liệt, vừa rồi phải bán nhà và lên quận Cầu Giấy ở nhờ nhà người thân.

Khi anh M đi mua nhà ở quận Nam Từ Liêm, nhưng lúc làm thủ tục mua bán nhà thì các bên liên quan yêu cầu phải về nơi cư trú xin giấy xác nhận. Tuy nhiên, do dân cư đông đúc, anh M phải mất 2 - 3 ngày mới hoàn tất được giấy xác nhận cư trú tại Công an phường Hoàng Liệt, nơi đăng ký hộ khẩu.

“Mặc dù tôi vẫn còn sổ hộ khẩu và làm căn cước công dân gắn chíp, đã được cấp mã số định danh, nhưng khi làm thủ tục mua nhà vẫn phải chạy đi chạy lại rất nhiều lần để xin các loại giấy tờ xác nhận nơi đăng ký thường trú” - anh M nói.

Không chỉ có mua bán nhà phải xin xác nhận nơi đăng ký nhân khẩu, hộ khẩu, anh M còn vướng những thứ rườm rà khác khi sổ hộ khẩu bị “khai tử”. Hai con của anh đang theo học tại Trường liên cấp Newton. Gia đình mong muốn xin về trường công lập cũng phải chạy khắp nơi xin giấy xác nhận từ nơi đăng ký hộ khẩu.

“Hai con của tôi đều được cấp mã số định danh, nhưng khi làm thủ tục chuyển trường thì phải lo đủ các loại giấy tờ. Ngày trước khi sổ hộ khẩu còn hiệu lực sử dụng, tôi chỉ cần mang sổ hộ khẩu đi phô-tô công chứng là làm được thủ tục xin học. Như vậy việc xin chuyển trường cho con năm học 2023 - 2024 tới đây khó được thực hiện...”, anh Nguyễn Văn M nói.

Còn chị Nguyễn Thị H (tạm trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, để xin học cho con vào trường công lập vợ chồng anh chị gom tiền mua nhà nhằm đăng ký hộ khẩu trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm.

Anh chị đã mượn sổ đỏ của bố mẹ ở quê để thế chấp vay vốn tại ngân hàng thương mại, nhưng nhiều đơn vị lại yêu cầu các thủ tục hành chính, trong đó có xác nhận cư trú thay vì mang sổ hộ khẩu như trước đây.

“Họ yêu cầu căn cước công dân hai vợ chồng, đăng ký kết hôn, hợp đồng lao động, sao kê bảng lương, ảnh chụp sổ đỏ đầy đủ, xác nhận tại địa phương thông tin sổ đỏ về mục đích sử dụng, xác nhận thông tin thành viên của hộ gia đình thời điểm cấp sổ...”, chị H cho biết về những thủ tục hành chính để vay vốn.

Trong đó, điều khiến chị H lo lắng nhiều hơn cả đó là xác nhận thông tin thành viên của hộ gia đình thời điểm cấp sổ chính là việc xác nhận cư trú, bởi sổ hộ khẩu giấy đã không còn hiệu lực.

“Với những thủ tục hành chính như trên rất khó để người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn trong khi nhà chưa mua được. Việc làm khẩu cho gia đình để xin học cho con tới đây (năm học 2023 - 2023) sẽ rất vất vả...”, chị H bày tỏ.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, nếu tuyển sinh phải xin xác nhận cư trú thì rõ ràng việc này sẽ gây phiền hà cho phụ huynh trong việc đi lại. “Những năm học trước, phụ huynh học sinh chỉ cần phô-tô sổ hộ khẩu giấy cho vào hồ sơ đăng ký tuyển sinh…”, bà Nguyễn Thanh Hà nói.

Bà Hà cũng bày tỏ, không phải ai ra phường cũng xin xác nhận cư trú được ngay bởi còn phải phụ thuộc vào số lượng, cán bộ công an tiếp nhận cũng như thời gian giải quyết công việc này.

“Có rất nhiều trường hợp người dân sống lâu ở trên địa bàn phường nhưng chưa làm mã số định danh điện tử hoặc khai báo tạm trú… sẽ không có dữ liệu dân cư. Qua đó, khó cho lực lượng chức năng và nhà trường trong việc xác nhận liên quan đến tuyển sinh…”, bà Hà nêu.

Hiệu trưởng Trường THCS Thăng Long cũng cho biết, nhà trường đang chờ hướng dẫn tuyển sinh từ phía Sở GD&ĐT cũng như Phòng GD&ĐT quận Ba Đình.

Không đẩy cái khó về phía dân

Trước những lo lắng của phụ huynh học sinh, bà Nguyễn Thị Hà, đại biểu Quốc hội khóa XV cho biết, trước tiên là đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc hoàn thành mã định danh cá nhân học sinh mức độ 1, mức độ 2.

Sau khi phụ huynh học sinh đăng ký tuyển sinh, nhà trường cùng công an cấp xã, phường, thị trấn rà soát, đảm bảo học sinh độ tuổi đăng ký nhập học (vào lớp 1, lớp 6 năm học 2022 - 2023) sử dụng tài khoản định danh điện tử.

Theo đại biểu Hà, cơ sở giáo dục kết hợp với công an địa phương trích xuất thông tin dữ liệu cư dân, dữ liệu học sinh để xác thực thông tin hồ sơ học sinh đăng ký tuyển sinh.

Bên cạnh đó, các nhà trường hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến để phụ huynh, học sinh cập nhật thông tin, chụp các dữ liệu cá nhân gửi vào hệ thống tuyển sinh online của nhà trường.

“Trong trường hợp khi triển khai tuyển sinh gặp khó khăn thì nhà trường đồng hành cùng phụ huynh học sinh, chính quyền địa phương tháo gỡ các thủ tục hành chính như xác nhận cư trú khi không còn sổ hộ khẩu giấy...”, đại biểu Hà nêu giải pháp.

Đại biểu Hà cũng cho biết, với tuyển sinh đầu cấp (lớp 1, lớp 6) cơ quan quản lý Nhà nước có thể xem xét có cần phải có quy định giấy xác nhận cư trú không trong khi trên dữ liệu dân cư trên Cổng dịch vụ công Quốc gia đã có.

“Vì vậy, cơ sở giáo dục phối hợp với công an địa phương sẽ trích xuất được dữ liệu dân cư và thông tin của học sinh thay vì giấy xác nhận cư trú (nếu yêu cầu)...”, đại biểu Hà chia sẻ.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu kiểm tra thông tin báo chí phản ánh việc bỏ sổ hộ khẩu, đẩy cái khó về phía dân. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Công an kiểm tra lại việc này, đề xuất các giải pháp xử lý, tháo gỡ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ký ban hành Chỉ thị số 05 về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06. Trong đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không yêu cầu người dân phải xuất trình, nộp sổ hộ khẩu theo quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện ứng dụng VNeID, phấn đấu đến tháng 6/2023 cấp được 40 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ