Khai thác thế mạnh du lịch làng nghề

GD&TĐ - Bên cạnh việc phát triển du lịch gắn kết với các di sản, thì hiện nay xu hướng liên kết với các làng nghề để thực hiện các tour du lịch cũng được nhiều địa phương tích cực áp dụng. 

Khai thác thế mạnh du lịch làng nghề

Điều này không những giúp các địa phương quảng bá được nét độc đáo riêng mà còn mang đến cho du khách những khẩu vị du lịch phong phú.

Nắm bắt thị hiếu du khách

Hiện nay, bên cạnh việc sử dụng dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng và thưởng ngoạn cảnh sắc, nhiều khách du lịch rất thích thú được khám phá trải nghiệm văn hóa và cuộc sống của người dân bản địa. Nắm bắt thị hiếu này của khách du lịch rất nhiều công ty du lịch hiện nay đã liên kết với các địa phương để tạo cho du khách những cảm nhận thú vị khi khám phá các làng nghề truyền thống.

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện nay trên cả nước có khoảng hơn 3.000 làng nghề thủ công, chia làm 11 nhóm nghề chính là: Sơn mài, gốm sứ, thêu ren, mây tre đan, cói, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đá, kim khí được phân bố trên khắp các miền đất nước. Theo PGS.TS Phạm Trung Lương (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch làng nghề) thì làng nghề truyền thống được xem là một dạng tài nguyên du lịch nhân văn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi các sản phẩm du lịch làng nghề luôn bao gồm trong nó cả nội dung giá trị vật thể và phi vật thể.

Ở miền Bắc, các làng nghề nổi tiếng khá nhiều như làng gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, gỗ Đồng Kỵ, gỗ Vân Hà, thêu Quất Động, chế tác bạc ở Đồng Xâm… Tuy nhiên, trên thực tế việc các tour du lịch liên kết với các làng nghề để du khách tới tham quan và tham gia mua sắm các sản phẩm truyền thống còn hạn chế. Dường như chỉ có làng nghề Vạn Phúc là thu hút được nhiều khách tới tham quan và mua sắm hơn cả.

Đặc biệt là khách quốc tế thường rất thích thú khi được đưa tới đây trong các tour du lịch tại Hà Nội. Chị Thu Nga, một Việt kiều tại Hungary chia sẻ: Một hai năm về nước một lần, nhưng lần nào cũng vậy sau khi thăm thú tại quê hương chị đều tìm đến làng lụa Vạn Phúc.

Ở đây, chị được trực tiếp tham quan các xưởng dệt, được chiêm ngưỡng những tác phẩm độc đáo của những người thợ khéo léo. Tự tay chị chọn lựa những món quà xinh xắn mà ý nghĩa cho những người bạn của mình.

Theo chị Nga, các tour du lịch ở Việt Nam nên thiết kế nhiều hơn nữa với mô hình du lịch làng nghề. Vì như vậy, Việt Nam không những giới thiệu được những nét văn hóa độc đáo mà còn kết hợp bán các sản phẩm tại các làng nghề cho khách du lịch.

Cần làm mới hình thức du lịch

Tham gia nhiều tour du lịch trong nước, nhiều du khách đều đưa ra nhận xét: Các tỉnh miền Trung và miền Nam tổ chức khá tốt việc kết hợp du lịch tìm hiểu về làng nghề với với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng và khám phá. Tham gia các tour du lịch tại Đà Nẵng, khách du lịch thường được đưa tới làng nghề chế tác đá truyền thống Non nước.

Tại đây, du khách được trực tiếp trò chuyện, quan sát những người thợ làng nghề để tìm hiểu về công việc chạm khắc trên đá để tạo nên những sản phẩm cầu kỳ, tinh xảo. Hay đến với các tỉnh miền Tây du khách sẽ được tham quan các làng nghề truyền thống của vùng sông nước.

Bên cạnh việc khám phá cuộc sống của người dân nơi đây, khách du lịch còn được tìm hiểu về nghề làm kẹo dừa, nghề nuôi ong và nghề làm hủ tiếu. Thậm chí khách còn tự tay được trải nghiệm với những nghề thủ công đơn giản như làm bánh tráng, hủ tiếu…

Sức hấp dẫn riêng của mô hình du lịch làng nghề là du khách vừa được ngắm nhìn phong cảnh yên bình của làng quê Việt, vừa được tìm hiểu lịch sử làng nghề truyền thống, quy trình sản xuất, thậm chí được tham gia vào một khâu nào đó trong quá trình tạo ra sản phẩm. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch tại các làng nghề ở Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Ngay tại Hà Nội, Bát Tràng là làng nghề lâu đời và khá độc đáo, song việc tổ chức tham quan tại đây cũng chưa thực sự thường xuyên. Thực tế các tour du lịch làng nghề chưa nhiều, chưa ổn định, cách hướng dẫn du khách tiếp cận với nghề truyền thống cũng chưa chuyên nghiệp và hấp dẫn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng tour và cảm nhận của du khách khi đến thăm làng nghề.

Không chỉ giải quyết vấn đề việc làm cho người dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội mà du lịch làng nghề còn lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo, đặc trưng và cách sáng tạo sản phẩm thủ công của mỗi vùng, mỗi địa phương.

Bởi mỗi làng nghề đều chứa đựng bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự đa dạng và thống nhất của văn hóa Việt. Du lịch làng nghề cũng là cách mang lại lợi ích kinh tế, khôi phục phát triển làng nghề cũng như giới thiệu sinh động về phong cảnh và con người của mỗi vùng, miền, địa phương tới du khách trong và ngoài nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.