Khai thác hiệu quả sách giáo khoa trong dạy học

GD&TĐ - Thầy Nguyễn Ngọc Khiêm, Trường THCS Thân Nhân Trung (Việt Yên, Bắc Giang) chia sẻ kinh nghiệm khai thác sách giáo khoa hiệu quả trong dạy học.

Học sinh Trường THCS Thân Nhân Trung (Việt Yên, Bắc Giang).
Học sinh Trường THCS Thân Nhân Trung (Việt Yên, Bắc Giang).

Khai thác sách giáo khoa trong giảng dạy

Là giáo viên dạy Khoa học tự nhiên, thầy Nguyễn Ngọc Khiêm, Trường THCS Thân Nhân Trung (Việt Yên, Bắc Giang) cho rằng: để khai thác, sử dụng hiệu quả sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018, giáo viên cần xác định được mục tiêu bài học, từ đó đi sâu vào kiến thức cơ bản; căn cứ vào nội dung của từng phần bài học để lựa chọn phù hợp; dựa vào bài trong sách giáo khoa để xác định cấu trúc nội dung bài giảng.

Khi nghiên cứu bài trong sách giáo khoa, giáo viên căn cứ vào các ý trong nội dung để xây dựng cấu trúc bài giảng giúp học sinh nắm vững kiến thức cơ bản, dễ học và dễ nhớ.

Muốn vậy, với các bài quá dài, không thể tách thành các mục nhỏ, để giúp học sinh dễ theo dõi, nắm vững kiến thức, giáo viên tách nhỏ các ý, tìm các tiêu đề sát hợp trên cơ sở hệ thống kiến thức cơ bản của sách giáo khoa.

Nếu cấu trúc trong nội dung bài viết của sách giáo khoa có nhiều điểm chưa thật hợp lý, giáo viên có thể thay đổi, gộp lại, thêm hoặc bớt các mục nhỏ (tùy theo sự sáng tạo của mình). Giáo viên đồng thời sử dụng kênh hình trong sách giáo khoa và những đồ dùng trực quan trong dạy học.

Sử dụng hệ thống câu hỏi trong sách giáo khoa, giáo viên căn cứ vào vị trí, nội dung câu hỏi, mục đích đặt câu hỏi để hướng dẫn học sinh trả lời. Các câu hỏi trong sách giáo khoa chủ yếu yêu cầu học sinh nắm vững những vấn đề cụ thể, giúp học sinh hiểu từng phần ở trong bài. Giáo viên có thể sử dụng câu hỏi trong sách giáo khoa làm câu hỏi gợi mở trong quá trình tiến hành bài học; giúp học sinh tìm được những ý cần thiết để trả lời vấn đề đặt ra ở đầu bài học.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa

Sách giáo khoa là tài liệu cơ bản để tự học tập. Vì vậy, sử dụng hiệu quả sách giáo khoa trong học tập trên lớp và ở nhà với học sinh là rất cần thiết. Chia sẻ kinh nghiệm hướng dẫn học sinh biết cách sử dụng sách giáo khoa trong học tập bộ môn, thầy Nguyễn Ngọc Khiêm đề cập đến việc sử dụng sách giáo khoa trong giờ học, trong học tập ở nhà để học bài cũ và chuẩn bị bài mới.

Với giờ học trên lớp, giáo viên cần yêu cầu học sinh chăm chú nghe giảng, tích cực suy nghĩ tìm ra câu trả lời cho câu hỏi mà giáo viên đặt ra, nắm vững nội dung chính và ghi theo ý hiểu của mình vào vở ghi.

Thầy cô cũng cần rèn luyện cho học sinh thao tác nhanh nhẹn khi sử dụng sách giáo khoa trong các trường hợp:

Nghiên cứu sách giáo khoa để trao đổi, thảo luận trong nhóm nhằm giải quyết vấn đề mà giáo viên đặt ra;

Quan sát kênh hình trong sách, đi theo gợi ý của giáo viên để tìm ra nội dung chính trong kênh hình;

Nghiên cứu các đoạn trích dẫn trong sách theo gợi ý của giáo viên để hiểu nội dung của đoạn trích;

Tự đọc các đoạn có nội dung ít phức tạp trong sách, theo hướng dẫn của giáo viên để rút ra kiến thức.

Giáo viên hướng dẫn học sinh hiểu sự thống nhất giữa bài giảng và nội dung của sách giáo khoa; điều này tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tự học ở nhà. Cùng với đó, hướng dẫn học sinh nắm vững các mối liên hệ giữa các phần, các chương trong sách giáo khoa để giúp các em thấy được tính hệ thống của kiến thức.

Với sử dụng sách giáo khoa trong học tập ở nhà để học bài cũ và chuẩn bị bài mới, thầy Nguyễn Ngọc Khiêm cho rằng, giáo viên cần hướng dẫn học sinh biết học bài cũ trên cơ sở nắm vững nội dung sách giáo khoa và vở ghi để nắm vững nội dung cơ bản trong sách, hiểu rõ những điều phân tích, bổ sung làm sâu sắc hơn kiến thức trong sách của giáo viên.

Học sinh biết tự trả lời các câu hỏi, làm được bài tập trong sách giáo khoa. Để rèn luyện cho học sinh kỹ năng này, giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện: xác định yêu cầu câu hỏi (bài tập), xác định nội dung câu trả lời có trong sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, dự kiến câu trả lời dưới dạng dàn ý, tái hiện lại kiến thức và lập đề cương, viết chi tiết câu trả lời và tự trình bày vấn đề.

Học sinh cũng cần đọc trước sách giáo khoa bài tiếp theo để chuẩn bị cho bài mới (đọc và ghi tóm tắt bài viết trong sách giáo khoa, ghi những nội dung khó hiểu, các thuật ngữ và khái niệm khó...),

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ