Khai thác giá trị địa tô từ dự án đường vành đai

GD&TĐ - Tranh luận tại hội trường sáng 10/6, đại biểu Quốc hội cho rằng, cần khai thác giá trị địa tô từ dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh tranh luận tại hội trường.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh tranh luận tại hội trường.

Tránh tình trạng “xôi đỗ” và không đồng nhất

Phát biểu tranh luận tại hội trường – sáng 10/6, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, việc cho phép Thủ tướng quyết định chỉ định thầu, về mặt pháp lý, quyền này vẫn thuộc về Thủ tướng, Thủ tướng có thể ủy quyền theo nhu cầu cụ thể. Nếu có vấn đề phát sinh thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành cũng phải có chế độ báo cáo về việc thực hiện như thế nào.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhận thấy, điều này không có nghĩa là giao việc này cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành. Thứ nữa, chưa chắc Chủ tịch UBND tỉnh thành mặn mà, do đó, sẽ có xu hướng giao hết cho Thủ tướng. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu vấn đề này để hiểu tình trạng hiện nay và thúc đẩy, cải thiện quá trình này.

Liên quan đến vấn đề khai thác quỹ đất hai bên đường cao tốc, qua khảo sát ở nước ta và nhiều nước khác, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu dẫn chứng về việc khai thác quy đất hai bên đường cao tốc không đúng sẽ gây mất an toàn, ô nhiễm tiếng ồn.

Nhiều quốc gia phải xây bức tường trên đường cao tốc để ngăn cách với các khu dân cư. Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị, việc khai thác quỹ đất xung quanh hai bên đường cao tốc cần phải nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, học tập các nước.

“Thông thường các nước làm những đường thoát vào trong đó mấy trăm mét thì mới có một khu siêu thị, khu dân cư, còn các đường cao tốc thì chỉ cho phép các trạm xăng, các điểm dừng chân, ăn uống nhẹ, chứ không cho phép các khu dân cư mở để cắm vào con đường cao tốc như cách chúng ta làm hiện tại.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Đại biểu Nguyễn Văn Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Phát biểu tranh luận với đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Nguyễn Văn Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh là 2 công trình “để đời cho con cháu” cần giao Thủ tướng Chính phủ “cầm trịch”, nếu giao cho các địa phương sẽ dễ dẫn tới tình trạng “xôi đỗ” và không đồng nhất; đồng thời cũng nên dành nguồn vốn thích đáng cho hai dự án này, trong đó phải tìm đơn vị thiết kế có tiếng trên thế giới để thiết kế và tư vấn.

Theo đại biểu, làm được hai khâu này, phần thi công sẽ đỡ hơn rất nhiều. Đại biểu Nguyễn Văn Thân cũng cho rằng, không cần quá vội vàng triển khai và hoàn thành dự án, có thể kéo dài nếu cần để nghiên cứu kỹ tổng thể dự án, công tác giải phóng mặt bằng, công tác thiết kế và tư vấn.

Bên cạnh đó, khi giao cho các nhà đầu tư cần cân nhắc đến các doanh nghiệp tư nhân. Thực tế đã chứng minh nhiều doanh nghiệp tư nhân làm rất tốt, bởi nếu chúng ta có thiết kế và tư vấn tốt sẽ có cơ chế kiểm tra, kiểm soát, nhưng cũng không kiểm tra, kiểm soát quá nhiều các đơn vị có điều kiện thời gian triển khai dự án.

Thu chênh lệch địa tô

Tranh luận với đại biểu Lê Hoài Trung- Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế về việc cần có sự tham gia của các cơ quan bảo vệ pháp luật như: công an, thanh tra, kiểm toán, vào quá trình xây dựng và triển khai Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng, Nhà nước được tổ chức trên nguyên tắc có phân công kiểm soát quyền lực trên cơ sở phân định rạch ròi chức năng, nhiệm vụ của mỗi loại cơ quan.

Việc tổ chức xây dựng các dự án đó là cơ quan hành chính nhà nước; trong đó có phân ra các cơ quan kiểm tra, kiểm soát nội bộ, đó là thanh tra, điều tra. Nếu như mỗi lần làm dự án lại đưa cả các cơ quan công an, thanh tra, kiểm toán vào sẽ trái với nguyên lý tổ chức vận hành của bộ máy Nhà nước và chúng ta sẽ không khắc phục được tình trạng vi phạm pháp luật.

Toàn cảnh phiên làm việc sáng 10/6
Toàn cảnh phiên làm việc sáng 10/6

Ngoài ra, đại biểu cũng trao đổi với ý kiến của đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, cần phải xây dựng các dự án đô thị, các khu công nghiệp trên tuyến kết nối dự án đường vành đai 3 và vành đai 4, đại biểu Lê Thanh Vân đồng tình và cho rằng: đến lúc phải nhận thức về hiệu quả của đầu tư công không chỉ là về giao thông, đằng sau đó là địa tô chênh lệch do Nhà nước tạo ra từ hoạt động đầu tư công.

Đại biểu khẳng định, lâu nay chúng ta không đánh giá vấn đề này, nên mất đi một nguồn lực quan trọng đó là thu được chênh lệch địa tô từ tác động kinh tế của dự án.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần song hành với việc triển khai dự án và xây dựng các dự án liên kết để khai thác quỹ đất ở hành lang của các dự án giao thông này. Đặc biệt là khu công nghiệp, khu đô thị và những khu vực đất cho thuê để khai thác giá trị địa tô để thu về cho ngân sách bù đắp cho chi phí làm đường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.