Khai thác cát sỏi tại tỉnh Hoà Bình: Mật độ bến bãi dày, mất an ninh trật tự

GD&TĐ - Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận về việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác cát sỏi tại tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2011-2018.

Xuất hiện tình trạng mất an ninh trật tự tại các dự án khai thác cát trên địa bàn tình Hoà Bình từ 2011-2018. Ảnh minh hoạ.
Xuất hiện tình trạng mất an ninh trật tự tại các dự án khai thác cát trên địa bàn tình Hoà Bình từ 2011-2018. Ảnh minh hoạ.

Tồn tại không ít hạn chế, vi phạm

Theo Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Hòa Bình đã có nhiều nỗ lực trong công tác chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản phục vụ công tác quản lý hoạt động khai thác cát trên địa bàn, đã tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra, song vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, vi phạm.

Theo đó, về công tác quản lý nhà nước, sau khi cấp phép, các điểm mỏ khai thác cát đều xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, người dân tập trung đông người khiếu kiện, có nguyên nhân là do xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp được cấp phép và các cá nhân khai thác cát trái phép.

Việc này dẫn đến một số điểm mỏ sau khi được cấp phép không thể khai thác được hoặc khai thác cầm chừng, như tại các dự án của Công ty TNHH Xây dựng Hùng Yến, Công ty Cổ phần khai khoáng Sahara.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự hiệu quả, việc phối hợp giữa các ngành, các lực lượng của các tỉnh trong việc ngăn chặn, xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép có lúc còn chưa chặt chẽ nên hoạt động khai thác cát trái phép vẫn còn diễn ra.

“Các đối tượng khai thác cát sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để khai thác trái phép, đối phó với cơ quan chức năng, nhiều tàu thuyền nổi trên sông, chủ một số bến bãi trên địa bàn tỉnh tranh thủ lợi dụng khai thác trái phép vào ban đêm, khai thác tại các khu vực giáp ranh. Ngoài ra, việc xử lý vi phạm nhiều thời điểm còn chưa triệt để, dứt khoát; sự phối hợp giữa cơ quan chức năng, cơ quan hành chính với cơ quan công an, cơ quan quản lý đường sông còn chưa tốt”, Thanh tra Chính phủ kết luận.

Bên cạnh đó, việc di dời các bến bãi khu vực TP. Hòa Bình hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, do việc cho thuê đất đối với các DN kinh doanh tập kết vật liệu xây dựng đã được thực hiện từ lâu, vì vậy, khi triển khai giải tỏa các DN thường chây ì, không hợp tác, không di dời do chưa bố trí được vị trí thích hợp để các doanh nghiệp chuyển đến, chưa rõ chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với các bến bãi phải di dời.

"Trách nhiệm thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở ngành liên quan, UBND TP Hòa Bình, trách nhiệm chung thuộc về UBND tỉnh Hòa Bình", Thanh tra Chính phủ kết luận.

Mất an ninh trật tự tại các dự án khai thác cát

Tại dự án khai thác cát của Công ty Cổ phần khai khoáng Sahara, quá trình khai thác xảy ra xung đột với đối tượng khai thác cát trái phép, ảnh hưởng việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội khu vực khai thác, đã bị tỉnh yêu cầu tạm dừng khai thác để khắc phục từ năm 2017. Đến nay, công ty đã khắc phục xong nhưng chưa được UBND tỉnh Hòa Bình cho phép hoạt động khai thác trở lại.

Tại dự án khai thác cát của Công ty TNHH Xây dựng Hùng Yến, quá trình khai thác cũng xảy ra xung đột như trên, gây ảnh hưởng an ninh trật tự trên địa bàn. Tại thời điểm thanh tra, công ty không xuất trình được các biên bản cắm mốc giới của mỏ, không có báo cáo quan trắc định kỳ hàng năm của các năm 2016, 2017.

Dự án khai thác cát của Công ty TNHH XDTM Xuân Thành, công ty này còn nợ 87 triệu đồng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của năm 2018.

“Trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư các dự án. Trách nhiệm liên quan thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường. Trách nhiệm chung thuộc UBND tỉnh Hoà Bình”, kết luận Thanh tra Chính phủ nêu.

Theo Thanh tra Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Hoà Bình có 20 bến bãi tập kết vật liệu xây dựng, trong đó chủ yếu tại TP. Hoà Bình với mật độ bến bãi quá dày so với nhu cầu cung cấp cát tại địa phương tiềm ẩn cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh cát, gây nhiều khó khăn trong kiểm soát nguồn gốc cát tại các bến bãi và công tác quản lý của cơ quan chức năng.

Về việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý đê điều, Thanh tra Chính phủ kết luận trong số 20 bến bãi, chỉ có 7 bến bãi liên quan đến hoạt động đê điều. Trong đó, có 1 bến đã được cấp giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ đê điều, 6 bãi chưa được cấp giấy phép…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.