Khai phá các giải pháp quản lý tài sản kỹ thuật bền vững

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hội nghị quốc tế về Quản lý tài sản kỹ thuật (WCEAM) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam đã thu hút hơn 100 người tham dự.

Với chủ đề “Quản lý tài sản kỹ thuật bền vững trong thế giới hậu COVID: Công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, Thời đại 5.0 và các chủ đề khác”, hội nghị lần thứ 17 được tổ chức bởi Đại học RMIT Việt Nam, Hiệp hội Quản lý tài sản kỹ thuật quốc tế (ISEAM) và Viện Tài sản.

Giáo sư Ray Kirby, Trưởng khoa Kỹ thuật Đại học RMIT đồng thời là Chủ tịch hội nghị, cho biết: “WCEAM là một phần trong cam kết không ngừng của Đại học RMIT trong việc hỗ trợ thực hiện các mục tiêu kinh tế và xã hội của Việt Nam. Hội nghị tập hợp các cộng đồng doanh nghiệp và đối tác học thuật để thảo luận về những công nghệ mới nổi nhằm xem xét các ứng dụng của công nghiệp 4.0 trên nhiều lĩnh vực”.

Theo chuyên gia kỹ thuật, Giáo sư danh dự Joe Amadi-Echendu của Đại học Pretoria đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Hiệp hội Quản lý tài sản kỹ thuật quốc tế, tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu và căng thẳng địa chính trị hiện đang là những thách thức nghiêm trọng đối với nền văn minh nhân loại.

“Trong một thế giới đang đô thị hóa nhanh chóng và kết nối toàn cầu, nơi nhân loại trở nên thiếu kiên nhẫn, luôn muốn thỏa mãn nhu cầu ngay tức thời, cần phải không ngừng điều chỉnh, tái sử dụng và đổi mới cơ sở hạ tầng để hỗ trợ và thúc đẩy tính toàn diện và công bằng xã hội và kinh tế. Chúng ta phải thực hiện các bước cần thiết để giảm thiểu căng thẳng ở cấp địa phương, vùng lãnh thổ và địa chính trị, cũng như giảm thiểu những tác động không bền vững trong hành vi con người đối với môi trường tự nhiên và sinh thái", ông nói.

Giáo sư Ray Kirby và Giáo sư Joe Amadi-Echendu phát biểu chào mừng tại Lễ khai mạc.
Giáo sư Ray Kirby và Giáo sư Joe Amadi-Echendu phát biểu chào mừng tại Lễ khai mạc.

Tiến sĩ Đinh Ngọc Minh, Chủ nhiệm bộ môn Trí tuệ nhân tạo, Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ, RMIT Việt Nam, cho biết hội nghị đã diễn ra thành công tốt đẹp, thu hút người tham gia từ 23 quốc gia khác nhau, với ba bài thuyết trình, hai hội thảo chuyên ngành và 66 nghiên cứu kỹ thuật.

Các bài thuyết trình của diễn giả khách mời đã khơi gợi thảo luận về quản lý tài sản kỹ thuật, tập trung cụ thể vào bối cảnh Việt Nam. Trong phần trình bày của mình, ông Alan Johnston, Chủ tịch Mimosa, đã chỉ ra rằng mặc dù có tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng vật chất và kỹ thuật số trong khu vực công và tư nhân. Ông nhấn mạnh vào sự lệ thuộc ngày càng tăng của các lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng ở các quốc gia tiên tiến và rủi ro trong các lĩnh vực này có thể tác động lẫn nhau như thế nào.

WCEAM lần thứ 17 đã diễn ra với nhiều hội thảo và toạ đàm chuyên ngành.
WCEAM lần thứ 17 đã diễn ra với nhiều hội thảo và toạ đàm chuyên ngành.

Ông Johnston ủng hộ các phương pháp tiếp cận như quản lý vòng đời tài sản, hệ thống của hệ thống (systems of systems) và tương tác dựa trên tiêu chuẩn để giải quyết những rủi ro này và tạo ra cơ sở hạ tầng thông minh và linh hoạt. Ông khuyến khích thảo luận về cách làm thế nào Việt Nam và các bên liên quan có thể điều chỉnh chiến lược cho phù hợp với bối cảnh đặc thù của đất nước, giúp thích ứng linh hoạt với những công nghệ mới nổi và tình hình liên tục thay đổi.

Trong bài phát biểu của mình, Giáo sư Sujeeva Setunge đến từ Đại học RMIT, đã đề cập đến vấn đề quan trọng là tối ưu hóa và quản lý bền vững các hệ thống cơ sở hạ tầng dân dụng, do chúng đóng góp tới gần 70% lượng phát thải khí nhà kính. Bà nhấn mạnh đến việc cần thiết phải tiếp cận đa ngành, tích hợp hiệu suất của tài sản kỹ thuật với tính bền vững và mức độ phục vụ cộng đồng.

Ông Alan T. Johnston, Chủ tịch Mimosa (trái), và Giáo sư Sujeeva Setunge, Đại học RMIT (phải).
Ông Alan T. Johnston, Chủ tịch Mimosa (trái), và Giáo sư Sujeeva Setunge, Đại học RMIT (phải).

Giáo sư Setunge đã chia sẻ những tiến bộ đạt được trong thập kỷ qua trong việc dự đoán tình trạng xuống cấp cơ sở vật chất và nhận thức về các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng xuống cấp này. Bà nhấn mạnh tiềm năng của các công nghệ mới nổi như cảm biến, hình ảnh hóa, trí tuệ nhân tạo và học máy để chuyển đổi số việc quản lý cơ sở hạ tầng.

Bà cũng giới thiệu giải pháp của RMIT, bao gồm các thuật toán dự đoán tình trạng xuống cấp được hơn 4.000 cơ sở đưa vào sử dụng. Thuật toán tạo ra bản sao kỹ thuật số cho các hệ thống cơ sở hạ tầng dân dụng, có khả năng theo dõi trực tiếp và lập mô hình do AI điều khiển, tạo điều kiện thuận lợi cho các quyết định sáng suốt về kinh tế tuần hoàn, tính bền vững, khả năng phục hồi sau thiên tai và chi phí vòng đời vừa tích hợp dịch vụ cộng đồng.

Gian hàng triển lãm tại WCEAM
Gian hàng triển lãm tại WCEAM

Một trong những điểm nổi bật của hội nghị là việc ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, đã nhận được giải thưởng Thành tựu xuất sắc của ISEAM vì những đóng góp cho Ericsson và Việt Nam trong việc phát triển cơ sở hạ tầng 5G. Giáo sư Joe Amadi-Echendu cũng nhận được giải thưởng Thành tựu trọn đời qua những cống hiến và nỗ lực đặc biệt nhằm thúc đẩy lĩnh vực quản lý tài sản kỹ thuật.

Tiến sĩ Kofi Smith, Giám đốc điều hành Keystone Management và là một trong những người tham dự, chia sẻ: “Hội nghị WCEAM 2023 tại Việt Nam thật tuyệt vời! WCEAM đã mang lại các giải pháp và ý tưởng mang tính đột phá mới nhất về quản lý tài sản kỹ thuật”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ