Khai mạc triển lãm |
Cả 5 người giống nhau ở niềm đam mê với thứ nghệ thuật “nặng nhọc”, tốn kém và khá “lép vế” này; Còn sự khác nhau? Không chỉ là tuổi tác mà chính là phong cách riêng của mỗi người, thể hiện rõ nét trong triển lãm với không gian nhỏ, không ồn ào này.
Lê Thị Hiền vẫn với những khối hình tam giác có màu mà chị đã theo đuổi vài năm trở lại đây nhưng ý tưởng thay đổi của chị, như chị bộc bạch, đó là từ ca khúc sang nhạc không lời, là sự thay đổi tư duy từ điêu khắc tĩnh sang điêu khắc động với việc thay đổi cách sắp đặt 12 khối hình giống hệt nhau vào mỗi ngày, mở ra không gian khoáng đạt cho sự cảm nhận của khán giả, thậm chí tạo cơ hội cho khán giả đồng sáng tạo với tác giả. Chị muốn thể hiện sức mạnh của khối trong không gian mà không phụ thuộc vào việc nó chiếm dụng không gian nhiều hay ít.
Mai Thu Vân từng nhiều lần triển lãm chung với Lê Thị Hiền và họ đứng cạnh nhau như cuộc sống vốn phải như vậy. Trong triển lãm này, Mai Thu Vân “khiêm tốn” với 1 tác phẩm duy nhất là bức bình phong gò đồng liên hoàn 6 phần, với đề tài quen thuộc của chị: thân phận đàn bà. Tuy nhiên, do chưa đủ thời gian để hoàn chỉnh cả hai mặt âm dương nên bức bình phong mới hiện diện như một phù điêu. Và đây là lời tác giả: “Tôi kể ra đây cau chuyện chung của người đàn bà: sinh ra, lớn lên, mơ mộng, yêu thương, thăng hoa, đau đớn, vật vã, chao đảo, suy sụp, cô đơn, bình thản, vô cực. Tất cả là cuộc đời. Và cuộc đời”.
Vừa bước chân vào phòng triển lãm là khán giả diện kiến ngay với Trần Trọng Tri bằng những thử nghiệm mới của tác giả có ít nhiều tính chất triết lý cho một không gian điêu khắc sử dụng các những sự đối lập (những sợi vải mềm mại được kéo căng, tương tác nhưng cũng dễ đứt gẫy; chiếc gối bông và khối gang hình con mắt trong tác phẩm “Bóng đè”; chiếc bánh mỳ màu vàng rộm và màu đen xỉn trong tác phẩm “Dành cho lý trí”…). Như anh nói: Các chất liệu tự chúng có những phẩm chất tự thân, khi chúng được kết hợp lại hay đặt trong một bối cảnh hay hình thức chủ quan thì chúng có khả năng biểu cảm và chuyển tải thông tin trực tiếp, mạnh mẽ”.
Tác phẩm trưng bày tại triển lãm |
Những hình người trong tác phẩm sắt hàn của Khổng Đỗ Tuyền có vẻ như đối lập với người đàn bà của Mai Thu Vân. Nó vừa xù xì vừa nhẵn bóng, vừa cụ thể lại vừa trừu tượng, có âm lại có dương. Như anh nói, chủ đề chỉ là cái cớ mong manh để dẫn dắt cho ý tưởng, còn niềm say mê của anh chính là sự cảm nhận về khối chất liệu biểu hiện sự tương phản. Đó không còn là những suy tư chung chung về kiếp người mà là những câu chuyện rất cụ thể về những mối quan hệ ràng buộc của con người trong gia đình và xã hội.
Lê Lạng Lương “nhất thể hoá” các tác phẩm của mình bằng những hình bù nhìn giấy mang theo linh hồn và khát khao mong muốn vật chất là con tôm con cá sẽ biến thành xe hơi, thành ngôi nhà vừa hài vừa bi, có phần méo mó, quay cuồng trong những đổi thay của thời cuộc. Khán giả như bị dẫn dắt vào mối liên tưởng giữa những cánh đồng và công cuộc đô thị hoá, công nghiệp hoá mà những bù nhìn kia là chứng nhân.
Điêu khắc gia, nhà giáo Lê Thị Hiền nói: Con số 5 được chúng tôi lựa chọn vì đó là số “sinh”. Nhưng kèm theo nó là “plus” (cộng) để thấy tư duy nghệ thuật không đóng cứng. “Điêu khắc 5 plus” có nội hàm mở, cả về phong cách nghệ thuật, cả về số người tham gia, và cả về sự phối hợp các loại hình nghệ thuật khác nhau vào điêu khắc. Đó là tương lai của nó, mà chúng tôi dự định sẽ diễn ra hàng năm.
Với triển lãm điêu khắc 5 plus lần này, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng đã nhận xét: Điêu khắc 5 plus, từ lần thứ nhất đến lần thứ hai đã chứng tỏ rằng: nghệ thuật không chấp nhận tư duy tụt hậu; và điêu khắc vốn vẫn “khiêm nhường” so với hội hoạ thì nay đang đi vào cuộc sống và dần lấy lại vị thế cao sang của mình. Đó là những tín hiệu đáng mừng của mỹ thuật Việt Nam.
Triệu Bảo Ngọc Anh