Khai mạc Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cho ý kiến về 4 dự án luật

GD&TĐ - Sáng 15/7, tại Hà Nội, Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Phiên họp cho ý kiến về 4 dự án luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp, UBTVQH sẽ cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của 4 dự án luật gồm: Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) và dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Đề nghị giữ tên gọi dự án Luật Dân quân tự vệ

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt đã báo cáo về một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Về tên gọi của dự thảo Luật, ông Võ Trọng Việt đề nghị cho giữ tên gọi của dự thảo Luật như Chính phủ trình.

Cụm từ “Dân quân tự vệ” đã được sử dụng thống nhất trong các Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, Luật Quốc phòng, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan và kế thừa tên gọi của Luật Dân quân tự vệ năm 2009.

Hôm nay (16/7), UBTVQH tiến hành Tổng kết Kỳ họp thứ 7 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội; cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Quốc hội điện tử giai đoạn 2019 - 2026 và việc sử dụng 20% số kinh phí kết dư Quỹ Khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015. Ngoài ra, các thành viên UBTVQH sẽ xem xét, quyết định phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; xem xét, quyết định thành lập phường Lộc Hòa và phường Mỹ Xá thuộc TP Nam Định, tỉnh Nam Định; thành lập thị trấn Măng Đen thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Theo dự kiến, Phiên họp thứ 35 của UBTVQH diễn ra đến hết buổi sáng ngày 17/7. 

Cụm từ trên là dùng để chỉ một lực lượng thuộc thành phần lực lượng vũ trang. Theo quy định của luật hiện hành và dự thảo Luật, đơn vị dân quân được tổ chức ở địa phương, đơn vị tự vệ được tổ chức ở cơ quan, tổ chức nhưng cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức, chỉ huy, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của dân quân tự vệ là thống nhất.

Mặt khác, tên gọi “Dân quân tự vệ” gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của lực lượng dân quân tự vệ qua các thời kỳ và quen thuộc trong đời sống xã hội, quá trình tổ chức thực hiện không có gì vướng mắc.

Thảo luận tại phiên họp, đa số các thành viên UBTVQH bày tỏ sự tán thành cao với báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cơ quan thẩm tra và soạn thảo rà soát lại kỹ một số nội dung để hoàn thiện dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, cần giải trình rõ hơn về tên gọi của Luật vì chức năng của lực lượng dân quân và tự vệ khác nhau, do đó nguồn kinh phí cho hai hoạt động này cũng sẽ không hoàn toàn giống nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân và tự vệ cũng khác nhau, do đó, cần cân nhắc để giải trình thuyết phục hơn về tên gọi của Luật.

Có nên tạm hoãn xuất cảnh người đi chữa bệnh?

Cho ý kiến về dự án Xuất xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là nội dung thứ 2 của Phiên họp thứ 35 của UBTVQH diễn ra sáng 15/7. Về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh là nội dung được nhiều thành viên UBTVQH tập trung đề cập, làm rõ.

Quy định này đã được tiếp thu, chỉnh lý tương đối cơ bản, làm rõ thêm nhiều nội dung. Yêu cầu đặt ra đó là quy định về việc tạm hoãn xuất cảnh phải bảo đảm chặt chẽ, vừa phục vụ cho công tác quản lý nhưng cũng tránh làm ảnh hưởng, xâm phạm đến quyền của công dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, dự Luật có nhiều điều liên quan đến quyền công dân, quyền con người nên phải rà soát kỹ để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống luật cũng như tính khả thi, tránh tuỳ tiện lạm dụng trong thực tế. Trong đó, nội dung liên quan các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh cần chiếu theo pháp luật về tố tụng hình sự, tố tụng dân sự...

Cùng quan điểm trên, theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, cùng với quy định về các trường hợp tạm hoãn, cũng cần rà lại quy định về thẩm quyền quyết định tạm hoãn, cần thiết bổ sung quy định về trách nhiệm của người ra quyết định tạm hoãn để cho chặt chẽ. Ví như, quy định “xét thấy cần ngăn chặn” thì ai xét thấy, thẩm quyền của người nào, cấp nào?... để áp dụng cho rõ ràng, chính xác.

Xung quanh các vấn đề các đại biểu cho ý kiến, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương - đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật cho biết sẽ phối hợp rà soát các quy định liên quan tạm hoãn xuất, nhập cảnh. Theo ông Lê Quý Vương, diện dối tượng này hơi rộng, chưa cụ thể, sẽ rất khó cho cơ quan thực hiện. Như người trong diện tạm hoãn xuất cảnh nhưng mắc bệnh hiểm nghèo (ung thư, cần mổ...), cần ra nước ngoài chữa trị thì giải quyết thế nào? Quyết định chuyện tạm hoãn này rất khó khăn vì đụng đến quyền con người, quyền công dân.

Kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị các ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của UBTVQH, hoàn chỉnh dự thảo Luật, gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Chiều cùng ngày, các thành viên UBTVQH đã cho ý kiến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.