Khai mạc Hội nghị toàn quốc tổng kết và triển khai kế hoạch công tác HĐND

GD&TĐ - Hội nghị có sự tham dự của hơn 300 đại biểu Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Sáng 21/2 tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch công tác năm 2023.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự, phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự hội nghị có hơn 300 đại biểu Trung ương, địa phương.

Tham dự hội nghị có hơn 300 đại biểu Trung ương, địa phương.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đây là hội nghị là lần thứ hai Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức trong nhiệm kỳ 2021-2026. Khác với lần thứ nhất, việc tổng kết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức 3 Hội nghị ở 3 vùng miền: khu vực phía Bắc - khu vực Miền Trung, Tây Nguyên và khu vực phía Nam, nhưng hội nghị hôm nay có sự tham dự đầy đủ của Thường trực HĐND 63 tỉnh, thành phố của cả nước.

Rà lại 8 nội dung cần thực hiện trong năm 2022 mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của HĐND các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, chúng ta vui mừng nhận thấy, năm 2022, HĐND đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, đổi mới sáng tạo trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo luật định và đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn ở từng địa phương; bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa thành các Nghị quyết, cơ chế, chính sách, biện pháp thiết thực, khả thi, thống nhất, đồng bộ, đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của từng địa phương cũng như cả nước trong năm 2022.

Đặc biệt, phương thức tổ chức hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh có sự chuyển biến rõ rệt, nhất là sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594 ngày 12/9/2022 về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, đã thống nhất, chuẩn hóa hoạt động giám sát, khắc phục một số hạn chế, vướng mắc trong giám sát của HĐND; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND. Kết quả các hoạt động của HĐND ngày càng khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân ở địa phương.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, năm 2023, là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Dự báo tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường; đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; những yếu tố bất cập, hạn chế từ nội tại nền kinh tế chưa được xử lý căn bản, ngày càng bộc lộ rõ hơn trong hoàn cảnh khó khăn.

Trong bối cảnh đó, hoạt động của HĐND cũng còn một số tồn tại hạn chế về chất lượng kỳ họp, hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND có lúc, có nơi còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của cử tri và Nhân dân.

Vì vậy, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm cao, trên tinh thần xây dựng, khách quan; đánh giá những kết quả nổi bật, nêu những mô hình hay, cách làm mới và những bài học quý, cũng như những tồn tại, hạn chế và đề xuất kiến nghị sao cho thiết thực, góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND trong năm 2023 và nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Phát biểu chào mừng tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, những năm qua, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều đổi mới tổ chức và hoạt động nhằm hiện thực hóa thể chế dân chủ, trở thành một cấu phần quan trọng bậc nhất của quản trị địa phương, nhất là trên các phương diện đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, quyết định những vấn đề mang tính địa phương, giám sát quyền lực nhà nước tại địa phương…

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng chia sẻ, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng cũng đặt ra nhiều yêu cầu rất mới về quản trị địa phương khu vực đô thị gắn với đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm của hệ thống chính trị địa phương mà ở đó HĐND là một thiết chế cực kỳ quan trọng, phải tham dự tích cực vào các vấn đề hệ trọng, nhất là giữa bảo đảm tính thống nhất quản lý nhà nước với phân cấp, phân quyền, ủy quyền, giữa phát huy vai trò của người đứng đầu tổ chức Đảng với người đứng đầu Hội đồng nhân dân khi một người đồng thời đảm nhiệm; giữa siết chặt kỷ cương, kỷ luật với khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Mặc dù Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng, song trên hành trình tiếp tục hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra đến năm 2030 trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước đòi hỏi phải nỗ lực, phấn đấu lớn hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.