Khai giảng muộn nơi rốn lũ

GD&TĐ - Sau nhiều ngày ngập lụt, hàng loạt các trường học tại Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình tổ chức lễ khai giảng muộn đón năm học mới. Dù tổ chức dưới chân nhà sàn, trong lớp học còn ẩm thấp nhưng nỗ lực thầy cô đem lại đủ giúp học trò vũng lũ cảm nhận được sự ấm áp trong ngày đặc biệt này.

Khai giảng muộn tại vùng lũ. Ảnh: Trương Hoa.
Khai giảng muộn tại vùng lũ. Ảnh: Trương Hoa.

Năm học mới dưới chân nhà sàn

Tủng Hốc - bản xa xôi nhất của xã lòng hồ thủy điện Bản Vẽ - Hữu Khuông (Tương Dương, Nghệ An). Từ đây xuống trung tâm xã phải di chuyển hàng chục km đường rừng và đường thuyền. Vì vậy, học sinh không thể ra trường chính dự khai giảng.

Điểm bản Tủng Hốc, Trường Tiểu học Hữu Khuông đang trong quá trình xây dựng, nên thầy trò phải di chuyển vào 4 nhà sàn của dân để dạy - học. Lễ khai giảng năm học mới cũng được tổ chức ở một nơi đặc biệt, theo tiếng Thái là “tờ lạng” – dưới chân nhà sàn

. Không hội trường, sân khấu, không loa đài, lớp nào về “tờ lạng” nấy, nhưng các em vẫn được chào cờ, hát Quốc ca, nghe thư của Chủ tịch nước chúc mừng và được thầy cô giáo dặn dò cho năm học mới.

Nhân vật đặc biệt nhất là các em học sinh lên lớp 1, được cô giáo dắt tay vào lớp với sự đón chào của các anh chị lớp lớn, của bố mẹ và trưởng bản. Không có đồng phục, thậm chí nhiều em đi chân trần nhưng ai nấy đều háo hức, vui vẻ, vì dù ở dưới chân “tờ lạng”, có bạn bè, thầy cô thì nơi đây là nơi thân thương nhất.

Học sinh điểm trường Huồi Cọ, Tiểu học Nhôn Mai, huyện Tương Dương trong lễ khai giảng. Ảnh: Hồ Lài.
Học sinh điểm trường Huồi Cọ, Tiểu học Nhôn Mai, huyện Tương Dương trong lễ khai giảng. Ảnh: Hồ Lài.

Thầy Hà Văn Huấn - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu Khuông cho biết: Điểm trường Tủng Hốc được xây dựng mới theo chương trình kiên cố hóa trường học.

Dự kiến ban đầu sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 4/2019, nhưng do điều kiện địa hình cách trở, việc xây dựng chậm tiến độ nên năm học mới này, 4 lớp học phải đưa vào chân nhà sàn, xung quanh thưng bằng gỗ. Nơi ăn chốn ở, sinh hoạt của giáo viên bản Tủng Hốc cũng rất vất vả.

Điểm bản Huồi Cọ, Trường Tiểu học Nhôn Mai (Tương Dương) cũng có một khai giảng tuy đơn sơ nhưng đủ đầy tình cảm yêu thương, niềm vui của thầy cô giáo, các em học sinh.

Tấm bạt được căng lên treo cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, một chiếc bảng được gỡ ra từ trong lớp học treo lên ghi dòng chữ “Khai giảng năm học mới 2019 – 2020. 1 tấm bạt khác được trải dưới đất để học sinh biểu diễn văn nghệ.

Dù vậy, buổi lễ khai giảng muộn này vẫn đông đủ học sinh, bà con đến dự. Các em còn được chơi các trò chơi dân gian quen thuộc. Đối với những đứa trẻ, như vậy đã đủ vui, hạnh phúc lắm rồi.

Đơn giản, gọn nhẹ

Sáng 9/9, gần 300 trường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tổ chức ngày toàn dân đưa trẻ tới trường. Như để bù đắp cho thiệt thòi trẻ vùng lũ phải gánh chịu, HS tại 3 huyện Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang trở lại trường trong ngày đẹp trời, trong xanh và cao vút.

Lễ khai giảng được lồng ghép trong giờ chào cờ đầu tuần. Với tinh thần gọn nhẹ, phù hợp điều kiện của từng trường nhưng vẫn tạo ra không khí trang nghiêm, hứng khởi cho giáo viên, học sinh trước thềm năm học mới.

Tại Trường tiểu học Hương Đô (huyện Hương Khê), 7 giờ sáng, hơn 300 học sinh, giáo viên với trang phục chỉnh tề, cờ hoa rực rỡ có mặt sớm tại trường để đón chào năm học mới.

Cô Trần Thị Tuyết, Chủ tịch Công đoàn Trường tiểu học Hương Đô (huyện Hương Khê) chia sẻ: “Mấy ngày liền thu dọn vệ sinh trường để kịp diễn ra ngày khai giảng, các giáo viên dường như ai cũng kiệt sức. Hôm nay, trời nắng ráo, trường trở lại bình thường để đón học sinh, phụ huynh, lãnh đạo về dự lễ, quả thực gánh nặng dường như được gánh bớt, mệt nhọc như được xua tan”.

“Với đặc thù xã vùng trũng, nắng thì gay gắt, mưa thì ngập úng nên hễ mưa lớn, giáo viên lại xếp bàn ghế, đồ dùng lên cao, học sinh thì nghỉ học. Hết lũ trở lại trường dọn vệ sinh, bước vào học tập.

Năm nay, lễ khai giảng có muộn mất 4 ngày theo quy định, nhưng nhà trường cũng đã chuẩn bị chu đáo, tươm tất. Thầy cô và học sinh trong trường ai nấy đều hồ hởi. Tin rằng trong năm học mới này nhà trường sẽ đạt được nhiều thành công” – cô Tuyết nói.

Tại Trường THCS Hà Linh (Hương Khê), nhà trường trang trí sân khấu ngoài trời rất đẹp để tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Sau lễ chào cờ đầu tuần, thầy hiệu trưởng đọc thư của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học. Sau những lời căn dặn của lãnh đạo nhà trường, các học sinh vào lớp học bài.

Nỗ lực khắc phục hậu quả

Thống kê của Sở GD&ĐT Quảng Bình, tính đến ngày 9/9, toàn tỉnh còn 36 trường học với hơn 8.600 học sinh chưa thể tiến hành lễ khai giảng và trở lại trường để dạy, học. Trong số đó, có 3 trường gồm THCS, tiểu học và mầm non tại vùng rốn lũ Tân Hóa (Minh Hóa); Trường Mầm non Phù Hóa, huyện Quảng Trạch và 32 trường học ở huyện Tuyên Hóa.

Theo đại diện Sở GD&ĐT Quảng Bình, với sự nỗ lực của các nhà trường, các thầy cô giáo và các cấp, ban ngành địa phương cũng như sự hỗ trợ của các đoàn thể như quân đội, công an, đoàn viên thanh niên, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại các trường học cơ bản đã cơ bản hoàn thành để sẵn sàng cho năm học mới.

Dự kiến, ngày 11/9, tỉnh sẽ hoàn thành việc tổ chức Lễ khai giảng năm học mới cho tất cả học sinh vùng lũ, việc học trở lại bình thường.

Tại Hà Tĩnh, 3 trường tại huyện miền núi Hương Khê chưa thể tổ chức khai giảng là: Mầm non Hà Linh, Hương Thủy và Điền Mỹ do chưa khắc phục xong hậu quả sau lũ.

“Mặc dầu nước đã rút nhưng 3 đơn vị này cần phải thực hiện tốt công tác chống ẩm, tiêu khử độc, khử trùng để đảm bảo an toàn về sức khỏe vệ sinh cho các cháu mầm non” – ông Trần Đình Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê cho biết.

Do đặc thù địa bàn rộng lớn, cách trở, các trường tiểu học, mầm non thuộc huyện miền núi cao của Nghệ An như Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong… có rất nhiều điểm lẻ, cách xa nhau và đều cách xa điểm trường chính. Để đảm bảo công bằng cho tất cả học sinh, để ai cũng có lễ khai giảng, chúng tôi chỉ đạo các điểm lẻ tổ chức ngày lễ đầy đủ cho các em, ngay sau lễ khai giảng tại trường chính.
  
Bà Võ Tuyết Chinh, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương (Nghệ An).

Hiệu trưởng Trường MN Hà Linh (Hương Khê) Lê Thị Thu Hà giãi bày: Trường nằm sát sông Ngàn Sâu nên bị nước dâng ngập đến 2 m từ ngày 4 – 6/9. Đến ngày 7/9, sau khi nước lũ rút, các giáo viên và lực lượng bộ đội, công an mới tiến hành dọn dẹp vệ sinh, lau lại bàn ghế.

“Mặc dù trong lớp học đã được các lực lượng chức năng hỗ trợ dọn dẹp khá sạch sẽ nhưng phía ngoài sân trường vẫn ngổn ngang bùn đất, ẩm thấp.

Để tránh dịch bệnh có thể bùng phát sau khi lũ rút gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, nhà trường vẫn chưa tổ chức đón trẻ đến trường. Dự kiến thứ 5 tuần này, nhà trường mới đón học sinh đến lớp”.

Mưa không còn, nước lũ đã rút nhưng đủ làm cuộc sống người dân bị đảo lộn. Ngành Giáo dục cũng chịu thiệt hại lớn.

Lũ về gây gập trường, bùn non, rác bẩn bám đầy sân, lớp, đồ dùng học tập bị hư hỏng. Ngày cả nước đón chào năm học mới, nhiều học sinh huyện Hương Khê còn phải ở nhà chạy lũ cùng bố mẹ. Đến khi nước rút phải chờ thu dọn vệ sinh sạch sẽ mới được tới trường.

Trận lũ cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành Giáo dục Quảng Bình. Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có trên 380 phòng học, 15 phòng nhà nội trú bị ngập nước, hư hỏng; 2 phòng học, nhà thư viện bị tốc mái; 1 nhà bán trú học sinh bị sạt lở, hư hỏng nặng; trên 500 bộ bàn ghế bị ngập nước, hư hỏng.

Bên cạnh đó, nhiều công trình vệ sinh, hàng rào, nhà xe, hệ thống điện nước... bị sập và hư hỏng; phần lớn sách vở, đồ dùng học tập, đồ chơi, bàn ghế của học sinh vùng ngập sâu bị ướt, hư hỏng hoàn toàn... Tổng thiệt hại ước tính khoảng 15 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ