Theo các nhà khoa học, đây mới là sự khởi đầu, còn trong tương lai chúng ta sẽ quan sát thấy nhiều “vị khách không mời” như vậy nữa. Cũng có thể sẽ có nhiều thiên thể liên sao đến từ ngoài Hệ Mặt trời, nhưng với kích thước nhỏ hơn.
Phần còn lại của những hệ sao khác
Các kết luận nói trên được rút ra từ nghiên cứu công bố trên tạp chí điện tử “Vật lý thiên văn” (Mỹ).
“Tất cả cho thấy có nhiều thiên thể liên sao quanh Trái đất chúng ta. Chẳng bao lâu nữa, nhờ các kính viễn vọng mới, chúng ta sẽ có thêm nhiều dữ liệu về các thiên thể liên sao này. Chúng ta sẽ không còn phải phỏng đoán nữa” – bà Malena Rice ở ĐH Yale (Mỹ), tác giả công trình nghiên cứu, cho biết như vậy.
Nghiên cứu những “vị khách” này có thể giúp các nhà thiên văn học xác định được nơi chúng xuất phát. Một trong các giả thuyết nói rằng đó là những gì còn sót lại của những hệ sao khác, bị ném vào không gian liên sao.
Theo các nhà khoa học, bên ngoài Hệ Mặt trời có khoảng 4.000 ngoại hành tinh. Phần lớn các ngoại hành tinh quay xung quanh các ngôi sao chủ, vì thế chúng không thể ném các vi thể hành tinh (phần còn lại của đám mây hành tinh) ra không gian liên sao.
Theo giả thuyết mới, các thiên thể liên sao có thể là phần còn lại của các hành tinh mới hình thành với quỹ đạo ở xa so với ngôi sao chủ.
Các hành tinh lớn này có thể để lại chỗ trống trong vành đai vật chất xung quanh ngôi sao chủ - nơi khí và bụi hình thành nên hành tinh. Vành đai như vậy gọi là đĩa tiền hành tinh. Do ở tương đối xa ngôi sao chủ, các hành tinh mới hình thành này có thể ném phần còn lại vào vũ trụ.
Các nhà khoa học cho rằng, đôi khi những thiên thể này cũng xuất hiện trong Hệ Mặt trời, giúp các nhà thiên văn học có cơ hội hiểu thêm về vũ trụ. Những thiên thể liên sao này được xem như là “dấu vân tay” của thiên hà nơi chúng xuất phát.
“Đây là vật chất thật, tạo nên hành tinh trong những hệ mặt trời khác. Việc quan sát các thiên thể liên sao là phương pháp hoàn toàn mới để nghiên cứu các hệ thống sao” - bà Malena Rice cho biết.
Đối tượng liên thiên hà
Ngày 19/10/2017, Kính viễn vọng Pan-STARRS 1 tại Hawaii đã phát hiện một vật thể lạ di chuyển qua Hệ Mặt trời của chúng ta. Đó là một tiểu hành tinh, dài gần 400 mét. Nó được đặt tên là Oumuamua (theo tiếng thổ dân ở Hawaii nghĩa là “sứ giả”). Các nhà khoa học ngay lập tức bị hình dáng giống điếu xì gà của Oumuamua mê hoặc.
Chiều dài của Oumuamua lớn hơn chiều rộng 10 lần – đây là hiện tượng bất thường, chưa từng có đối với các thiên thể trong Hệ Mặt trời (các thiên thể trong Hệ Mặt trời có chiều dài lớn hơn chiều rộng tối đa là 3 lần).
Oumuamua dường như cấu tạo từ đá và kim loại. Nó có màu đỏ hoe – đó là kết quả của bức xạ vũ trụ mà nó phải hứng chịu trong hàng triệu năm di chuyển trong không gian.
Từ thời điểm phát hiện ra Oumuamua, các nhà khoa học trên khắp thế giới nỗ lực tìm hiểu xem nó xuất phát từ đâu. Lúc đầu họ cho nó là sao chổi, sau đó là tiểu hành tinh, cuối cùng họ gọi nó là “vật thể liên thiên hà”. Đây là hạng mục mới, được tạo ra để phân loại các thiên thể như Oumuamua.
Vật thể liên thiên hà Oumuamua. |
“Vật thể giống sao chổi” 2I/Borisov
Vào cuối tháng Chín năm nay, các nhà khoa học thông báo đã phát hiện một thiên thể khác, có nguồn gốc từ ngoài Hệ Mặt trời. Người đầu tiên quan sát được thiên thể này là nhà thiên văn nghiệp dư Giennadij Borisov ở Đài quan sát thiên văn MARGO ở Krym (Nga).
Sử dụng kính viễn vọng tự chế, Borisov nhìn thấy một vật thể giống như sao chổi cùng chiếc đuôi ngắn. Không lâu sau đó, các chuyên gia ở Phòng thí nghiệm động cơ phản lực của NASA cũng ghi nhận sự hiện diện của thiên thể này. Người Mỹ cho rằng đây là thiên thể có nguồn gốc từ ngoài Hệ Mặt trời.
“Vật thể giống sao chổi” trở thành đối tượng quan sát tiếp theo của Cơ quan Vũ trụ châu Âu ESA và của Trung tâm Nghiên cứu các vật thể gần Trái đất (CNEOS) – đối tác của NASA. Nó được đặt tên là 2I/Borisov, để ghi nhận công lao của nhà thiên văn học nghiệp dư nước Nga.