Oumuamua trở thành đối tượng nghiên cứu tích cực kể từ thời điểm được phát hiện (tháng 10/2017). Hiện giờ, nhờ kết nối dữ liệu với Kính viễn vọng cực lớn VLT và các đài quan sát thiên văn khác, một nhóm các nhà thiên văn học quốc tế đã xác định được rằng vật thể này di chuyển nhanh hơn so với nhận định ban đầu. Sự gia tăng vận tốc là không lớn và hiện giờ gia tốc của Oumuamua đang giảm do bị sức hút hấp dẫn của Mặt trời.
Nhóm nghiên cứu do nhà khoa học Marco Micheli (Cơ quan Vũ trụ châu Âu) dẫn dắt, đã phân tích một vài kịch bản giải thích hiện tượng vận tốc nhanh hơn dự đoán của vật thể khác thường này. Giải thích được chấp nhận nhiều nhất đó là: Sự giảm thiểu vật chất từ bề mặt Oumuamua là do bị Mặt trời đốt nóng – hiện tượng được biết đến với cái tên “tách khí” (degassing).
Luồng vật chất bị ném ra theo cách như vậy có thể tạo ra một phản lực khônng lớn, nhưng liên tục, khiến cho Oumuamua di chuyển nhanh hơn so với nhận định ban đầu.
Hiện tượng tách khí như vậy là đặc trưng đối với sao chổi và nó mâu thuẫn với quan điểm trước đó cho rằng Oumuamua là tiểu hành tinh đến từ ngoài Hệ Mặt trời. “Chúng tôi cho rằng đây là một sao chổi khác thường. Các dữ liệu cho thấy càng ra xa Mặt trời gia tốc của nó càng giảm – đây là nét đặc trưng đối với sao chổi” – ông Marco Micheli cho biết.
Khi được Mặt trời đốt nóng, thông thường các sao chổi thải bụi và khí, tạo thành đám mây vật chất bao quanh, gọi là đầu (vỏ vật chất mờ bao quanh nhân sao chổi) và đuôi sao chổi. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu không phát hiện bất kỳ hình ảnh nào cho thấy có hiện tượng tách khí. “Chúng tôi không nhìn thấy bụi, cũng không thấy đầu và đuôi sao chổi vốn là những nét đặc trưng của sao chổi. Chúng tôi cho rằng Oumuamua có thể phóng ra những hạt bụi dày và to khác thường” – bà Karen Meech, đồng tác giả nghiên cứu ở Đại học Hawaii (Mỹ) giải thích.
Nhóm nghiên cúu suy xét về khả năng xói mòn những hạt bụi nhỏ, từng bám vào bề mặt phần lớn sao chổi. Trong quá trình Oumuamua di chuyển trong không gian liên sao, trên bề mặt của nó chỉ còn các hạt bụi lớn. Đám mây những hạt bụi lớn này không đủ sáng nên khó nhìn thấy. Điều này có thể giải thích cho sự thay đổi vận tốc đột ngột của Oumuamua.
Hiện tượng tách khí của Oumuamua không chỉ là câu đố đầy bí ẩn, mà còn có thể có ảnh hưởng đến việc xác định nguồn gốc vũ trụ của nó. Các nhà nghiên cứu sẽ thực hiện các quan sát mới đối với Oumuamua, để xác định chính xác quỹ đạo xuất phát từ hệ sao chủ của Oumuamua.