Quân đội Ấn Độ, với kho dự trữ đáng kể xe tăng T-72 của Liên Xô - Nga, đang hướng tới việc hiện đại hóa khi khởi động chương trình Xe chiến đấu tương lai (FRCV) đầy tham vọng của mình.
Bị xem là lỗi thời, T-72 đang bị New Delhi loại bỏ dần. Thay vào đó, Ấn Độ đặt mục tiêu đưa vào sử dụng hàng loạt xe tăng nội địa mới từ năm 2030. Sáng kiến này sẽ dẫn đến việc sản xuất 1.770 chiếc FRCV, nhất là khi dự án được chính phủ Ấn Độ bật đèn xanh.
Ước tính 70% nguồn tài trợ cho chương trình này sẽ đến từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ, nhấn mạnh cam kết của quốc gia này đối với nỗ lực chuyển đổi mang tính cách mạng đối với Lục quân.
Rõ ràng điều này tác động đến Nga, khi Moskva vẫn cung cấp phụ tùng và bảo dưỡng xe tăng cho Ấn Độ. Từ năm 1978, T-72 đã trở thành một huyền thoại ở quốc gia Nam Á, với lô hàng đầu tiên đến từ Liên Xô sau một thỏa thuận được ký kết vào năm 1976.
Trong suốt những năm 1980, Ấn Độ nhận thêm nhiều xe tăng T-72 và thành lập một cơ sở sản xuất trong nước vào năm 1984 tại Nhà máy Avadi ở Tamil Nadu. Hoạt động chế tạo và cải tiến tiếp tục diễn ra vào thập niên 1990, cho thấy cam kết của Ấn Độ đối với nền tảng T-72.
Xe tăng T-72 đóng vai trò quan trọng đối với Quân đội Ấn Độ kể từ khi chúng có mặt trong thành phần tác chiến từ cuối những năm 1970. Mặc dù không tham dự Chiến tranh Ấn Độ - Pakistan năm 1971, tuy nhiên những bài học rút ra từ cuộc xung đột đó đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển và triển khai sau này.
Xe tăng T-72 xung trận lần đầu trong Chiến dịch Blue Star năm 1984, nhằm dập tắt quân nổi dậy ở Punjab, hiệu quả của T-72 đã được chứng minh trong vai trò duy trì an ninh nội bộ, mở ra một kỷ nguyên mới cho việc sử dụng xe bọc thép trong Quân đội Ấn Độ.
T-72 tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý trong Chiến tranh Kargil năm 1999, cung cấp hỏa lực hỗ trợ thiết yếu cho Lục quân Ấn Độ chống lại binh sĩ Pakistan ở độ cao lớn. Trận chiến nói trên làm nổi bật tính linh hoạt và hiệu quả của xe tăng trên địa hình hiểm trở, đóng vai trò quan trọng trong thành công của Quân đội Ấn Độ.
Ngoài chiến tranh thông thường, T-72 còn đóng vai trò thiết yếu trong nhiều hoạt động chống nổi loạn, đặc biệt là ở Jammu và Kashmir và các bang Đông Bắc, chứng minh khả năng thích ứng của chúng trong nhiều tình huống chiến đấu khác nhau.
Trong vài năm qua, Quân đội Ấn Độ đã triển khai các chương trình hiện đại hóa rộng rãi cho xe tăng T-72. Những sáng kiến chủ yếu nhắm vào việc nâng cấp hệ thống kiểm soát hỏa lực, cải tiến giáp cũng như khả năng cơ động.
Những gói nâng cấp như vậy đã giúp những chiếc xe tăng cổ điển này duy trì hiệu quả và tác dụng lớn trong môi trường chiến tranh ngày nay.
Hơn nữa, xe tăng T-72 còn tích cực tham gia vào nhiều cuộc tập trận, cả trong nước và quốc tế, thể hiện sự sẵn sàng cao và tính linh hoạt của chúng. Ngoài ra phương tiện này còn được triển khai trong các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, nhấn mạnh cam kết của Ấn Độ đối với hòa bình và an ninh toàn cầu.
Trong tương lai, mục tiêu chính của chương trình FRCV là hiện đại hóa lực lượng thiết giáp, tập trung vào khả năng đa nhiệm và ưu tiên sản phẩm nội địa. Sáng kiến này nhằm thay thế các nền tảng cũ bằng phương tiện tiên tiến được trang bị công nghệ mới nhất, nâng cao hiệu quả chiến đấu của Quân đội Ấn Độ.
Được thiết kế để tham gia hoạt động chiến đấu trực tiếp, trinh sát và hỗ trợ, FRCV đảm bảo khả năng thích ứng trong nhiều tình huống tác chiến khác nhau.
Bằng cách tập trung vào phát triển và sản xuất trong nước, chương trình này nhằm mục đích giảm thiểu sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, tăng cường khả năng tự cung tự cấp của Ấn Độ trong sản xuất quốc phòng.
FRCV hướng đến mục tiêu trang bị một loạt tính năng tiên tiến, giúp phân biệt nó với các mẫu xe tăng hiện đại, trong đó nổi bật là hệ thống giáp tăng cường, được thiết kế để cung cấp mức độ bảo vệ vượt trội trước các mối đe dọa ngày nay thông qua việc sử dụng hỗn hợp giáp composite và giáp phản ứng nổ.
Chương trình FRCV là bước tiến lớn hướng tới việc nâng cao sức mạnh lực lượng thiết giáp của Quân đội Ấn Độ. Cỗ chiến xa tiên tiến này, do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng([DRDO) thúc đẩy, nhằm mục đích tạo ra một loại xe chiến đấu năng động và hiện đại, phù hợp với nhiều loại chiến trường.
Để ứng phó với bối cảnh chiến tranh hiện đại đang thay đổi, FRCV tập trung vào việc thay thế các xe tăng lỗi thời như T-72 và T-90 bằng một nền tảng bọc thép ưu việt. Đây là bước đi quan trọng để đảm bảo rằng Quân đội Ấn Độ vẫn nằm trong nhóm quốc gia đi đầu về công nghệ quân sự.
Nó cũng được kỳ vọng sẽ đi kèm với vũ khí mạnh hơn, bao gồm một khẩu pháo chính cỡ nòng lớn và hệ thống ngắm mục tiêu tiên tiến để cải thiện độ chính xác. Bên cạnh đó mức độ cơ động là một trọng tâm khác, với thiết kế được tối ưu hóa để hoạt động trên nhiều địa hình khác nhau, từ đô thị đến vùng núi.
Ngoài ra FRCV có thể sẽ được trang bị hệ thống liên lạc và quản lý chiến trường tiên tiến nhằm tăng cường khả năng phối hợp và nhận thức tình huống trên thực địa. Nếu thành công trong việc biến ý tưởng thành hiện thực, Ấn Độ sẽ có một chiến xa hàng đầu, không thua kém gì KF51 Panther, T-14 Armata hay Abrams X.