Bồi dưỡng những gì học viên cần
Là một trong những học viên của Khóa Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cốt cán mầm non khu vực miền Bắc, cô Nguyễn Thị Anh Hải – Hiệu trưởng Trường Mầm non Chăm Mát (TP Hòa Bình) – cho biết, cô từng tham gia nhiều khóa tập huấn, bồi dưỡng nhưng lần tập huấn này mang lại nhiều cảm xúc nhất.
Cô Hải tâm đắc về những điểm mới tích cực của Khóa Tập huấn, mà ở điểm nhấn là tài liệu được biên soạn khoa học, súc tích, có cả kênh chữ và kênh hình, giúp người học dễ hiểu và dễ tiếp thu, nhanh nắm bắt được kiến thức.
“Sau Khóa tập huấn, bồi dưỡng trực tiếp, với sự hỗ trợ của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), các báo cáo viên; chúng tôi còn được hướng dẫn cách tự học và hoàn thành các nhiệm vụ học tập.
Theo đó, với mỗi một mô-đun đều có hướng dẫn về tự học, tự bồi dưỡng và tự đánh giá. Nhờ đó mà những kiến thức, năng lực mà chúng tôi lĩnh hội được từ Khóa tập huấn sẽ không bị “rơi rụng” – cô Hải bộc bạch và cho biết, cô sẽ vận dụng phương pháp này để bồi dưỡng cho đồng nghiệp tại địa phương, nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Nhiệm vụ học tập của học viên sau Khóa Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cốt cán mầm non khu vực. |
Bày tỏ hài lòng về Khóa Tập huấn, cô Mai Thị Hà đến từ Phòng GD&ĐT huyện Đại Từ (Thái Nguyên) – hồ hởi chia vui: Cách làm mới, phương pháp bồi dưỡng hay, thiết thực – đáp ứng những gì học viên cần, không bồi dưỡng những gì mà báo cáo viên đã có – đã giúp chúng tôi phát triển năng lực nghề nghiệp; trên hết là tinh thần yêu nghề, nhiệt huyết và sẵn sàng thay đổi để thích ứng với đổi mới của giáo dục mầm non.
Đến với Khóa Tập huấn, học viên có thể kiểm soát được chất lượng và tiến độ học tập của mình. Bên cạnh đó, tài liệu được cập nhật đầy đủ, kịp thời không bị “tam sao thất bản”, bảo đảm giáo viên cốt cán và giáo viên đại trà đều được tiếp cận; giúp quá trình bồi dưỡng và tự bồi dưỡng được hiệu quả.
Sản phẩm của học viên khi được tập huấn, bồi dưỡng. |
“Ngoài ra, chúng tôi còn được tham gia vào cộng đồng học tập do các nhóm/lớp kết nối trên Zalo. Nếu gặp khó khăn, vướng mắc, sẽ được các báo cáo viên trao đổi, hỗ trợ để cùng tháo gỡ” – cô Hà chia sẻ và cho biết, cô và giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non của huyện Đại Từ đã có kế hoạch để tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên mầm non đại trà của địa phương.
Xây dựng “chân rết”
Trước mắt, cô Hà sẽ hỗ trợ đồng nghiệp qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng được tổ chức theo các cụm trường hoặc theo từng đơn vị. Tuy nhiên, theo cô Hà, cách thiết thực nhất là đồng nghiệp tự hỗ trợ lẫn nhau theo phương châm “Học thầy, không tày học bạn”. Đây là một trong những phương pháp hiệu quả nhất. Phương pháp này có thể áp dụng theo từng cơ sở giáo dục mầm non.
Lan tỏa tinh thần tự học, tự bồi dưỡng và gắn kết yêu thương đến với mọi người. |
Đồng quan điểm, cô Lục Mai Phương – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Đạp Thanh (Ba Chẽ, Quảng Ninh) – phân tích, mỗi cơ sở giáo dục mầm non đều có giáo viên cốt cán.
“Những giáo viên này sẽ được chúng tôi truyền đạt lại những kiến thức, kinh nghiệm đã lĩnh hội được từ Khóa Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non dựa trên tiếp cận mới về chức năng và nhiệm vụ của đội ngũ cốt cán.
Sau đó, họ sẽ trở “chân rết” để hỗ trợ đồng nghiệp ngay tại đơn vị mình. Dần dần sẽ lan tỏa đến mọi giáo viên trong trường. Trên tinh thần đó, giáo viên có thể bồi dưỡng thường xuyên, liên tục và tự học mọi lúc, mọi nơi.
Cô Phương tâm niệm, khi nào mỗi cán bộ quản lý, giáo viên mầm non nhận thấy: tập huấn, bồi dưỡng là cần thiết, là nhu cầu tự thân thì các tài liệu mới phát huy hiệu quả và các lớp bồi dưỡng mới thực sự có giá trị vào thực tiễn.