Lãnh đạo Trường ĐH Hà Nội kỳ vọng, những điều chỉnh của Bộ sẽ giảm lượng thí sinh ảo cho các trường trong mùa tuyển sinh năm nay. Khi đã giảm được tỉ lệ ảo, đồng nghĩa với việc trao cơ hội cho những thí sinh có mong muốn học tập thực sự.
Mặt khác, cũng là cơ hội cho các trường ở nhóm dưới có thể tuyển đủ chỉ tiêu mà không cần tính đến các đợt tuyển bổ sung. “Chúng tôi thực sự mong muốn, với sự thay đổi này, ngoài việc giảm tỉ lệ thí sinh ảo, còn giúp thí sinh có nguyện vọng học tập sẽ trúng tuyển vào ngành, trường học mà mình yêu thích” - TS Nguyễn Tiến Dũng bày tỏ, đồng thời nhấn mạnh:
Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non của Bộ GD&ĐT tạo hành lang để các cơ sở giáo dục đại học có thể vận hành một cách phù hợp và công bằng. Nếu có sự cạnh tranh sẽ diễn ra trong khuôn khổ cho phép.
Tránh tình trạng như một số năm trước, một số trường gọi thí sinh nhập học, xác nhận nhập học quá sớm trong khi thí sinh chưa thi tốt nghiệp THPT. Trong chừng mực nào đấy, có thể xem là vi phạm về công tác tuyển sinh; dù rằng các trường có những cách gọi linh hoạt như: trúng tuyển tạm thời, trúng tuyển có điều kiện... Nhưng dù gọi bằng cách nào đi chăng nữa thì việc các trường yêu cầu thí sinh phải đăng ký giữ chỗ, nộp hồ sơ bản gốc trong khi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT là không hợp lý.
Cho rằng, sự điều chỉnh Quy chế tuyển sinh năm nay có thể gây khó khăn ít nhiều cho một số trường nhưng TS Nguyễn Tiến Dũng đồng thời khẳng định, giá trị mang lại là rất lớn. Trước mắt là đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các cơ sở đào tạo và sẽ không còn tình trạng yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm.
Thông tin về tuyển sinh đại học chính quy năm 2022, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho hay, nhà trường dự kiến tổ chức xét tuyển 25 ngành đào tạo; trong đó có 13 ngành ngôn ngữ và 12 ngành đào tạo bằng ngoại ngữ, với tổng số 2.840 chỉ tiêu, tăng 205 chỉ tiêu so với năm 2021. Bên cạnh đó còn có 240 chỉ tiêu của các chương trình liên kết quốc tế.
Năm nay, kế hoạch tuyển sinh và các phương thức xét tuyển của trường vẫn giữ ổn định như năm trước. Tuy nhiên, có điểm mới là mở rộng đối tượng thí sinh tham gia phương thức xét tuyển kết hợp theo quy định của trường.
Theo đó, các thí sinh có kết quả kì thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng thuộc diện được xét tuyển theo phương thức kết hợp.
Nếu so với năm ngoái, phương thức trên tăng thêm 3 đối tượng được xét tuyển. Tương ứng với đó là chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển kết hợp tăng từ 30% lên 45%; trong đó tăng thêm 15% dành cho thí sinh có điểm thi ở kỳ thi do 3 cơ sở đào tạo trên tổ chức.
Bên cạnh đó, thí sinh thuộc đối tượng xét tuyển kết hợp là học sinh các lớp chuyên, song ngữ THPT chuyên, THPT trọng điểm; học sinh THPT có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (theo quy định của nhà trường); thí sinh có điểm SAT, ACT hoặc A-Level; thí sinh là thành viên đội tuyển học sinh giỏi cấp quốc gia; thí sinh đạt giải Nhất-Nhì-Ba cấp tỉnh/thành phố; thí sinh được chọn tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức; thí sinh tham dự Vòng thi tháng cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia của Đài truyền hình Việt Nam.