Khắc phục sụt lún ở TPHCM: Loay hoay tìm giải pháp

GD&TĐ - Các nghiên cứu cho thấy, TPHCM đang sụt lún mạnh. Nguyên nhân do xây dựng quá nhiều công trình cao tầng, quy hoạch không thuận tự nhiên.

Khắc phục sụt lún ở TPHCM: Loay hoay tìm giải pháp

Có khu vực lún sâu nửa mét

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, thành phố đang là địa phương có tốc độ sụt lún rất lớn, trung bình 4 cm/năm. Cá biệt có nơi lên đến 6 - 7 cm/năm. Cụ thể, theo nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), hiện nền đất yếu chiếm đến 60% diện tích đất của thành phố.

Nó phân bố chủ yếu ở các Quận 2, 4, 6, 7, 8, huyện Nhà Bè, Cần Giờ, dọc bờ sông Sài Gòn… Xảy ra tình trạng nêu trên, ngoài lý do xây dựng nhiều công trình trên nền đất yếu và hoạt động giao thông diễn ra liên tục, còn có nguyên nhân từ việc khai thác nước ngầm.

GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường cho biết, tình trạng sụt lún không đồng đều diễn ra ở TPHCM đã nhiều năm. Những nơi như Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức... có nền đất cứng, không bị sụt lún, trong khi phía Tây Nam, Đông Nam thành phố lại bị lún nặng.

Khu vực Bình Chánh, Quận 7, Nhà Bè... đang bị sụt lún 3 cm/năm, Quận 7, Nhà Bè do nền đất yếu, phía dưới có một lớp hữu cơ dày, cho nên khi xây nhà ở vùng này phải đóng cọc sâu xuống 50m.

Nguyên nhân gây ra sụt lún nghiêm trọng là vì nước xâm nhập vào đất, làm nhão đất. Túi nước ngầm dưới sâu bị khai thác, tạo thành những khoảng trống ở trong đất, gây lún... Ngoài ra, nền đất yếu nhưng lại phải tải một khối lượng lớn công trình xây dựng, đường sá, nhà cao tầng, chung cư, các công trình xây dựng ồ ạt, dai dẳng khiến tình trạng sụt lún càng nghiêm trọng.

TS Tạ Thị Thoảng, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có nghiên cứu dự báo khu vực trung tâm TPHCM. Nếu duy trì khai thác nước ngầm như giai đoạn 1999 - 2009 thì lún do khai thác nước ngầm cộng dồn lớn nhất cho các năm 2020, 2040 và 2100 lần lượt là con số “khủng khiếp”: 63,8cm, 85,2cm và 97,6cm.

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học – kỹ thuật – môi trường TPHCM cho biết, từ năm 2000, TPHCM đã cho triển khai xây dựng các trạm quan trắc môi trường tự động và tiếp tục bổ sung kinh phí xây các trạm quan trắc môi trường tự động khác.

Nhưng đến năm 2012 thì có biểu hiện xuống cấp, hư hỏng. Trong 5 năm gần đây, TPHCM kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài hỗ trợ để đầu tư thêm hàng trăm trạm quan trắc dựa vào phương pháp bán tự động. Tuy nhiên, TPHCM vẫn đang thiếu hàng ngàn tỷ để có thể giải quyết được tạm thời các nguy cơ lún sụt nghiêm trọng.

Giải pháp nào?

Theo đại diện Sở TNMT TPHCM, thành phố sẽ đầu tư xây dựng thêm 27 trạm quan trắc tự động và 227 trạm quan trắc bán tự động về tình trạng nước ngầm, không khí và ô nhiễm nước mặt. Tổng kinh phí cho các dự án này lên tới gần 500 tỷ đồng và chỉ là bước đầu của các dự án đầu tư dài hơi.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Trung tâm Chống ngập TPHCM, hệ thống cống thoát nước chưa được đầu tư, cải tạo cũng là một trong những nguyên nhân khiến lún sụt và ngập nước đe dọa lên hạ tầng đô thị. Nhiều nghiên cứu cho thấy, 63% diện tích thành phố có độ cao tự nhiên dưới 1,5m nên những vị trí thấp hơn đỉnh triều đều bị ngập.

Theo GS.TSKH Lê Huy Bá, để khắc phục sụt lún ở TPHCM, phải lập lại bản đồ địa mạo thổ nhưỡng ở tầng sâu và bản đồ địa chất nền, qua đó xác định được những địa điểm nào vốn là nền sông, vũng, vịnh… để hạn chế xây dựng, đồng thời định vị lại những khu đất sẽ được xây dựng.

TPHCM phải lưu ý tới việc mở ra các đô thị vệ tinh, chú trọng việc phát triển đô thị về hướng Bắc và Tây Bắc như Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức... Đây là các khu vực này có nền đất cứng nên chi phí cho việc xây dựng tại đây thấp hơn từ 3 - 4 lần so với xây dựng tại vùng trũng Đông Nam, chi phí chống lún, chống ngập, chống nước biển dâng... cũng ít hơn nhiều.

Ngoài ra, phải kiểm soát khai thác nước ngầm, không thể để tình trạng nhà nhà có giếng khoan. Việc khai thác nước ngầm quá mức phục vụ sản xuất lại đóng thuế tài nguyên nước quá ít. Bởi vậy, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần mạnh mẽ hơn, những khu vực nào đã bảo đảm cung cấp nước máy thì kiên quyết cấm khai thác nước ngầm.

“Sức chịu tải của đất là có hạn, túi nước ngầm còn bị khai thác thì sẽ không có sức nâng nên lún là tất yếu. Giải pháp đầu tiên là hạn chế, không để khoan giếng vô tội vạ, kiểm soát nguồn nước ngầm. Thứ hai là không nên tập trung xây dựng ở các khu vùng đất yếu như Quận 7, Nhà Bè, đường Nguyễn Hữu Cảnh…

Cứ nén nhà cao tầng là đương nhiên gây ra hậu quả về sụt lún. Điều nguy hiểm hơn, có hiện tượng trượt trong lòng đất và hiện tượng này rất khó khắc phục. Theo đó, có lớp phù sa cận sinh và mới hoàn toàn nằm trên lòng nghiêng của dòng sông cổ nên chúng cứ truội xuống dần”, GS.TSKH Lê Huy Bá nhận định.

PGS.TS Lê Văn Trung, Trường Đại học Bách khoa TPHCM khuyến nghị quy hoạch của thành phố đừng để bề mặt không thấm, bê tông hóa mở rộng, trong khi đó phải xây dựng các hồ điều tiết để trữ nước mưa.

Vùng nào cấp nước mặt thì tuyệt đối không cho phép sử dụng nước ngầm. Cần hạn chế tối đa việc khai thác nước ngầm, giảm mật độ xây dựng ở những nơi có nền đất yếu. Ngoài ra, cần có những mô phỏng dự đoán tình trạng sụt lún ở các khu vực để có giải pháp phù hợp trong việc quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị.

Theo KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM cho rằng, TPHCM khó thoát khỏi chuyện lún vì về tự nhiên thì thành phố lún từ từ và với áp lực phát triển đô thị thì sẽ lún nhiều hơn. Cần phát triển đô thị trên nền đất cứng, với nền đất yếu thì phải có giải pháp kỹ thuật để gia cố nền đất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.