Khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện đặc xá với người nước ngoài

GD&TĐ - Khi có Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước đối với người nước ngoài, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người được đặc xá là công dân và đề nghị phối hợp thực hiện Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Quản lý đối tượng người nước ngoài được đặc xá

Tờ trình dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) của Chính phủ được báo cáo trước Quốc hội vào chiều nay (21/5), có nêu: Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc khi thi hành Luật Đặc xá năm 2007 về quản lý đối tượng người nước ngoài được đặc xá, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 19.

Cụ thể: "Khi có Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước đối với người nước ngoài, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người được đặc xá là công dân và đề nghị phối hợp thực hiện Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước.

Trường hợp các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người được đặc xá là công dân nhưng các cơ quan này không đến nhận hoặc chưa đến nhận thì người nước ngoài được đặc xá được bố trí lưu trú tại cơ sở lưu trú do cơ quan quản lý thi hành án hình sự chỉ định trong thời gian chờ làm các thủ tục cần thiết” và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Quy định này là phù hợp với khoản 4 Điều 40 Luật Thi hành án hình sự năm 2010; đồng thời, cụ thể hóa chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đối với người nước ngoài phạm tội.

Ủy ban Tư pháp cho rằng, đây là quy định mới nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện Quyết định đặc xá đối với người nước ngoài.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Chính phủ nghiên cứu, cân nhắc kỹ quy định về lưu trú của người được đặc xá là người nước ngoài, bảo đảm phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, dự liệu được những hệ quả pháp lý xảy ra như ý kiến của Bộ Ngoại giao.

Các trường hợp không đề nghị đặc xá

Cũng theo Tờ trình của Chính phủ, các trường hợp không đề nghị đặc xá được nêu trong dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) đó là: “Phần bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đó đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự” để cụ thể, phù hợp hơn và bảo đảm quyền được đề nghị được đặc xá đối với các trường hợp có phần bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đó đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng giữ nguyên hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Đồng thời, dự thảo Luật bỏ quy định trước đó đã được đặc xá và có từ hai tiền án trở lên được quy định tại Điều 11 của Luật Đặc xá năm 2007 nhằm thu hẹp diện đối tượng không đề nghị đặc xá, bảo đảm thể hiện được đầy đủ ý nghĩa là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước đối với người phạm tội bị kết án phạt tù.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ