Xét báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận về tiến độ giải quyết vụ việc "tráo máy Nhật bằng máy Trung Quốcphát cho dân nghèo" tại xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo cơ quan Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật xin ý kiến Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và ban Nội chính Trung ương để có giải pháp xử lý các tổ chức, cá nhân có vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Công an huyện Hàm Thuận Bắc đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Huỳnh Thúc Mẫn, Chủ tịch UBND xã La Dạ và bà Dương Ngọc Thu Huyền, kế toán UBND xã La Dạ về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Kết quả điều tra ban đầu, cơ quan chức năng xác định có 172 máy nông cụ giả nhãn mác của hãng Honda, trong đó có loại máy hãng này đã không còn sản xuất nữa; ngoài ra còn có 153 máy nông cụ khác có giá trị thấp và thiếu 3 máy so với hợp đồng. Cơ quan điều tra đã xác định vụ việc này gây thiệt hại hơn 550 triệu đồng, làm ảnh hưởng xấu đến chủ trương của Chính phủ.
Vụ việc bắt đầu từ tháng 7/2016, UBND huyện Hàm Thuận Bắc ra quyết định số 4054/QĐ-UBND để triển khai Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ bằng tiền cho các hộ nghèo đồng bào thiểu số để họ tự mua máy móc, nông cụ.
Xã La Dạ có 306 hộ với 1.335 khẩu được hỗ trợ mua sắm với số tiền 1,530 tỷ đồng. Do sợ người dân tiêu xài, không mua sắm máy, UBND xã La Dạ đã tổ chức họp dân thông báo số tiền được hỗ trợ là 5 triệu đồng/hộ để đăng ký mua máy móc, nông cụ theo yêu cầu. UBND xã La Dạ sau đó ký hợp đồng với Cơ sở nông cơ Minh Thắng (huyện Tánh Linh, Bình Thuận) cung ứng máy móc, nông cụ. Tổng giá trị hợp đồng là 1,530 tỷ đồng, gồm 20 loại máy móc, nông cụ nhãn hiệu Honda.
Trong tháng 1/2017, UBND xã La Dạ tiến hành cấp máy móc cho người dân. Tuy nhiên, sau khi nhận máy móc, nông cụ, một số hộ đưa vào sử dụng, chất lượng máy không bảo đảm, phát hiện trên thân máy có 2 loại tem của 2 nhãn hiệu dán chồng lên nhau.
Nghi vấn máy không chính hãng, xuất xứ từ Trung Quốc, nhiều hộ dân đi kiểm tra giá máy tại các cửa hàng, phát hiện các máy nông cụ mà họ nhận với giá 5 triệu đồng thực chất không quá 2 triệu đồng/máy. Nhiều hộ nghèo đã yêu cầu làm rõ việc đánh tráo máy và ăn bớt tiền này.