Khắc phục khó khăn do dịch bệnh Covid-19, sẵn sàng triển khai SGK mới

GD&TĐ - Chuẩn bị cho năm học 2021-2022, các nhà trường tại Vĩnh Phúc đã chủ động khắc phục khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra và sẵn sàng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để triển khai chương trình GDPT mới.

Giờ dạy Toán lớp 1 tại Trường TH Định Trung, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Ảnh tư liệu
Giờ dạy Toán lớp 1 tại Trường TH Định Trung, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Ảnh tư liệu

Chủ động khắc phục về đội ngũ

Trường Tiểu học Đồng Tiến đóng trên địa bàn xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Nơi đây, điều kiện kinh kế còn gặp nhiều khó khăn. Học sinh (HS) của nhà trường có 88,6% là người đồng bào dân tộc.

Cơ sở vật chất của nhà trường đã được quan tâm đầu tư song mới chỉ đáp ứng nhu cầu học 2 buổi/ngày của HS. Trang thiết bị dạy học còn thiếu nhiều ở các khối từ 2 đến 5.

Giáo viên Trường TH Đồng Tiến hướng dẫn học sinh học bài. Ảnh tư liệu
Giáo viên Trường TH Đồng Tiến hướng dẫn học sinh học bài. Ảnh tư liệu

Năm học tới, nhà trường dự kiến có 155 HS lớp 1 và 151 HS lớp 2. Để triển khai và thực hiện chương trình GDPT mới đối với lớp 1, 2, nhà trường đã chọn đủ số GV. Số GV này được tham gia tập huấn, bồi dưỡng và giới thiệu về SGK mới. Đồng thời, nhà trường chú trọng tu sửa CSVC, đăng ký sách giáo khoa cho GV và HS đầy đủ.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, bà Nguyễn Thị Ngọc Tú – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mặc dù năm học 2020-2021 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 tuy nhiên đội ngũ giáo viên (GV) nhà trường đã chủ động khắc phục khó khăn, triển khai và thực hiện tốt chương trình GDPT mới với lớp 1. Với đội ngũ GV được lựa chọn kĩ cùng việc ưu tiên cơ sở vật chất nên đến cuối năm học, chất lượng HS lớp 1 được đảm bảo. Tỷ lệ HS hoàn thành trở lên đối với nôn Tiếng Việt và môn Toán đạt 95,4%.

Cũng theo chia sẻ của Hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngọc Tú, do thiếu GV Tiếng Anh nên nhà trường chỉ tổ chức cho học sinh khối 3,4,5 học Tiếng Anh mỗi tuần 2 tiết. Đối vưới môn Tin học, nhà trường chưa có GV nên chưa thể triển khai dạy môn học này.

Một giờ học của học sinh Trường TH Đồng Tiến. Ảnh tư liệu
Một giờ học của học sinh Trường TH Đồng Tiến. Ảnh tư liệu

“Để khắc phục tình trạng thiếu GV Tiếng Anh và Tin học, nhà trường đã có kế hoạch tuyển GV hợp đồng. Tuy nhiên, quá trình tuyển dụng còn gặp nhiều khó khăn. Bởi, lương GV hợp đồng thấp cùng đặc thù của địa phương, sinh viên có trình độ Tiếng Anh và Tin học thường xin làm trong các doanh nghiệp hoặc mở quán kinh doanh nên không mặn mà với công việc là GV hợp đồng.

Trước mắt, đối với môn Tin học, nhà trường khắc phục bằng cách ký hợp đồng với GV Tin đang dạy cấp 2 để bố trí thời gian dạy ở trường vào buổi chiều các ngày trong tuần. Về lâu dài và đặc biệt khi các môn này trở thành môn học chính khóa, nhà trường cũng đề xuất được bổ sung GV biên chế. Có như vậy, đội ngũ GV nhà trường mới ổn định và chất lượng mới được nâng lên”- Hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngọc Tú chia sẻ thêm.

Phát huy lợi thế

Trường THCS Lập Thạch là trường THCS trọng điểm chất lượng cao của huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc). Do vậy, nhà trường được UBND huyện biên chế đội ngũ GV có trình độ năng lực chuyên môn vững vàng, đủ về số lượng và cơ cấu các bộ môn. Về cơ sở vật chất, năm học 2021-2022 nhà trường ưu tiên các phòng học thông minh cho giảng dạy lớp 6, nâng cấp hệ thống mạng internet để các thầy cô giáo dễ dàng truy cập “sách mềm” giảng dạy cho học sinh một cách tốt nhất.

Hoạt động làm việc nhóm trong giờ học Toán của học sinh Trường THCS Lập Thạch. Ảnh tư liệu
Hoạt động làm việc nhóm trong giờ học Toán của học sinh Trường THCS Lập Thạch. Ảnh tư liệu

Theo ông Trần Ngọc Khang – Phó Hiệu trưởng nhà trường, năm học 2021-2022 trường có 18 lớp, trong đó có 5 lớp 6 với 175 HS. Từ năm học 2020-2021, nhà trường đã có kế hoạch dự kiến GV giảng dạy CT SGK lớp 6 mới. Số GV này đã tham gia đầy đủ chương trình tập huấn các modun do Bộ GD&ĐT tổ chức. Trong đó, có những giáo viên là giáo viên cốt cán tham gia chương trình tập huấn của Bộ GD&ĐT. 100% GV của nhà trường tham gia các buổi giới thiệu SGK lớp 6 của các nhà xuất bản và tập huấn về sử dụng bộ SGK các môn đã chọn.

Tuy vậy, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến công tác tập huấn chuyên môn của nhà trường về dạy SGK lớp 6 mới. Hiện tại, GV mới chỉ tiếp cận được SGK mới bằng bản mềm do các nhà xuất bản cung cấp. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên được đào tạo và đã quen với cách dạy riêng rẽ từng môn học. Hình thức quản lí nhà trường, hoạt động chuyên môn của giáo viên cũng đã quen với quản lí tách biệt các môn. Do đó, nhà trường nhận định sẽ gặp đôi chút khó khăn trong dạy học môn KHTN.

Để khắc phục những khó khăn hiện hữu trên, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến công tác tập huấn GV, ông Trần Ngọc Khang cho biết: Nhà trường đã có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ GV, nhất là phát huy vai trò của đội ngũ GV cốt cán. Đồng thời, yêu cầu GV tự bồi dưỡng, cùng nhau trao đổi, thiết kế các chủ đề tích hợp qua đó phát triển năng lực dạy học tích hợp. Chủ động và tích cực trong đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích hợp, phân hóa, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đổi mới kiểm tra đánh giá theo yêu cầu vì sự tiến bộ và phát triển năng lực HS.

Trường THCS Lập Thạch tổ chức trao thưởng cho học sinh tham gia cuộc thi An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai. Ảnh tư liệu

Trường THCS Lập Thạch tổ chức trao thưởng cho học sinh tham gia cuộc thi An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai. Ảnh tư liệu

“Với môn KHXH, chương trình môn học này bao gồm 2 phân môn là Lịch sử và Địa lí. Mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng, trong đó nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau. Năm đầu tiên thực hiện CT, nhà trường dự kiến phân công GV giảng dạy các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn và đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để GV đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học.

Đối với môn KHTN, hiện tại nhà trường chỉ có GV được đào tạo giảng dạy hai môn Hóa học, Sinh học nên việc bố trí GV giảng dạy môn KHTN gặp khó khăn. Đây cũng là khó khăn chung của đa số các trường THCS khi thực hiện SGK lớp 6 năm học 2021-2022. Nhà trường dự kiến phân công 1 GV được đào tạo hai môn Hóa học, Sinh học giảng dạy môn KHTN và phân công 1 GV có chuyên môn đào tạo dạy Vật lí hỗ trợ cho GV này” – Phó Hiệu trưởng Trần Ngọc Khang cho biết thêm.

Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.