Về hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm, Bộ GD&ĐT cho biết: Việc dạy thêm học thêm là nhu cầu có thực, xuất phát từ nguyện vọng của học sinh, gia đình, không chỉ riêng Việt Nam mà ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên ở một số nơi, nhất là các thành phố lớn, các khu đô thị, do nhiều nguyên nhân, tình trạng dạy thêm học thêm trái quy định vẫn chưa được khắc phục.
Để hạn chế, khắc phục tình trạng dạy thêm học thêm sai quy định, Bộ GD&ĐT đã và đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực học sinh theo hướng dẫn tại Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 3/10/2017, tiếp tục tinh giản nội dung dạy học đảm bảo không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình; tăng cường hướng dẫn học sinh tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức; thực hiện nghiêm việc kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, không nặng về kiểm tra kiến thức.
Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, bảo đảm yêu cầu giảm tải, giảm hàn lâm, gắn với thực tiễn; thực hiện tốt phương pháp giáo dục tích cực, tăng cường hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm cho học sinh; kiểm tra, đánh giá, thi cử nhẹ nhàng, không nặng về kiểm tra kiến thức mà tập trung đánh giá sự phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Bộ GD&ĐT xem đây là giải pháp quan trọng nhằm từng bước khắc phục tình trạng dạy thêm học thêm sai quy định.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh/thành phố làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm.
Về bệnh thành tích trong giáo dục: Trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, qua đó chất lượng giáo dục toàn diện đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, hiện tượng chạy theo thành tích như việc đề ra các chỉ tiêu, tiêu chí mang tính hình thức, gây áp lực cho giáo viên và học sinh vẫn còn diễn ra ở một số địa phương, gây bức xúc trong dư luận. Nhận thức rõ được vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã và đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp từng bước khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của ngành.
Bộ GD&ĐT đang chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản không còn phù hợp, dễ dẫn tới bệnh thành tích; tinh giản các cuộc thi để giảm áp lực cho giáo viên, học sinh phổ thông; xây dựng các tiêu chí thi đua cụ thể, thiết thực để đánh giá sự tiến bộ của từng tập thể, cá nhân.