Khắc phục bất cập của sổ liên lạc điện tử

GD&TĐ - Được ứng dụng trong ngành Giáo dục vài năm gần đây, sổ liên lạc điện tử (SLLĐT) có nhiều ưu điểm nhằm mang lại nhiều giản tiện cho giáo viên, phụ huynh. Song bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ còn hạn chế, mức phí chưa tương xứng khiến nhiều phụ huynh băn khoăn.

Khắc phục bất cập của sổ liên lạc điện tử

Tính năng ưu việt

SLLĐT là hình thức trao đổi thông tin quản lý học sinh từ nhà trường đến phụ huynh dựa trên các ứng dụng công nghệ, phần mềm tiện ích. Phụ huynh có thể nhận tin từ điện thoại di động hoặc truy cập vào hệ thống để theo dõi thông tin kết quả học tập của con em mình thay cho sổ liên lạc truyền thống bằng giấy trước đây. Tại huyện Lục Nam (Bắc Giang), các nhà mạng Viettel, VNPT đã cung cấp các gói dịch vụ SLLĐT tới 10/33 trường khối tiểu học, 30/31 trường khối THCS và một số trường mầm non.

Chị Trương Thu Thủy có con học tại Trường THCS thị trấn Đồi Ngô cho biết: “Nhờ SLLĐT, các thông tin, thông báo của nhà trường như: Mời họp, thời khóa biểu, khoản đóng góp, nghỉ lễ tết, nghỉ học do thời tiết xấu, thiên tai, kết quả học tập, nhận xét của giáo viên về quá trình tu dưỡng rèn luyện đạo đức của con được chuyển đến gia đình kịp thời, tương đối chính xác. Gia đình có thể chủ động sắp xếp thời gian đưa đón con”.

Còn theo đánh giá của thầy Nguyễn Danh Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Phương Sơn: SLLĐT đã giảm bớt những khó khăn, vất vả cho giáo viên chủ nhiệm khi phải thông báo tới nhiều phụ huynh cùng một lúc như sổ liên lạc trước đây. Công tác phối hợp giữa nhà trường với phụ huynh chặt chẽ hơn, việc quản lý, động viên, khích lệ, uốn nắn, nhắc nhở học sinh được kịp thời.

SLLĐT là một trong nhiều nội dung trong chương trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học thông qua thỏa thuận hợp tác toàn diện về công nghệ thông tin giữa Sở GD&ĐT với Viettel Bắc Giang và VNPT Bắc Giang.

Để thực hiện, hằng năm Sở đã có văn bản đôn đốc Phòng GD&ĐT địa phương và các trường trực thuộc tiếp tục tăng cường phối hợp với các nhà mạng trong việc ứng dụng SLLĐT. Cách thức thực hiện do nhà trường, nhà mạng và phụ huynh học sinh tự thỏa thuận bằng việc thống nhất, ký hợp đồng từ đầu năm học.

Hiện các đơn vị cung cấp dịch vụ gồm: Viettel, VNPT hỗ trợ đường truyền mạng, phần mềm miễn phí cho các nhà trường, cùng đó đưa ra nhiều gói dịch vụ với mức giá cước từ 20.000 đồng đến 250.000 đồng/năm học/học sinh (tùy vào số lượng tin nhắn, nội mạng, ngoại mạng).

Nhà mạng VNPT cung cấp miễn phí sim điện thoại, lập tài khoản để phụ huynh có thể truy cập vào hệ thống tìm kiếm thông tin kết quả học tập cho con em mình. Viettel Bắc Giang cũng hỗ trợ 50 tin nhắn/năm cho phụ huynh thuộc hộ nghèo, miễn phí một số tin nhắn cho giáo viên...

Chất lượng chưa tương xứng

Năm học 2016 - 2017, huyện Yên Thế (Bắc Giang) có 23 trường sử dụng SLLĐT với hơn 6,4 nghìn học sinh tham gia (đa phần do VNPT cung cấp dịch vụ). Các nhà trường và phụ huynh thường chọn gói cước 50.000 đồng/ năm học/học sinh, song nhiều phụ huynh chưa hài lòng về chất lượng dịch vụ. Dù tiện ích nhưng SLLĐT còn nhiều bất cập do không gửi được bảng điểm, tỷ lệ tin thất bại cao, nhiều phụ huynh không nhận được tin, cá biệt có trường hợp tin nhắn nhầm địa chỉ.

Tại Trường THCS Tân Hiệp, tỷ lệ tin nhắn thất bại lên tới 14,4%, Trường THCS Đông Sơn là 6,9% và Trường THCS Xuân Lương là 10,8%. Tính năng lưu trữ thông tin hạn chế, việc trích xuất, in, sao dữ liệu chưa thuận tiện, phải ghép nhiều file mới đủ thông tin của một học sinh và đây mới chỉ có thông tin một chiều, chưa có chức năng phản hồi của phụ huynh như sổ liên lạc truyền thống.

Nhiều nhà trường chưa duy trì nhắn thường xuyên nên phụ huynh cho rằng giá cước quá cao. Dùng gói cước 50.000 đồng, năm học qua bình quân Trường THCS Bố Hạ gửi 3, 4 tin nhắn cho mỗi phụ huynh, tương đương 14,7 nghìn đồng/tin nhắn (cao gấp hàng chục lần so với tin nhắn thông thường). Trường Tiểu học thị trấn Bố Hạ, trung bình cả năm học gửi cho phụ huynh 5 tin nhắn, như vậy mỗi tin nhắn phụ huynh sẽ phải trả khoảng 10.000 đồng.

Theo ông Trần Tuấn Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang: Sở chưa có thống kê, đánh giá nào về hiệu quả sử dụng dịch vụ SLLĐT, do đã trao quyền tự chủ cho các nhà trường. Mọi hoạt động do đơn vị cung cấp dịch vụ tự thỏa thuận với nhà trường và phụ huynh nên Sở không thể can thiệp sâu.

Tuy vậy theo thông tin từ hai nhà mạng, năm học qua toàn tỉnh có 119 trường với hơn 70.000 học sinh sử dụng SLLĐT của Viettel và 100 trường với 68.000 học sinh sử dụng dịch vụ của VNPT. Để khắc phục bất cập, từ năm học này Viettel Bắc Giang đưa vào ứng dụng mới cho phép phụ huynh có thể nhắn tin trao đổi phản hồi với giáo viên, bổ sung phần trò chơi thi trắc nghiệm kiến thức nhằm hỗ trợ học tập cho học sinh nhưng đòi hỏi phụ huynh, học sinh cần có máy tính, điện thoại thông minh kết nối mạng. Nhà mạng này cũng sẽ theo dõi và đôn đốc các nhà trường chưa tích cực gửi tin nhắn cho phụ huynh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...