Giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam:

Khắc họa cống hiến thầm lặng của những thầy cô giáo dạy trẻ tự kỷ

GD&TĐ - Tác phẩm “Như ánh ban mai”, nhằm khắc họa cống hiến thầm lặng của những thầy cô giáo dạy trẻ tự kỷ.

Nhà báo Nguyễn Thị Hoa.
Nhà báo Nguyễn Thị Hoa.

Tri ân những thầy cô giáo đặc biệt

Tác phẩm “Như ánh ban mai” thuộc loại hình phát thanh của nhóm tác giả Vũ Thị Dung, Nguyễn Thị Hoa, Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh - là một trong những tác phẩm đạt giải năm nay.

Đại diện nhóm tác giả, nhà báo Nguyễn Thị Hoa cho biết, đây là năm đầu tiên tham dự giải, bản thân cũng như các tác giả trong nhóm rất vui và tự hào.

Nói về tác phẩm “Như ánh ban mai”, nhà báo Nguyễn Thị Hoa cho biết, tác phẩm nhằm khắc họa công việc của những giáo viên dạy trẻ tự kỷ.

Họ là những giáo viên đặc biệt bởi họ không đứng trên bục giảng, không có ngày nghỉ hè cũng không có bất kỳ một giáo án nào có thể chuẩn bị được, và học trò của họ cũng rất đặc biệt.

Đó là những đứa trẻ bị khiếm khuyết trong giao tiếp, trong tương tác với mọi người, khó khăn trong việc kiểm soát ngôn ngữ, hành vi, cảm xúc dẫn đến giảm khả năng hòa nhập xã hội.

Chính vì vậy, các thầy cô giáo dạy trẻ tự kỷ không chỉ dạy chữ mà còn phải dạy cho trò những kỹ năng đơn giản nhất mà lẽ ra đứa trẻ bình thường nào cũng có, để trẻ có thể hòa nhập được với cộng đồng.

Đây là công việc đòi hỏi sự nỗ lực, sự kiên trì, tâm huyết và sự hy sinh rất lớn. Điều quan trọng nhất là phải có tình yêu thương trẻ. Bởi đa số trẻ khi đến lớp đều trong tình trạng chống đối người lạ, mà cụ thể là các thầy cô giáo bằng cách la hét, khóc, quay lưng, ăn vạ…

Bên cạnh những vất vả đó, các thầy cô giáo còn phải làm công tác tư tưởng cho phụ huynh bởi không phải phụ huynh nào cũng có sự phối hợp, đồng hành, kiên nhẫn.

Nhà báo Vũ Thị Dung, Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh trong nhóm tác giả, tác phẩm "Như ánh ban mai".

Nhà báo Vũ Thị Dung, Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh trong nhóm tác giả, tác phẩm "Như ánh ban mai".

“Vất vả, áp lực là vậy, tuy nhiên, trên thực tế công việc dạy trẻ tự kỷ vẫn chưa được nhiều người biết đến, chưa có cái nhìn khách quan từ phía xã hội. Vì vậy tác phẩm mong muốn đem tới cho người nghe hiểu rõ hơn nghề giáo đặc biệt này và thấy được sự hy sinh thầm lặng của các thầy cô dạy trẻ tự kỷ. Qua đây hy vọng sẽ đem tới cho người nghe cái nhìn đồng cảm với trẻ tự kỷ để giúp các em có thể hòa nhập tốt với cộng đồng”, nhà báo Nguyễn Thị Hoa chia sẻ.

Kiên trì đeo bám đề tài

Nhà báo Nguyễn Thị Hoa cho biết, khó khăn nhất khi thực hiện tác phẩm này là thu âm được những chia sẻ từ phía phụ huynh. Dù đã đặt vấn đề khai thác câu chuyện từ trẻ và gia đình trẻ nhưng nhiều phụ huynh vẫn e ngại, không muốn lên sóng chia sẻ câu chuyện của gia đình mình.

Điều đó cho thấy không nhiều phụ huynh mở lòng, đôi khi họ không chấp nhận việc con mình mắc chứng rối loạn tự kỷ, đôi khi trốn tránh không muốn đối mặt, không sẵn sàng để chia sẻ vấn đề này.

“Chính vì vậy khi thực hiện tác phẩm, chúng tôi đã phải mất rất nhiều thời gian để thuyết phục, nói cho các phụ huynh hiểu công việc chúng tôi đang làm, điều chương trình mong muốn đem tới. Qua đó đã thuyết phục được họ lên sóng và chủ động chia sẻ cùng chương trình”, nhà báo Nguyễn Thị Hoa nói.

Bên cạnh đó, để có cái nhìn chân thực nhất về công việc của các thầy cô giáo, chương trình thực hiện trực tiếp tại phòng thu và tại cơ sở hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập – nơi đang dạy học cho trẻ tự kỷ.

Để có thể trò chuyện cùng trẻ khi thực hiện phát sóng tại đây cũng không đơn giản. MC chương trình đã phải làm quen trước, trò chuyện với trẻ rất nhiều lần, để trẻ quen thuộc với mình và khi lên sóng có sự hợp tác của trẻ.

Theo nhà báo Nguyễn Thị Hoa, cũng như mọi năm, năm nay Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhận được số lượng lớn tác phẩm dự thi.

Các tác phẩm dự giải đều được đánh giá tốt, đã bám sát các chủ đề lớn liên quan đến sự nghiệp giáo dục Việt Nam, nhiều bài có tính chất phản biện mạnh mẽ… với cách thể hiện độc đáo, sáng tạo.

Qua đó cho thấy sức hút mạnh mẽ, chất lượng và tác động tích cực của giải báo chí này. Bên cạnh đó cũng cho thấy tâm huyết, sự yêu nghề, say mê của những người cầm bút.

Đây cũng là cơ hội để những người làm báo giao lưu, học hỏi, qua đó hoàn thiện hơn nữa kỹ năng, nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Mầm non Hoa Hồng (Quận 7, TPHCM) chăm sóc trẻ. Ảnh: TH

Chống 'sốc' cho trẻ mầm non

GD&TĐ - Do đã quen nếp sinh hoạt ở nhà hoặc chưa tiếp xúc với môi trường học mới, nên khi bắt đầu đến trường, trẻ dễ mắc tâm lý sợ hãi…