Kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030: Không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau

GD&TĐ - Hội nghị cấp cao của Đại hội đồng Liên Hiêp Quốc về Kết thúc đại dịch AIDS diễn ra từ ngày 8 - 10/6. Tại hội nghị, các quốc gia tham dự đều cam kết dồn tổng lực, đẩy nhanh tiến độ cho phòng chống AIDS. Việt Nam cũng cam kết thực hiện mục tiêu trên với mong muốn các chính sách phòng, chống sẽ giúp không một người dân nào bị bỏ lại phía sau.

Kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030: Không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau

Thách thức mới

Là một trong những nước được đánh giá đạt nhiều thành quả trong công cuộc phòng, chống đại dịch HIV/AIDS. Tuy nhiên, trong tình hình mới, công việc trên gặp không ít khó khăn.

Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, cả nước phát hiện khoảng 254.000 người nhiễm HIV, mỗi năm khoảng 12.000 - 14.000 trường hợp nhiễm mới HIV. Trong số những người mới phát hiện nhiễm HIV trong năm 2015, nữ chiếm 34,1%, nam chiếm 65,9%. Con đường lây truyền có sự dịch chuyển mạnh, từ tiêm chích sang quan hệ tình dục (50,8%), tiếp đó là lây qua đường máu chiếm 36,1%, mẹ truyền sang con chiếm 2,8% và không rõ nguyên nhân chiếm 10,4%...

Diễn biến của dịch vẫn diễn ra phức tạp trong khi nguồn lực phòng chống căn bệnh này lâu nay phụ thuộc phần lớn vào quốc tế nhưng nay bị cắt giảm dần. Ước tính đến năm 2017, viện trợ mua thuốc ARV sẽ bị cắt hoàn toàn. Để bù đắp kinh phí mua thuốc ARV, dự kiến, mỗi năm số tiền nhà nước chi trả khoảng 240 tỷ đồng. Khó khăn về nguồn lực nên mức độ bao phủ dịch vụ phòng, các chỉ số dự phòng, can thiệp giảm tác hại, xét nghiệm và điều trị cũng chưa đạt mức có thể khống chế được đại dịch HIV/AIDS.

Khó khăn về kinh phí chỉ là một phần, điều khiến những người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS lo ngại là sự xuất hiện các yếu tố nguy cơ mới đó là việc sử dụng ma túy tổng hợp ở giới trẻ và phụ nữ bán dâm dẫn đến tăng nguy cơ quan hệ tình dục tập thể không được bảo vệ. Bên cạnh đó, vấn nạn mại dâm nam, chuyển giới nữ cũng khiến cho tình hình kiểm soát HIV/AIDS trở nên phức tạp hơn.

Dồn lực phòng, chống HIV/AIDS

Là quốc gia đầu tiên ở châu Á - Thái Bình Dương hưởng ứng Mục tiêu 90 - 90 - 90 của Liên Hiêp Quốc, với những thành tựu to lớn đã giành được trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Số nhiễm HIV mới được phát hiện trong năm 2015 là 12.000 người - giảm gần 2/3 so với mức đỉnh điểm vụ dịch vào năm 2007. Tính đến cuối năm 2015, đã có tới hơn 105.000 người nhiễm đã được điều trị ARV - tăng gấp 30 lần so với năm 2005. Việt Nam cũng đã thí điểm và triển khai nhiều sáng kiến mới như “Điều trị 2.0” thông qua việc đơn giản hóa, phân cấp điều trị ARV và đưa xét nghiệm HIV xuống cộng đồng do chính các tổ chức dựa vào cộng đồng thực hiện. Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu thực hiện những sáng kiếm mới trong phòng, chống HIV khi nhiều quốc gia khác còn chưa áp dụng.

Theo đánh giá của TS Kristan Shoultz, Giám đốc UNAIDS Việt Nam: Việt Nam là một đối tác quan trọng trong ứng phó toàn cầu. “Chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo chính trị mạnh mẽ để dồn tổng lực đẩy nhanh tiến độ phòng, chống dịch AIDS và góp phần tạo dựng một thế giới mới, ở đó AIDS sẽ không còn là mối nguy hại cho sức khỏe của người dân”, TS Kristan Shoultz nhận định.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Để kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030, vấn đề quan trọng là không một người dân nào bị bỏ lại phía sau. Mỗi con người, mỗi quốc gia đều phải được chú trọng, quan tâm. Sát cánh bên nhau, cùng đưa ra những cam kết chính trị mạnh mẽ và nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế sẽ là những minh chứng về thành công của công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.

Thực hiện mục tiêu trên, Việt Nam hướng đến việc tăng cường công tác xét nghiệm phát hiện HIV đồng thời mở rộng điều trị ARV. Đây được coi là động lực lớn thúc đẩy tiến độ chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam. Bên cạnh đó, dự phòng lây nhiễm HIV và xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV cũng là những mục tiêu quan trọng cần phải thực hiện. Những nhóm có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV và chịu ảnh hưởng của HIV như người tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục đồng giới nam, người bán dâm và bạn tình của những người này cần được tiếp cận một cách dễ dàng tới các dịch vụ phòng, chống HIV có chất lượng và các dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội khác mà không bị kỳ thị và phân biệt đối xử.

Mục tiêu 90 – 90 - 90 là 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% số người này được điều trị ARV; và 90% số người được điều trị ARV duy trì tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một mối lo ngại khi sinh con của người trẻ tuổi ở Nam Á là chi phí sinh nở. Ảnh: UNICEF

Đằng sau xu hướng không sinh con ở Nam Á

GD&TĐ - Hầu hết các quốc gia ở Nam Á đang phải vật lộn với tăng trưởng kinh tế chậm, lạm phát gia tăng, tình trạng thiếu việc làm và nợ nước ngoài.