"Bán đảo Crimea là của Ukraine, và sẽ luôn như vậy. Chúng tôi không thể thảo luận về các vấn đề lãnh thổ - điều đó sẽ vi phạm Hiến pháp của chúng tôi", Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky phát biểu với giới báo chí sau cuộc hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Ankara hôm 15/5.
Nhà lãnh đạo Kiev đồng thời cho biết thêm rằng, điều tương tự cũng áp dụng cho các vùng lãnh thổ khác mà Ukraine tuyên bố chủ quyền.
Trước đó, Moscow đã tuyên bố rằng, việc trao trả các khu vực mới của Nga là Kherson, Zaporozhye và Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR) tự xưng không phải là vấn đề cần thảo luận.
Crimea, nơi có dân số chủ yếu là người Nga, đã bỏ phiếu ly khai khỏi Ukraine và gia nhập Nga ngay sau cuộc đảo chính do phương Tây hậu thuẫn năm 2014 ở Kiev.
Các nước cộng hòa Donbass nói tiếng Nga chủ yếu là Donetsk và Lugansk tự xưng, cùng với các khu vực Kherson và Zaporozhye, cũng đã làm như vậy sau khi tổ chức trưng cầu dân ý vào tháng 9/2022.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói với tạp chí Time vào tháng trước rằng, "Crimea sẽ ở lại với Nga", khẳng định rằng, nhà lãnh đạo Kiev cũng hiểu điều này.
Theo các báo cáo, kế hoạch hòa bình do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất bao gồm việc đóng băng xung đột dọc theo tuyến đầu hiện tại và công nhận chủ quyền của Nga đối với bán đảo.
Vào ngày 14/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã tham gia các cuộc đàm phán với Tổng thống Zelensky tại Kiev hôm 10/5, đã nói là: “Ngay cả chính người dân Ukraine cũng đủ sáng suốt để thừa nhận rằng… họ sẽ không có khả năng đòi lại mọi thứ hiện Nga đang kiểm soát kể từ năm 2014”.
Vào cuối tháng 4/2025, ông Zelensky xác nhận rằng, "Ukraine không có đủ vũ khí để giành lại quyền kiểm soát bán đảo Crimea bằng vũ lực", và bày tỏ hy vọng rằng, các lệnh trừng phạt và áp lực ngoại giao liên tục đối với Nga có thể tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận trong tương lai về "các vấn đề lãnh thổ".
Moscow và Kiev đều đã cử phái đoàn đến Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước đề nghị nối lại đối thoại trực tiếp để tìm ra giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Tổng thống Zelensky ban đầu từ chối đàm phán trừ khi Moscow đồng ý ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày. Tuy nhiên, ông đã thay đổi lập trường sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai thúc giục Kiev tham gia.
Điện Kremlin đã nhiều lần lập luận rằng, bất kỳ lệnh ngừng bắn kéo dài nào cũng sẽ được Ukraine tận dụng để tập hợp lại lực lượng bị tổn thất và tiếp tục chiến dịch huy động.