Kết quả kỳ thi sẽ phản ánh đúng năng lực thí sinh

GD&TĐ - Đến thời điểm này, công việc chấm thi đang được đẩy nhanh tiến độ, nhiều cụm thi dự kiến sẽ xong trước ngày 20/7. Các trường ĐH, CĐ cũng đã sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh.

Sau kỳ thi thí sinh hồi hộp chờ kết quả
Sau kỳ thi thí sinh hồi hộp chờ kết quả

Để làm rõ các vấn đề bạn đọc quan tâm đến công tác chấm thi và tuyển sinh tới đây, Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với GS.TS Bùi Văn Ga  - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.

Thưa Thứ trưởng, thời điểm này đã gần đến ngày cuối cùng của lịch chấm thi theo quy định. Xin Thứ trưởng cho biết, tiến độ chấm thi của các trường, cũng như việc công bố kết quả, điều mà dư luận đang mong ngóng?

- Hiện nay công tác chấm thi ở tất cả các cụm thi đang trong quá trình nước rút để kết thúc. Nhiều cụm thi có số lượng thí sinh ít thì đã kết thúc chấm thi và đang tiến hành rà soát kết quả để tổng hợp chuẩn bị báo cáo về Bộ.

Bộ GD&ĐT cũng đã gửi công văn đến tất cả các cụm thi hướng dẫn cách gửi kết quả về Bộ. Bộ yêu cầu các cụm thi không công bố ngay sau khi kết thúc chấm thi. 

Tất cả kết quả đều chuyển về Bộ GD&ĐT để rà soát, kiểm tra và sẽ công bố vào cùng một thời điểm thống nhất trên cả nước. Theo kế hoạch thì ngày 20/7, Bộ sẽ nhận được kết quả của tất cả các cụm thi.

Dư luận xã hội đang có nhiều ý kiến về kết quả điểm của thí sinh sau khi nhiều trường đưa ra phổ điểm và những đánh giá bước đầu. Vậy Thứ trưởng nhìn nhận thế nào về việc này, kết quả điểm có ảnh hưởng thế nào đến việc xét tuyển người học của các trường đại học, cao đẳng?

- Thực ra kết quả điểm thi của thí sinh chỉ là tương đối vì phụ thuộc vào độ khó dễ của đề thi. Mọi năm, đề thi tốt nghiệp THPT chủ yếu đánh giá kiến thức cơ bản còn năm nay đề thi chỉ có khoảng 60% kiến thức cơ bản còn lại kiến thức nâng cao, khó hơn. Như vậy mọi năm thí sinh thi tốt nghiệp THPT đạt điểm cao dễ dàng hơn năm nay.

Còn việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ, sau khi có kết quả thi, Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ sẽ họp để tư vấn cho Bộ trưởng quyết định điểm ngưỡng tối thiểu phục vụ cho việc tuyển sinh ĐH, CĐ. 

Do thí sinh có kết quả rồi mới tham gia xét tuyển nên các trường sẽ qui định ngưỡng nhận hồ sơ, nguồn tuyển sẽ phân khúc rõ ràng giúp cho thí sinh dễ định hướng được trường, ngành khi nộp đơn xét tuyển để tránh rủi ro.

Có ý kiến cho rằng, để công bằng cho thí sinh, Bộ GD&ĐT nên bỏ chế độ cộng điểm ưu tiên, nhất là ưu tiên khu vực bởi theo kết quả đánh giá bước đầu của các trường thì rất nhiều thí sinh sẽ đạt được từ 6, 7 điểm, nhưng để đạt được 8, 9 điểm thì phải có sự nỗ lực rất lớn. Quan điểm của Bộ về việc này thế nào?

- Việc cộng điểm ưu tiên tuyển sinh nằm trong chính sách ưu tiên tổng thể của Nhà nước về đối tượng và khu vực. Hiện nay ở nước ta, mức độ phát triển kinh tế xã hội còn có sự khác biệt đáng kể giữa các địa phương, vùng miền. 

Điều kiện học tập của học sinh nông thôn khó khăn hơn học sinh ở thành phố; điều kiện học tập của học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo khó khăn hơn vùng đồng bằng. 

Vì vậy, chế độ cộng điểm ưu tiên theo khu vực cần phải được duy trì để đảm bảo sự công bằng. Nếu chúng ta không có chế độ ưu tiên như vậy thì học sinh ở vùng sâu vùng xa rất khó có điều kiện tiếp cận giáo dục đại học.

Các chế độ ưu tiên này đã thực hiện từ rất nhiều năm nay. Mức độ ưu tiên giảm dần khi sự chênh lệch về điều kiện kinh tế - xã hội giữa các khu vực được rút ngắn. 

Trong thực tế, quy định về ưu tiên những năm gần đây đã được điều chỉnh và cập nhật kịp thời theo các văn bản mới của Nhà nước, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. 

Ví dụ, một số địa phương thoát nghèo, một số thị xã được công nhận thành phố, một số thành phố được công nhận thành phố trực thuộc Trung ương... thì điểm ưu tiên tuyển sinh của những thí sinh ở các địa phương này cũng đã được cập nhật, điều chỉnh.

Kỳ thi THPT quốc gia này, nhiều ý kiến cho rằng sẽ có trường hợp thí sinh có kết quả thi trượt tốt nghiệp nhưng lại đủ điểm xét tuyển ĐH, CĐ. Vậy quan điểm của Bộ với những trường hợp này thế nào?

- Tôi cho rằng đây là những trường hợp hi hữu nhưng cũng có thể xảy ra. Ví dụ như trường hợp thí sinh chẳng may bị điểm liệt một môn bắt buộc quy định để xét tốt nghiệp THPT thì theo quy chế em đó sẽ không được tốt nghiệp, trong khi điểm thi các môn khác của thí sinh này có thể cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào xét tuyển ĐH, CĐ.

Nhưng theo quy định của Quy chế tuyển sinh, thí sinh muốn được xét tuyển ĐH, CĐ thì điều kiện đầu tiên là phải có bằng tốt nghiệp THPT. Trường hợp thí sinh như ví dụ nêu trên đã không đạt điều kiện tốt nghiệp THPT nên sẽ không được xét vào ĐH, CĐ.

Xin cám ơn Thứ trưởng!

Kết quả kỳ thi sẽ phản ánh đúng năng lực thí sinh ảnh 1Thứ trưởng Bùi Văn Ga 
Đề thi năm nay nhằm 2 mục đích vừa để xét tốt nghiệp THPT và vừa để xét ĐH, CĐ nên cấu trúc đề thi gồm 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao để phân loại. Rõ ràng với cấu trúc đó thì đề thi năm nay khó hơn đề thi tốt nghiệp THPT nhưng dễ hơn đề thi đại học năm ngoái.                                                                                                                                                        Vì vậy, chúng ta có thể hình dung được là đỉnh phổ điểm sẽ dịch chuyển về phía cao hơn so với phổ điểm thi đại học năm ngoái và sẽ phân bố đều từ thấp đến cao, không bị dốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ