Đề xuất chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác đại học - doanh nghiệp

GD&TĐ -  Sáng 18/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn - Chủ tịch Ủy ban về Giáo dục và phát triển nhân lực (thuộc Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh) - chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ủy ban.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn - Chủ tịch Chủ tịch Ủy ban về Giáo dục và phát triển nhân lực - phát biểu tại phiên họp.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn - Chủ tịch Chủ tịch Ủy ban về Giáo dục và phát triển nhân lực - phát biểu tại phiên họp.

Cùng dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ tịch Ủy ban về Giáo dục và phát triển nhân lực, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, cùng các thành viên Ủy ban; các chuyên gia; đại diện một số trường đại học và doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ phiên họp, các ý kiến tập trung cho “từ khóa” là chính sách hỗ trợ kết nối, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp.

Phiên họp thứ nhất của Ủy ban về Giáo dục và phát triển nhân lực.

Phiên họp thứ nhất của Ủy ban về Giáo dục và phát triển nhân lực.

Cần yêu cầu bắt buộc bên cạnh các chính sách khích lệ, động viên?

Từ thực tế triển khai, đại diện các trường đại học đều khẳng định vai trò hết sức quan trọng của việc hợp tác với doanh nghiệp. Chia sẻ bài học thành công và cả những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, các trường đã đề xuất giải pháp để tăng cường hiệu quả của mối quan hệ hợp tác này.

Đại diện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đề xuất các nhóm giải pháp về chính sách, nguồn vốn và nhóm các giải pháp thúc đẩy hợp tác đại học - doanh nghiệp.

Theo đó, về giải pháp về chính sách, cần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác đối tác công tư (PPP) trong giáo dục đại học. Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác, tài trợ cho lĩnh vực giáo dục đại học, như chính sách miễn trừ thuế cho các doanh nghiệp đầu tư tài trợ cho giáo dục. Phát triển như mô hình đào tạo luân phiên gồm 3 chủ thể: Sinh viên - Nhà trường - Doanh nghiệp, luân phiên xen kẽ thời gian đào tạo lý thuyết tại trường đại học và đào tạo thực tiễn tại nơi làm việc: Luân phiên hàng tuần (2-3 ngày học tại trường và thời gian còn lại tại doanh nghiệp); hoặc luân phiên theo học kỳ (mỗi năm gồm các học kỳ tại trường xen kẽ với ít nhất một học kỳ tại doanh nghiệp).

Ông Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh thì cho rằng, nhà nước cần có chính sách, cơ chế phối hợp chặt chẽ về nguồn nhân lực giữa nhà trường và doanh nghiệp. Tăng quyền tự chủ cho nhà trường. Nhà trường cần được tự chủ và chủ động về quy mô đào tạo, hình thức tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo, thu chi nguồn tài chính.

“Nhìn chung, đổi mới và tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng mối gắn kết bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp chủ yếu phát huy ở 3 mặt: Định hướng, khuyến khích và hỗ trợ.” - ông Trần Đình Lý chia sẻ.

Quan hệ đại học và doanh nghiệp là cần thiết và mang lại lợi ích cho cả 2 bên, nhưng không làm vẫn không sao - thực trạng này, tồn tại ở cả doanh nghiệp và đại học. Đưa nhận định này, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường FPT cho rằng, bên cạnh các chính sách khích lệ, động viên, kết nối, thúc đẩy, cần một số yêu cầu mang tính bắt buộc. Đơn cử như với nhà trường, hoạt động hợp tác với doanh nghiệp cần là một tiêu chí trong kiểm định.

Nhiều góp ý về chính sách nhằm tăng cường hợp tác đại học - doanh nghiệp được các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý, trường đại học chia sẻ tại phiên họp.

Nhiều góp ý về chính sách nhằm tăng cường hợp tác đại học - doanh nghiệp được các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý, trường đại học chia sẻ tại phiên họp.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho rằng, đầu tư nguồn lực tài chính cho các nghiên cứu khoa học của trường cần thiết phải có quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư cho những ý tưởng, sáng kiến, giải pháp mới. “Chúng tôi đề xuất nhiều lần, nhưng thực hóa cần tiếng nói của cơ quan quản lý nhà nước.” - ông Tào Đức Thắng cho hay.

Nhận định chính sách là vấn đề quan trọng nhưng cũng rất khó, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đề xuất chọn chủ đề gắn kết đại học và doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để có sự quan tâm hơn của Chính phủ và các bộ ngành. Chính sách cần được rà soát tổng thể, nội dung nào đã quy định trong Luật nhưng cần hướng dẫn cụ thể, nội dung nào còn đang vướng, nội dung nào còn thiếu cần bổ sung…

Với đề xuất về Quỹ đầu tư mạo hiểm, ông Trương Anh Dũng cho rằng nên là Quỹ đào tạo để gắn sát sườn với hệ thống cơ sở giáo dục đại học, đồng thời cho biết một số nước đã có Quỹ đào tạo này.

Ông Nguyễn Mạnh Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trí Nam nhận định, cơ chế chính sách cho việc hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp đã tương đối đầy đủ, tất nhiên vẫn cần cải tiến thêm cho phù hợp. Tuy nhiên, thực hiện hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm, nhận thức của người triển khai trực tiếp. Từ đó, ông Nguyễn Mạnh Trường đề xuất, cần quan tâm làm sao để tăng cường nhận thức cho đối tượng thực hiện trực tiếp, từ đó mang lại hiệu quả tốt hơn trong quá trình hợp tác.

Các đại biểu dự phiên họp chụp ảnh lưu niệm.

Các đại biểu dự phiên họp chụp ảnh lưu niệm.

Cần chính sách thúc đẩy mạnh mẽ và hiệu quả hơn

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, sau phiên họp sẽ có một văn bản kết luận dựa trên các khảo sát, đánh giá; các báo cáo tham luận và những nội dung được trao đổi, thảo luận tại phiên họp.

Nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của quan hệ hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp, theo Bộ trưởng, cần phải tính đến các chính sách thúc đẩy mạnh mẽ hơn, chặt hơn, liên thông hơn, hiệu quả và đem lại nhiều lợi ích hơn. Khi đề xuất chính sách phải vừa chú ý đến cái chung, vừa chú ý đến các trường theo từng nhóm lĩnh vực để phù hợp, hài hòa; trong đó đặt trọng tâm đến hệ thống các trường có liên quan nhiều đến doanh nghiệp.

3 góc độ lớn được Bộ trưởng nhấn mạnh xem xét về các chính sách, gồm: Phương diện hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; liên quan đến mảng đào tạo và cuối cùng là sử dụng nguồn lực.

Phương diện về hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, có lẽ là nhóm có nhiều vướng mắc nhất, đã thảo luận nhiều nhưng cũng còn rất nhiều nội dung cần tiếp tục thảo luận thêm. Tinh thần là những vấn đề thực tế vướng thì dũng cảm đề xuất, kể cả liên quan đến luật - dù con đường điều chỉnh là khó khăn, không thể một sớm một chiều.

Một số vấn đề cụ thể khác được Bộ trưởng nhắc đến trong nội dung này liên quan đến chính sách để làm sao hệ thống trang thiết bị khoa học, công nghệ, kĩ thuật của doanh nghiệp được sinh viên sử dụng nhiều; liên quan đến sử dụng kết quả nghiên cứu chung giữa hai phía; vấn đề doanh nghiệp khởi tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ… Về kiến nghị của đại diện Viettel, Bộ trưởng cho biết xem xét đến việc có cơ chế thí điểm cho Quỹ đầu tư mạo hiểm.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn - Chủ tịch Ủy ban về Giáo dục và phát triển nhân lực - phát biểu tại phiên họp.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn - Chủ tịch Ủy ban về Giáo dục và phát triển nhân lực - phát biểu tại phiên họp.

Với mảng đào tạo, Bộ trưởng cho rằng, cần khuyến khích tăng cường chính sách để các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào hoạt động đào tạo của nhà trường. Dù đã có quy định trong một số văn bản, nhưng cần thêm nữa các chính sách cho nhóm này. Nhất là liên quan đến sự hình thành các chương trình đào tạo với sự tham gia mật thiết từ 2 phía, thậm chí tính đến khả năng đào tạo theo địa chỉ - đào tạo tại doanh nghiệp; thúc đẩy nhiều hơn sự tham gia của các nhân lực công nghệ và kĩ thuật trong các chương trình đào tạo và doanh nghiệp tạo điều kiện cho nhà khoa học tham gia nhiều hơn trong quy trình của doanh nghiệp; vấn đề sinh viên thực tập tại doanh nghiệp làm sao nhiều hơn, thực chất hơn…

Về sử dụng nguồn lực, trong đó có việc đầu tư, sử dụng nguồn lực từ cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính… của trường đại học với doanh nghiệp và doanh nghiệp với trường đại học, theo Bộ trưởng, đây cũng là vấn đề còn vướng, cần đề xuất chính sách tháo gỡ, thúc đẩy…

Tại phiên họp, Bộ trưởng mong rằng, cả phía đại học và doanh nghiệp sẽ cùng quan sát, phân tích các nhu cầu của nhau và tận dụng các cơ hội để hợp tác, cùng đẩy nhanh sự phát triển vì sự phát triển chung của đất nước. Trong khuôn khổ một phiên họp chưa thể giải quyết mọi vấn đề, Bộ trưởng mong muốn các đại biểu, chuyên gia sẽ cùng tiếp tục suy nghĩ cho vấn đề lớn này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.