Bức tranh hợp tác đại học - doanh nghiệp tại Việt Nam

GD&TĐ -  Tổng số doanh nghiệp có hợp tác với 135 cơ sở giáo dục đại học được khảo sát (chiếm khoảng 50% số các cơ sở giáo dục đại học hiện có) là 6.126 doanh nghiệp, đạt tỉ lệ trung bình là 60 doanh nghiệp/cơ sở đào tạo.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn - Chủ tịch Chủ tịch Ủy ban về Giáo dục và phát triển nhân lực - phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Thế Đại.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn - Chủ tịch Chủ tịch Ủy ban về Giáo dục và phát triển nhân lực - phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Thế Đại.

Đây là thông tin trong báo cáo chuyên đề về chính sách hỗ trợ hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển. Báo cáo được đưa ra tại Phiên họp thứ nhất của Ủy ban về giáo dục và phát triển nhân lực thuộc Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh sáng 18/8. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn - Chủ tịch Chủ tịch Ủy ban về Giáo dục và phát triển nhân lực - chủ trì phiên họp.

Những hoạt động hợp tác nổi bật giữa trường đại học - doanh nghiệp

Tại Việt Nam, hợp tác giữa trường đại học - doanh nghiệp được Đảng và Nhà nước quan tâm từ hai thập niên trở lại đây. Các văn bản tuyên bố chủ trương và chỉ đạo khẳng định: các trường đại học phải là các trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống; thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội; coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ, là nguồn nhu cầu quan trọng nhất của thị trường khoa học - công nghệ…

Trong thời gian qua mối liên kết giữa trường đại học - doanh nghiệp là một nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam và các bộ ngành liên quan.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có những biện pháp, chính sách rất cụ thể để thúc đẩy hợp tác giữa trường đại học - doanh nghiệp.

Sau những quan tâm của Đảng, Chính phủ, các bộ ngành và các văn bản chính sách được ban hành, một bộ phận doanh nghiệp đã chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo để tìm kiếm nhân lực, “đặt hàng” nhân lực chất lượng cao từ phía cơ sở đào tạo và có những động thái thiết thực để đồng hành cùng các cơ sở giáo dục đại học trong quá trình đào tạo.

Về phía trường đại học, ngoài việc gắn kết chặt chẽ công tác đào tạo với hỗ trợ việc làm, tuyển sinh với tuyển dụng thông qua ký kết hợp tác đào tạo, hội chợ việc làm với các doanh nghiệp… nhiều trường còn thành lập các quỹ học bổng, sân chơi khởi nghiệp nhằm mang đến cơ hội tự tạo việc làm, xây dựng bản lĩnh cho sinh viên của mình.

Một số trường đại học bước đầu hướng chương trình đào tạo của mình theo nhu cầu của doanh nghiệp bằng cách tham khảo ý kiến doanh nghiệp về chương trình đào tạo của mình, mời các doanh nhân tham gia vào một số chương trình giảng dạy, trao đổi ý kiến, hướng nghiệp...

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội kí kết thoả thuận hợp tác với Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội kí kết thoả thuận hợp tác với Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel.

Theo Báo cáo của Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho một khảo sát vào tháng 6/2021, trong số 135 cơ sở giáo dục đại học có báo cáo gửi về (chiếm khoảng 50% số các cơ sở giáo dục đại học hiện có) thì 40,7% cơ sở đào tạo có hoạt động hợp tác với doanh nghiệp cả trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các lĩnh vực khác (55/135 cơ sở đào tạo); 44,4% chỉ có hợp tác trong các lĩnh vực khác (66/135); 8,1% chỉ có hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin (11/135); 6,7% không có hoạt động hợp tác nào với doanh nghiệp (9/135 cơ sở đào tạo) - tập trung chủ yếu vào các cơ sở đào tạo các khối ngành đặc thù thuộc lĩnh vực nghệ thuật.

Tổng số doanh nghiệp có hợp tác với 135 cơ sở giáo dục đại học được khảo sát là 6.126 doanh nghiệp, đạt tỉ lệ trung bình là 60 doanh nghiệp/cơ sở đào tạo

Kết quả khảo sát của Vụ Giáo dục đại học năm 2021 cũng cho thấy, hoạt động hợp tác nổi bật nhất giữa trường đại học - doanh nghiệp trong đào tạo là hoạt động tiếp nhận sinh viên đến kiến tập/thực tập (gần 90%). Các đơn vị không tiếp nhận sinh viên thực tập chủ yếu rơi vào các viện hoặc trung tâm nghiên cứu.

Hoạt động hợp tác chiếm vị trí thứ 2 là tài trợ cho các hoạt động liên quan đến đào tạo và ngoại khóa bao gồm: Trao học bổng sinh viên, tổ chức ngày hội việc làm, và tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp (gần 70%). Đây cũng là hoạt động mà đa số các cơ sở đào tạo hướng tới nhằm tìm kiếm đầu ra cho sinh viên của mình.

Việc các doanh nghiệp tham gia góp ý cho chương trình đào tạo, tham gia giảng dạy chủ yếu dừng lại ở mức độ 30%, tập trung chủ yếu vào việc chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo kỹ năng cho sinh viên, đánh giá đầu ra và xây dựng chuẩn đầu ra trong chương trình đào tạo. Tương tự, số lượng thỉnh giảng từ các doanh nghiệp đạt tỉ lệ dưới 30%.

Điều này cho thấy doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến vai trò của mình đối với quá trình đào tạo nhân lực. Việc tham gia góp ý chương trình đào tạo, đưa ra tiêu chí đánh giá chuẩn đầu ra cho sinh viên là việc hết sức cần thiết để có thể đào tạo ra những nhân lực đáp ứng được những đòi hỏi của thị trường lao động.

Kỳ học tại doanh nghiệp trang bị cho sinh viên kiến thức thực tế cùng các kỹ năng làm việc hiệu quả. Ảnh: hvu.edu.vn.
Kỳ học tại doanh nghiệp trang bị cho sinh viên kiến thức thực tế cùng các kỹ năng làm việc hiệu quả. Ảnh: hvu.edu.vn.

Báo cáo cũng chỉ ra không nhiều cơ sở giáo dục đại học có hợp tác trong nghiên cứu khoa học. Hầu hết mối liên kết nhà trường và doanh nghiệp đều xuất phát từ nhu cầu trước mắt, kế hoạch ngắn hạn của doanh nghiệp chứ không phải là từ chiến lược dài hạn (78% so với 22%). Mức độ hợp tác chủ yếu là ở "sự hiểu biết phát triển ban đầu" (214 trong tổng số 493 trường đại học mà các doanh nghiệp ghi là "có sự hợp tác với…"), hoặc "hợp tác ngắn hạn" (174 trong tổng số 493). Chỉ có 58 và 47 trường đại học đang lần lượt được coi là "đối tác lâu dài" và "đối tác chiến lược" của các doanh nghiệp.

Về khó khăn, vướng mắc, khảo sát của Vụ Giáo dục đại học ghi nhận, một trong những khó khăn lớn nhất là những tác động của dịch bệnh Covid-19 bởi vì từ 2020 đến nay rất nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa hoặc phá sản. Nhiều hợp đồng, thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ đã ký kết về việc tiếp nhận sinh viên thực tập hoặc tuyển dụng đã không thể thực hiện được. Đây là yếu tố nằm ngoài dự tính của khảo sát nhưng trên thực tế lại là yếu tố tác động gây cản trở mạnh mẽ nhất đến mối quan hệ hợp tác này.

Khó khăn và hạn chế từ cơ chế chính sách chiếm tới 42% tổng số các cơ sở giáo dục đại học có báo cáo. Ngoài khó khăn do Covid-19 thì cũng có nhiều khó khăn mà các cơ sở đào tạo nêu ra rất đáng để quan tâm xuất phát từ chính nhà trường và từ doanh nghiệp.

Đoàn sinh viên Trường Đại học Hùng Vương đi thực tập tại Trung tâm nghiên cứu sa mạc Navag Negev (Israel).
Đoàn sinh viên Trường Đại học Hùng Vương đi thực tập tại Trung tâm nghiên cứu sa mạc Navag Negev (Israel).

Đề xuất các nhóm giải pháp

Dựa vào kinh nghiệm quốc tế cũng như phân tích bối cảnh, thực trạng ở Việt Nam, báo cáo chuyên đề đề xuất các nhóm chính sách hỗ trợ thúc đẩy hợp tác giữa trường đại học - doanh nghiệp.

Thứ nhất là nhóm giải pháp chính sách cải thiện môi trường thông tin. Theo đó, xây dựng môi trường thông tin minh bạch về cung - cầu nhân lực chất lượng cao là yêu cầu bức thiết hiện nay. Điều đó phải được thực hiện trên cơ sở phát triển hệ thống thông tin về giáo dục đại học và thị trường lao động.

Cụ thể: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý giáo dục đại học (HEMIS); Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động (LMIS); Xây dựng và hoàn thiện hệ thống truy vết sinh viên tốt nghiệp; Tạo cơ chế gắn kết giữa các hệ thống thông tin trên dưới sự quản lý và điều phối của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ hai là nhóm giải pháp chính sách tạo động lực giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp. Cụ thể, hoàn thiện và tích cực tổ chức, triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia. Cần có một cơ quan chuyên trách về việc tổ chức thực hiện Khung trình độ quốc gia, trong đó có sự tham gia của đại diện các cơ sở giáo dục đại học cũng như đại diện doanh nghiệp.

Đồng thời, mở rộng các dự án tài trợ hiện có, thu hút các chương trình tài trợ đổi mới sáng tạo, khuyến khích các dự án nghiên cứu trên cơ sở hợp tác giữa các các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp. Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ quản lý ngành khác cùng phải đồng hành, phối kết hợp nghiên cứu ban hành các chính sách, cơ chế cho nội dung này.

Thực hiện Quyết định 209/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về “phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” theo quan điểm “Quy hoạch để nâng cao hiệu quả đầu tư và chất lượng đào tạo, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và kết nối doanh nghiệp”. Theo đó, cần có chính sách khuyến khích thành lập một số công viên khoa học, tổ hợp công nghiệp, tập hợp cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trên cùng một địa bàn, hoạt động trong cùng một lĩnh vực, qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác.

Ảnh minh họa/ITN

Ảnh minh họa/ITN

Thứ ba là nhóm giải pháp chính sách nâng cao năng lực của các cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, xây dựng và ban hành các tài liệu hướng dẫn nâng cao năng lực quản trị của cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp. Trước mắt, rất cần nâng cao năng lực của cả cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp trong việc triển khai quan hệ đối tác công tư (PPP) trong giáo dục đại học.

Thứ tư là nhóm giải pháp chính sách phát triển đại học tự chủ sáng nghiệp. Với nhóm giải pháp này, báo cáo chuyên đề đề cập đến việc hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của đại học tự chủ sáng nghiệp. Mở rộng quyền tự chủ đại học về chuyên môn, tổ chức, nhân sự, tài chính, hợp tác trong nước và quốc tế đối với các cơ sở giáo dục đại học sáng nghiệp. Ban hành các chính sách hỗ trợ tài chính và phi tài chính trong việc triển khai xây dựng các vườn ươm doanh nghiệp thông qua nhiều dự án khác nhau, bao gồm dự án đấu thầu, dự án ODA, dự án PPP.

Báo cáo cũng nêu rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong thúc đẩy mô hình hợp tác đại học với doanh nghiệp; kiến nghị đối với Chính phủ và bộ ngành; kiến nghị đối với các cơ sở giáo dục đại học; kiến nghị đối với doanh nghiệp.

Một trong những quan điểm chỉ đạo xuyên suốt tiến trình đổi mới giáo dục và đào tạo ở nước ta là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên cơ sở gắn đào tạo với sử dụng. Quan điểm này được thể chế hóa tại Điều 12 của Luật Giáo dục đại học 2018, trong đó có một quy định về chính sách Nhà nước là đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp. Nội dung cụ thể của chính sách này như thế nào là vấn đề cần phải làm rõ.

Để đưa các chính sách này vào cuộc sống rất cần một văn bản cấp Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó có sự phân công cụ thể cho các bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành từng chính sách cụ thể trong phạm vi thẩm quyền của mình.

Tuy nhiên, việc ban hành chính sách mới chỉ là bước đi cần thiết ban đầu. Quan trọng hơn là tổ chức thực hiện chính sách. Muốn vậy, kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng vẫn cần một cơ quan thường trực với thẩm quyền điều phối, giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách để có sự điều chỉnh, bổ sung không ngừng, tạo điều kiện cho hệ sinh thái ba nhà trong hợp tác giữa trường đại học - doanh nghiệp được từng bước hoàn thiện và vận hành hiệu quả. Đó cũng là một nội dung mà trong văn bản của Thủ tướng Chính phủ cần đề cập đến.

Trích báo cáo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ