Thiên thể liên sao phát tán sự sống từ Trái đất ra vũ trụ

GD&TĐ - Cùng với sự phát hiện các thiên thể từ vũ trụ xa xôi, những người theo thuyết tha sinh (panspermia – thuyết cho rằng sự sống tồn tại khắp vũ trụ) bắt đầu tìm cách chứng minh rằng các thiên thể liên sao có thể phát tán sự sống từ Trái đất ra khắp Dải Ngân hà.

Thiên thể liên sao Oumuamua.
Thiên thể liên sao Oumuamua.

Thuyết tha sinh truyền thống đặt giả thiết là sự va chạm của một thiên thể lớn với hành tinh có thể dẫn tới sự phóng vật chất vào không gian vũ trụ bên ngoài trường hấp dẫn của hành tinh hoặc thậm chí của ngôi sao.

Tuy nhiên, các mảnh vụn hành tinh là rất nhỏ, các loại vi sinh hiện diện trên đó hoàn toàn bị mất khả năng bảo vệ trước bức xạ vũ trụ nguy hiểm. Hơn nữa, thiên thể phải va vào hành tinh với vận tốc đủ lớn thích hợp, để số vật chất bắn ra có thể thoát khỏi trường hấp dẫn của ngôi sao và của ngôi sao chủ.

Hai nhà thiên văn học Amir Siraj và Abraham Loeb của ĐH Harvard (Mỹ) đã quyết định kiểm tra xem việc phát tán các vi sinh vật từ khí quyển Trái đất có khả thi hay không. Theo kết quả nghiên cứu, các vi sinh vật có thể ở trên độ cao 77 km so với mặt đất.

Siraj và Loeb tập trung vào các thiên thể liên sao như Oumuamua hay sao Chổi Borisov. Những vật thể vũ trụ này, khi đến gần Trái đất ở một khoảng cách nào đó, có thể “lấy” vi sinh từ Trái đất và gieo rắc chúng lên các hành tinh khác ngoài Hệ Mặt trời

Các nhà khoa học đánh giá sức cản khí quyển Trái đất lên quỹ đạo của các thiên thể liên sao và hiệu quả của hiện tượng gọi là hỗ trợ hấp dẫn (thay đổi hướng bay và vận tốc nhờ sử dụng trường hấp dẫn của hành tinh hoặc các thiên thể lớn khác).

Nhờ vậy, các nhà khoa học xác định được kích thước và năng lượng các thiên thể có khả năng vận chuyển vi sinh vật lên các hành tinh hoặc hệ hành tinh khác. Sau đó, họ ước lượng được số lần các thiên thể liên sao “lấy vi sinh vật từ Trái đất”, tính từ khi sự sống xuất hiện trên hành tinh của chúng ta.

Các nghiên cứu cho thấy, trong khoảng thời gian 4,54 tỷ năm, có tối đa 10 sao Chổi chu kỳ dài và tối đa 50 thiên thể liên sao có thể “lấy” vi khuẩn từ khí quyển Trái đất. Hơn nữa, nếu cho rằng các vi sinh vật có thể xuất hiện trên độ cao hơn 100 km so với mặt đất, thì số lần xảy ra những sự kiện như vậy lên tới 100.000 lần.

Các nhà khoa học cho rằng, sự sống cũng có thể hiện diện trong những hệ hành tinh khác, ngoài Hệ Mặt trời. Họ cũng không loại trừ khả năng là sự sống trên Trái đất có thể được “nhập khẩu” từ các nơi khác, từ hàng tỷ năm trước, cũng nhờ các thiên thể liên sao.

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ