Xây dựng đội ngũ “giáo viên” trong doanh nghiệp

GD&TĐ - Một số chuyên gia quốc tế phân tích và so sánh về các mô hình đào tạo nghề trên thế giới ở 20 quốc gia đưa ra kết luận: Đào tạo kép của Đức là mô hình hiệu quả nhất. Trong đó, người đào tạo tại doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng nhất, và mô hình đào tạo tại trường bị đánh giá kém hiệu quả nhất. Vì vậy, cần có sự cải thiện vấn đề này thông qua việc tăng cường đào tạo trong doanh nghiệp.

Đào tạo trong doanh nghiệp được xem là vấn đề sống còn để phát triển
Đào tạo trong doanh nghiệp được xem là vấn đề sống còn để phát triển

Kỳ vọng về năng lực người đào tạo

Thực tế đã cho thấy, sự cần thiết phải xây dựng chương trình đào tạo người dạy nghề trong doanh nghiệp. Ông Trương Anh Dũng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, vấn đề đào tạo tại doanh nghiệp trong gắn kết với doanh nghiệp đã được đặt ra. Tuy nhiên làm thế nào để thực hiện có hiệu quả công tác này là một vấn đề mới.

Bởi không phải cán bộ quản lý nào trong doanh nghiệp cũng có thể đào tạo, hướng dẫn cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp học tập, cập nhật nâng cao trình độ kỹ năng. Người đào tạo trong doanh nghiệp được kỳ vọng phải có đủ năng lực để giảng dạy và có khả năng kết nối các hoạt động đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với các đối tác một cách phù hợp.

PGS. TS Bùi Thế Dũng – Tổ tư vấn xây dựng Chương trình người đào tạo trong doanh nghiệp cho biết: Tất cả các kỹ năng sản xuất đều xuất phát từ doanh nghiệp, người đào tạo tại doanh nghiệp thường là người lao động sản xuất giỏi, tổ trưởng tổ sản xuất, cán bộ quản lý đào tạo…

Do đó, đào tạo tại doanh nghiệp bao gồm tất cả các hoạt động do doanh nghiệp lập kế hoạch, tổ chức và thực hiện cho người lao động của mình, hoặc cho người học nghề, người học tập trong khuôn khổ liên kết với đối tác bên ngoài nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chiến lược sản xuất kinh doanh… Chương trình được xây dựng trên nguyên tắc: Đào tạo theo năng lực thực hiện, có cấu trúc mô đun theo đơn vị học tập dựa trên năng lực, được thiết kế theo hướng mở và linh hoạt, áp dụng định dạng phổ biến hiện nay.

Xác định các tiêu chuẩn hệ thống

Theo TS Jurgen Hartwig - Giám đốc Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam, khác với mô hình đào tạo kép của Đức, các nước áp dụng đào tạo nghề sở trường đều có hạn chế lớn nhất là kỹ năng thực hành, kỹ năng làm việc của người tốt nghiệp. Vì vậy, bên cạnh trang bị kiến thức, kỹ năng cho người học ở trường thì việc được học tập công việc tại chỗ làm và trải nghiệm nghề trong môi trường sản xuất, kinh doanh thực sự là nội dung then chốt để nâng cao chất lượng đào tạo. Gắn kết đào tạo với thị trường lao động và tham gia của doanh nghiệp được xem là một giải pháp quan trọng trong phát triển giáo dục nghề nghiệp.

TS Jurgen Hartwig cho rằng, điều quan trọng là không thể copy hệ thống đào tạo của Đức vào Việt Nam. Người đào tạo tại doanh nghiệp ở Đức, trước tiên không tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, bởi không có phát sinh chi tiêu cho đào tạo. Doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, đạt được những yêu cầu nhất định. Tất nhiên, việc này phải thông qua những người đào tạo tại doanh nghiệp. Họ là những cá nhân đạt yêu cầu nhân cách, kỹ thuật và sư phạm.

Tại Đức có những tổ chức giáo dục nghề nghiệp cung cấp những khóa đào tạo cho người đào tạo tại doanh nghiệp. Tổ chức những khóa đào tạo trực tuyến, hệ thống bảo đảm chất lượng được thực hiện ở phòng thương mại và công nghiệp để đánh giá và cấp chứng chỉ cho người đào tạo tại doanh nghiệp. “Trong hệ thống tại Việt Nam, những tổ chức có thể cung cấp các khóa đào tạo cho người đào tạo tại doanh nghiệp có thể là những trường cao đẳng nghề, tổ chức doanh nghiệp…” - TS Jurgen Hartwig gợi ý. 

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Hội đồng tư vấn kỹ năng đã được thành lập tại Việt Nam, đòi hỏi phải có đào tạo tại doanh nghiệp, muốn vậy cần phải có những người đào tạo tại doanh nghiệp. Dựa trên kinh nghiệm của Đức, năm 2018, ASEAN đã thống nhất xây dựng tiêu chuẩn chung cho các quốc gia về đào tạo trong doanh nghiệp; hướng tới những phương pháp điều chỉnh các tiêu chuẩn cho phù hợp với thực tế tại Việt Nam. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.