Vượt khó... trồng người

GD&TĐ - Sau Ngày hội đọc sách năm 2018 do UBND thành phố Lào Cai tổ chức tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám, gặp lại tôi vẫn thấy trên gương mặt Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường, Ngô Thị Thanh Nga vui vẻ nhưng cũng có phần mệt mỏi. 

Nhà giáo Ngô Thị Thanh Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, TP Lào Cai.  Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhà giáo Ngô Thị Thanh Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, TP Lào Cai. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tôi hỏi: “Chị có vẻ vẫn mệt nhỉ?”. Chị nở nụ cười tươi: “Mệt nhưng vui em ạ. Thế nhưng vẫn không thấm vào đâu so với ngày mới vào nghề”. Mời nhau chén nước chè nóng hổi, ký ức ngày xưa bỗng ùa về như vẫn còn tươi mới…

Băng rừng đưa trò đến lớp

Năm 1984 là dấu ấn không bao giờ phai mờ trong tâm trí cô giáo Ngô Thị Thanh Nga. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Nghĩa Lộ, với suy nghĩ: Mình còn trẻ cần đến đem kiến thức sư phạm đến vùng đồng bào còn khó khăn để “trồng người”, cô xung phong lên nhận công tác ở một điểm lẻ của xã Xuân Hòa của huyện Bảo Yên, cách nhà 24 cây số.

Trước khi đến đây, cô không thể lường hết khó khăn, không thể ngờ nơi đây lại heo hút đến thế. Điện không có, điểm trường có 5 lớp chỉ có 2 giáo viên thì một cô giáo nghỉ ốm dài hạn. Nhà ở cho giáo viên dựng tạm bằng tranh tre; nằm đơn lẻ bên sườn đồi là hai phòng học nhìn ra bốn phía núi chắn ngay trước mặt. Chân núi là dòng suối nhỏ nhưng nước sâu. Mùa hè còn đỡ, mùa đông giá rét bủa vây tứ phía. Trong khoảng sân hẹp, thầy cô giáo cùng hơn hai chục học sinh vây quanh đống lửa. Những đứa trẻ vùng cao mặt mũi lem luốc nhưng ánh mắt thơ ngây vẫn sáng lên niềm tin vào con chữ.

Học sinh ở đây là con em đồng bào các dân tộc địa phương, thuộc diện hộ nghèo, lại ở xa trường; nhiều em nhà cách trường đến 5 - 6 cây số đường rừng. Cô thương trò phải dậy sớm đi học nên bàn với bố mẹ cho các em đến ở tại điểm trường. Vậy là có 3 em được bố mẹ đồng ý cho xuống trường ở cùng cô. Mỗi tuần về một lần, có em đem theo ít gạo, mèn mén và rau mét, đu đủ góp cùng cô nấu ăn.

Cô trồng rau, tra vừng để cải thiện thêm bữa ăn cho trò; thức ăn tươi hầu như không có. Thỉnh thoảng đi bộ về phố mua tem phiếu chế độ mỗi quý được hơn cân thịt thì rán lấy mỡ hoặc băm nhỏ rang mặn ăn cả tuần là hạnh phúc lắm rồi. Do đó, những món ăn “truyền thống” cứ thế xoay vòng nhưng ấm tình cô trò. “Vượt lên khó khăn đời sống thường ngày, cô và trò nỗ lực vươn lên bởi các cô giáo nghĩ: Học sinh ở đây đã vô cùng thiệt thòi rồi, nếu mình không nỗ lực thì các em càng thiệt thòi hơn” – cô giáo Nga chia sẻ.

Những ngày đó in đậm kỷ niệm về việc giáo viên lội bộ đến từng nhà dân vận động phụ huynh cho con em mình ra lớp. Có khi trời đổ mưa, đường trơn trượt, không ít lần bị “vồ ếch” lấm lem; Lúc trời tối, mò mẫm trong không gian đen kịt, tiếng ếch nhái râm ran; tiếng chim kêu “Bắt cô trói cột” hòa với tiếng chày giã gạo “ét, pụp” của vài hộ dân người Tày ở ven suối làng Kẹm Reng ban đêm nghe mà thấy sợ.

Trở ngại lớn hơn là bất đồng ngôn ngữ. Thế là giáo viên lao vào học tiếng của đồng bào. Chật vật, từng ngày, từng ít một, phải mất một năm mới nghe và nói được tiếng địa phương, giao tiếp thuận lợi hơn, việc vận động học sinh ra lớp cũng dễ dàng hơn. Bao gian nan như thế cũng không ngăn được bước chân các cô giáo lần lượt “dìu” từng em học sinh về trường học chữ cho tương lai tươi sáng hơn.

“Buồn cười nhất là thời gian đầu chưa thông thạo ngôn ngữ, học sinh ngại giao tiếp, giờ giảng trên lớp, cô vừa là giáo viên vừa là người phiên dịch, học trò vừa là người học chữ vừa là người dịch chữ”- cô Nga tâm sự.

Tuần nào không về nhà thăm mẹ, cô lại lên bản Mông gặt lúa, làm nương cùng dân, ăn cơm nắm, uống nước trong khe núi cùng dân; khi trở về là bó củi trên vai để đốt lửa sưởi ấm cho học trò. Cũng vì lẽ đó, cha mẹ học sinh tin tưởng và coi cô như người của bản. Bởi thế, cô tạo được niềm tin yêu của dân bản và được học sinh kính trọng. Các em từ chỗ thường xuyên nghỉ học, phải đi gọi sau mỗi tuần hoặc đợt nghỉ mùa, nghỉ tết thì từ khi cô dạy, học trò mong được đến trường để được học đọc, học làm toán và được nghe cô kể chuyện; các em dễ dàng tiếp thu bài giảng, luôn chăm chỉ học tập đạt nhiều thành tích cao.

Đưa phong trào “Dạy tốt, học tốt” đi lên

Công tác ở Bảo Yên 11 năm, cô Ngô Thị Thanh Nga được chuyển về Trường Cấp I Kim Tân, thị xã Lào Cai (nay là Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Lào Cai) công tác. Đây là ngôi trường có bề dày thành tích học tập qua công sức của cả đội ngũ giáo viên và học sinh. Môi trường sư phạm mới, công việc nhiều hơn, áp lực cũng nhiều hơn. Điều đó đặt ra thử thách lớn đối với cô, với mục tiêu là làm sao để cập nhật kiến thức truyền tải tới học sinh, đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” của nhà trường.

Với đức tính giản dị, ham học hỏi, cô Nga không bao giờ tự bằng lòng với chính mình mà luôn nỗ lực vươn lên; rèn luyện phẩm chất đạo đức của người giáo viên nhân dân; không ngừng học tập, trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp, tìm hiểu thêm kiến thức từ sách, báo để có những bài giảng hay, phương pháp giảng dạy khoa học, truyền dạy cho học sinh những kiến thức văn hóa trên bục giảng cũng như trong cuộc sống. Cô Nga quan niệm: Giáo viên không chỉ giảng dạy cho hết bài trong sách giáo khoa mà phải vừa dạy kiến thức vừa dạy các em có vốn kiến thức thực tế, giáo dục các em biết chia sẻ, yêu thương.

Sau 18 năm công tác, năm 2002 cô giáo Ngô Thị Thanh Nga được bổ nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng; đến năm 2012 giữ chức vụ Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường. Trên cương vị quản lý, cô luôn tâm huyết với ngành, với trường, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” bằng những việc làm cụ thể.

Với vai trò là người quản lý, cô Nga luôn tâm niệm: Trước hết phải làm tốt công tác tổ chức bộ máy, quan tâm bồi dưỡng, giáo dục tư tưởng, chính trị, pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm của từng thành viên trong nhà trường, tất cả vì mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh. Đồng thời lãnh đạo nhà trường thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Nói về thời gian công tác của mình, cô say sưa kể về việc tập thể cán bộ quản lý nhà trường đã cùng nhau khắc phục khó khăn để tuyên truyền cha mẹ học sinh thực hiện nội dung đổi mới giáo dục. Mỗi năm một dãy nhà mới được xây lên cô lại thấy niềm vui và quyết tâm hơn trong công việc. Đặc biệt, hai năm gần đây, nhà trường xây dựng theo hướng chuẩn hóa, xã hội hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Cô đã trực tiếp tuyên truyền, lắp phòng truyền thông trực tuyến để có thể họp phụ huynh theo khối nhằm cung cấp mọi thông tin về đổi mới giáo dục, về tình hình hội nhập của trường đến được với giáo viên và cha mẹ học sinh. Làm quản lý nhưng cô không xa rời chuyên môn hàng ngày, cô sắp xếp thời gian tham gia tập huấn, dự giờ, tư vấn chuyên môn cho giáo viên; Cô tự học tự bồi dưỡng tiếng Anh để có thể đáp ứng yêu cầu hội nhập và làm gương về tự học để cán bộ, giáo viên noi theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ