Truyền lửa cho thế hệ trẻ

GD&TĐ - Hòa bình lập lại, những nhà giáo từng “tay cầm bút, tay cầm súng” nơi chiến trường trở về tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp GD-ĐT của nước nhà.

Thầy Phạm Đình Lộc trước khi lên đường đi B. Ảnh: NVCC
Thầy Phạm Đình Lộc trước khi lên đường đi B. Ảnh: NVCC

Người đứng trên bục giảng, người được đề bạt làm quản lý… Và nay, dù đã nghỉ hưu nhưng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong họ vẫn luôn ngời sáng.

Trọn tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục

Sinh năm 1952 trong một gia đình có truyền thống cách mạng, năm 18 tuổi chàng thanh niên Nguyễn Hữu Dũng ở xã Văn Tố (Tứ Kỳ, Hải Dương) - khi đó đang học lớp 10 - đã xếp bút nghiên, tình nguyện lên đường vào chiến trường miền Nam. Tháng 4/1970, Nguyễn Hữu Dũng nhập ngũ, thuộc Tiểu đoàn Đặc công D89 (Quân      khu V), tham gia chiến đấu ở mặt trận Quảng Nam.

Thầy Dũng vẫn nhớ như in trận chiến ác liệt vào đêm 1/5/1971. Khi ấy, thầy được phụ trách một mũi tấn công gồm 4 người, có nhiệm vụ tiêu diệt lô cốt phía đầu cầu khu quân sự Ái Nghĩa. Đúng giờ tác chiến, thầy chỉ huy các đồng chí trong mũi tiến công của mình bò vào hàng rào; đến hàng rào thứ hai thì một quả mìn phát nổ ở khoảng cách 10m. Một loạt đạn, pháo sáng tung lên, sáng trắng cả bầu trời.

“Nắm chặt tay anh em, chúng tôi tiếp tục tiếp cận mục tiêu. Lô cốt đầu cầu dần hiện rõ. Đúng 1 giờ đêm, các mũi đồng loạt nổ súng. Trận đánh này, mũi tấn công của chúng tôi đã tiêu diệt hoàn toàn lô cốt với 24 tên, đánh sập đầu cầu, cắt đường giao thông, chặt đứt hai hàng rào dây thép gai, mở lối cho bộ đội ta vào tiêu diệt gọn khu quân sự Ái Nghĩa” – thầy Dũng tự hào kể và cho biết:

Sau trận đánh này, thầy được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba và vinh dự được kết nạp vào Đảng. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, thầy đã vinh dự 3 lần được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thầy Phạm Đình Lộc nói chuyện chuyên đề về giáo dục thời chiến cho cán bộ, đảng viên và các thế hệ thầy – trò. Ảnh: NVCC
Thầy Phạm Đình Lộc nói chuyện chuyên đề về giáo dục thời chiến cho cán bộ, đảng viên và các thế hệ thầy – trò. Ảnh: NVCC

Trở về từ chiến trường với mức thương tật 45%, thầy Dũng quyết tâm thi vào khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để được cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Sau khi tốt nghiệp, thầy được phân công về dạy học ở Trường THPT Tứ Kỳ. Sau đó được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng. Ở cương vị nào thầy cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần đưa phong trào của nhà trường ngày càng phát triển. “32 năm đứng trên bục giảng, tôi chưa bao giờ lơ là trong công việc. Tôi tâm niệm, đã là thầy giáo, mọi việc làm phải gương mẫu để học sinh noi theo” – thầy Dũng bộc bạch.

Tháng 1/2013, thầy nghỉ hưu theo chế độ của Nhà nước và được mời về làm Hiệu trưởng Trường THPT Tứ Kỳ 2. 4 năm công tác ở đây, thầy đã đưa nhà trường từ vị trí 12/13 lên vị trí thứ nhất trong khối các trường tư thục. Hiện, thầy trở về địa phương để xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài. Thầy là Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Tứ Kỳ.

Từ năm 2014 đến nay, mỗi năm thầy tặng quà và hỗ trợ học sinh là con gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, trẻ em tật nguyền, trẻ em nghèo vượt khó ở địa phương với số tiền từ 15 đến 20 triệu đồng. Hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, thầy Dũng đã có 22 lần đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi” và Chiến sĩ thi đua, được các cấp từ Trung ương đến địa phương tặng nhiều bằng khen, giấy khen và kỷ niệm chương.

Đặc biệt năm 2012, thầy vinh dự được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen. Năm 2020, thầy vinh dự được chọn đi dự Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Hải Dương lần thứ V và được Đại hội bầu là đại biểu chính thức dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Nhà giáo Nguyễn Hữu Dũng truyền lửa cho học sinh. Ảnh: NVCC
Nhà giáo Nguyễn Hữu Dũng truyền lửa cho học sinh. Ảnh: NVCC

Cầu nối lịch sử với hiện tại

Từng là giáo viên của Trường THCS Long Sơn (Hòa Bình), năm 1968 thầy Phạm Đình Lộc (22 tuổi, còn gọi là Năm Lộc) tạm rời xa học trò, bục giảng để tình nguyện lên đường đi B với nhiệm vụ: Xây dựng và phát triển giáo dục trong vùng chiến. Thầy được phân công về Vĩnh Long (lúc đó có mật danh là U6) là một tỉnh của khu 9 (mật danh là T3).

Với thầy, những ngày ở chiến trường chính là năm tháng của tuổi trẻ tươi đẹp mà chắc chắn không bao giờ quên. Thầy kể: Ngày ấy Tiểu ban Giáo dục miền Nam, thường được gọi là Tiểu ban Giáo dục R phải thực hiện hai nhiệm vụ: Đấu tranh với địch trên mặt trận văn hóa giáo dục và xây dựng lực lượng giáo dục cách mạng.

Để thực hiện hai nhiệm vụ này, Tiểu ban Giáo dục R đã vạch ra chương trình giáo dục phổ thông và bình dân học vụ cho hai nhóm đối tượng là: Trẻ em và người lớn. Giải phóng đến đâu, giáo dục phát triển tới đó, kể cả những vùng lõm giải phóng, dù chỉ là một thôn, xóm; với phương châm “nơi nào có dân, nơi đó có giáo dục”.

Năm 1972, Trường Nội trú Lưu Văn Liệt được mở ra ở huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long), thầy Năm Lộc vừa là hiệu trưởng vừa là giáo viên. Ngày ấy, học sinh từ 9 - 15 tuổi, thời gian chạy giặc ngang với thời gian học. “Có lần lớp học đang diễn ra thì giặc càn quét, thầy - trò phải sơ tán, chạy tán loạn. Trong trận càn ấy, không may có một học trò tử nạn. Đó là điều mà tôi day dứt khôn nguôi” – thầy Năm Lộc xúc động nhớ lại.

Sau năm 1975, thầy được phân công về làm Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Vĩnh Long. Đến năm 2000, thầy được điều động sang làm Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và công tác đến năm 2007 thì nghỉ hưu. Dù ở bất kỳ vị trí công tác nào, thầy luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Khi còn sức khỏe, thầy vẫn đi nói chuyện chuyên đề về giáo dục thời chiến, về cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc với cán bộ, đảng viên và giáo viên, học sinh trên địa bàn. Thông qua hoạt động này, thầy muốn truyền lửa đến thế hệ trẻ về tinh thần học tập, lao động, sáng tạo; đặc biệt là tinh thần vượt khó. Hiện nay, dù sức khỏe đã suy giảm, nhưng thầy vẫn luôn ủng hộ, khuyến khích và tham gia phong trào khuyến học, khuyến tài  ở địa phương.

 Hàng nghìn thầy, cô giáo đã theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, sẵn sàng rời xa mái trường thân yêu, xa gia đình, bục giảng, xếp bút nghiên lên đường chống giặc. Các nhà giáo đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và sự khốc liệt của chiến tranh, chiến đấu anh dũng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau năm 1975, những thầy giáo, cô giáo trở về quê hương, ngành Giáo dục để tiếp tục với sự nghiệp trồng người, ở nhiều vị trí, công việc khác nhau. Dù ở cương vị nào, các nhà giáo vẫn luôn tâm huyết, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ